Ung thư đại tràng giai đoạn đầu thuộc ung thư đại tràng giai đoạn sớm khối u vẫn còn nhỏ chưa vượt ra khỏi đại tràng, và có khả năng kiểm soát tốt. Tuy nhiên ở giai đoạn này dấu hiệu nhận biết bệnh còn khá mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư đại tràng giai đoạn 1 diễn biến thế nào?
Ung thư đại tràng xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường bắt đầu từ đại tràng (ruột già/ ruột kết – phần cuối cùng của đường tiêu hóa), bắt đầu phân chia, phát triển và xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể. Các trường hợp mắc ung thư đại tràng thường xuất phát từ các polyp lành tính. Về bản chất, polyp không phải là ung thư nhưng có thể tiến triển thành ung thư sau một khoảng thời gian nhất định ở mỗi người.
Giai đoạn 1 được xem là giai đoạn đầu hay giai đoạn sớm của ung thư đại tràng hay còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, là thời điểm ung thư vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng. Ở giai đoạn này khối u ác tính phát triển xuyên qua niêm mạc vào lớp dưới niêm hoặc đến lớp cơ nhưng chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận và chưa lan đến các vị trí xa.
2. Ung thư đại tràng giai đoạn 1 biểu hiện như thế nào?
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, hoặc các triệu chứng có thể gây lầm tưởng thành các bệnh lý khác gây ra như: Bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, nhiễm trùng… Điều quan trọng là khi nhận thấy những triệu chứng bất thường về tiêu hoá như: Đau bụng, đại tiện phân nhầy lẫn máu, dù là bệnh lý nào người bệnh cũng nên kiểm tra sớm để có thể điều trị bệnh kịp thời, và phát hiện sớm ung thư thư đại trực tràng nếu có.
Biểu hiện của bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu có thể sẽ bao gồm các triệu chứng dưới đây:
2.1 Rối loạn đại tiện – Biểu hiện của ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu
Bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn 1 có thể sẽ gặp tình trạng rối loạn đại tiện, cụ thể được minh họa bằng các triệu chứng như táo bón hay tiêu chảy bất thường và kéo dài khiến người bệnh trở nên khó chịu và mệt mỏi. Ngoài ra trong quá trình đại tiện, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng đau quặn bụng, mót rặn và có nhu cầu đi đại tiện nhiều lần, cảm giác đại tiện không hết phân.
Hình dạng và kích thước của chất thải bất thường bởi đường tiêu hóa dưới xuất hiện khối u gây cản trở, từ đó có thể làm biến dạng và thay đổi kích thước của chất thải khi đi ra ngoài. Hình dạng phân lúc này có thể dẹt mỏng, và hẹp nhỏ hơn so với bình thường.
2.2 Xuất hiện tình trạng đau bụng – Một dấu hiệu của ung thư đại tràng giai đoạn 1
Đau bụng là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý tiêu hóa, và đau bụng cũng là một triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Vì thế người bệnh không nên chủ quan bỏ qua trước khi loại trừ được các tác nhân nguy hiểm. Và với ung thư đại tràng, cơn đau bụng sẽ xuất hiện dạng đau râm ran hoặc đau quặn từng cơn.
2.3 Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết đường tiêu hóa dưới như đại tiện ra máu lẫn nhầy, đại tiện phân đen cũng là các dấu hiệu của bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên đại tiện ra máu cũng có thể gặp trong các bệnh lý khác như trĩ, xuất huyết dạ dày, đại tràng, nứt kẽ hậu môn… Vậy nên lời khuyên dành cho người bệnh khi có triệu chứng này là cần đi thăm khám sớm tránh để tình trạng xuất huyết kéo dài bởi có thể sẽ dẫn đến các tình trạng mệt mỏi, suy nhược, thiếu máu của cơ thể.
2.4 Một số dấu hiệu khác cảnh báo ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Bên cạnh các triệu chứng đau bụng, rối loạn đại tiện, xuất huyết tiêu hóa kể trên, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác như: Chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược và giảm sụt cân nhanh không có lý do…
Biểu hiện ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn, thường chỉ đến khi ung thư lan rộng mới biểu hiện ra bên ngoài các triệu chứng có thể nhận biết kể trên. Đó là lý do tại sao lời khuyên hàng đầu của các y bác sĩ hiện nay cách tốt nhất là chúng ta nên đi khám định kỳ để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư đại trực tràng sớm trước khi có bất kỳ triệu chứng nào.
Ung thư đại trực tràng được phát hiện sớm thông qua tầm soát ung thư, trước khi có các dấu hiệu phát bệnh có thể điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc tầm soát còn giúp phát hiện và xử lý các khối u tiền ung thư như polyp, từ đó cũng ngăn ngừa triệt để một số bệnh ung thư đường tiêu hóa trong đó có ung thư đại tràng.
3. Tiên lượng sống và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 1
3.1 Tiên lượng sống cho bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn 1
Bệnh ung thư nói chung và ung thư đại tràng nói riêng đều nằm trong nhóm bệnh lý nguy hiểm, dễ dàng tước đi mạng sống của người bệnh nếu tế bào ác tính đã xâm lấn và phát triển mạnh mẽ không chỉ ở đại tràng mà đến các cơ quan xa trong cơ thể. Tuy nhiên, với ung thư giai đoạn 1, mức độ nguy hiểm sẽ ít hơn so với ung thư ở giai đoạn muộn.
Bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 1 là giai đoạn sớm của bệnh nên cơ hội chữa khỏi hoặc tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối cao (hơn 90%) khi người bệnh có phác đồ đúng hướng và tuân thủ triệt để phác đồ điều trị. Ngược lại khi ung thư đã tiến triển di căn xa đến các bộ phận xa trong cơ thể tỷ lệ này sẽ giảm chỉ còn khoảng 17%. Vì vậy, có thể nói phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là điều rất quan trọng đóng góp vào hiệu quả của quá trình điều trị. Từ đó người bệnh sẽ nhận thức được việc chủ động tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời với phác đồ cá thể hóa, không nên chần chừ chậm trễ khiến bệnh tiến triển phức tạp, tiên lượng sẽ kém hơn.
3.2 Điều trị bệnh lý ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 – Giai đoạn đầu của bệnh
Ung thư đại tràng giai đoạn 1 có thể chữa được bởi ở giai đoạn này, tế bào ung thư vẫn đang khu trú ở đại tràng chứ chưa gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, nên bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng chứa khối u. Sau đó nếu thấy có khả năng tái phát cao sau phẫu thuật bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành thêm điều trị bổ sung như: Phẫu thuật thêm, hóa trị bổ trợ.
Sau điều trị bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi định kỳ và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng theo chỉ định và đồng thời cần thay đổi lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ ung thư tái phát..
Để phòng ngừa ung thư đại tràng bạn nên chủ động xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý bao gồm ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, tiêu thụ đúng mức lượng thịt đỏ, hạn chế thức uống có cồn, hạn chế sử dụng thuốc lá, và nên luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe