Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương dẫn đến hao mòn độ chắc của xương từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Đây là căn bệnh phổ biến khi có đến ⅓ phụ nữ và ⅛ đàn ông trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Cùng đọc bài viết sau đây để hiểu hơn về bệnh loãng xương và cách điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Loãng xương là gì, phân loại thành mấy nhóm?
1.1. Hiểu đúng về loãng xương
Bệnh loãng xương khiến xương dễ gãy, tổn thương dù chỉ gặp chấn thương nhẹ. Nguyên nhân là do mật độ canxi trong xương giảm dần theo thời gian, dẫn đến hiện tượng xương mỏng hoặc bị loãng, khiến xương suy yếu.
Hầu hết bệnh nhân loãng xương thường được phát hiện ở giai đoạn muộn bởi bệnh thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt. Hầu hết trường hợp được phát hiện khi xương gặp chấn thương và bị gãy. Một số người bệnh cho rằng ban đầu họ chỉ đau mỏi người ở mức độ nhẹ. Lâu dần sẽ giảm chiều cao và vẹo cột sống nên rất khó để phát hiện sớm.
Loãng xương là bệnh lý xương khớp vô cùng nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh có thể đối mặt với một số biến chứng sau đây:
– Chân tay tê, mỏi, đau nhức, ê buốt
– Suy thận
– Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
– Gãy xương khi va chạm nhẹ
– Teo cơ
– Bại liệt, tàn tật
1.2. Phân loại bệnh loãng xương
Hiện nay, bệnh được chia thành 2 loại như sau:
Loãng xương nguyên phát
Loãng xương nguyên phát thường do tuổi tác hoặc do tình trạng mãn kinh ở phụ nữ. Khi quá trình tạo cốt bào ở xương bị lão hóa gây nên sự mất cân bằng giữa quá trình hủy xương và tạo xương.
– Loãng xương type 1 – loãng xương sau mãn kinh: do suy giảm nội tiết tố estrogen và sự suy giảm một số hormone và enzyme, phổ biến ở độ tuổi từ 50-55 tuổi.
– Loãng xương type 2: nguyên nhân do tuổi tác và tình trạng mất cân bằng tạo xương, xuất hiện ở cả 2 giới trên 70 tuổi. Tình trạng loãng xương này làm mất chất khoáng ở cả xương xốp và xương đặc, thường gây gãy xương đùi ở người bệnh.
Loãng xương thứ phát
Thường liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc do sử dụng một số loại thuốc. Các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát cụ thể như sau:
– Bệnh nội tiết: tiểu đường, cường giáp, suy giáp, …
– Bệnh tiêu hóa: bệnh gan mạn tính, người bệnh cắt dạ dày
– Bệnh khớp: bệnh lý về cột sống hoặc bệnh viêm khớp
– Bệnh ung thư
– Bệnh di truyền
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc: corticoid, heparin, thuốc lợi tiểu,…
2. Hiểu rõ về bệnh loãng xương và cách điều trị
Tùy thuộc vào tình trạng loãng xương của từng người mà sẽ có cách điều trị khác nhau.
2.1. Bệnh loãng xương và cách điều trị không dùng thuốc (thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt)
Khi cơ thể già đi, đặc biệt sau mãn kinh, xương rất dễ mất chất khoáng. Nguyên nhân là do xương không khôi phục lại kịp so với tốc độ hủy xương, do đó xương dễ suy yếu. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt khoa học và luyện tập đầy đủ làm ngăn chặn nguy cơ loãng xương hoặc gãy xương.
Chế độ dinh dưỡng dành riêng cho bệnh nhân loãng xương
Người bệnh cần tăng cường bổ sung canxi và vitamin D vào các bữa ăn. Hai nhóm chất này sẽ giúp tái tạo xương khớp, tăng cường sự bền chắc cho xương. Người bệnh có thể bổ sung canxi và vitamin D thông qua:
– Sữa
– Sữa chua
– Phô mai
– Rau lá xanh
– Hạt óc chó
– Cá hồi
– Hải sản
Tránh những thực phẩm có hại cho sức khỏe xương khớp như:
– Thức uống có ga
– Cà phê
– Rượu bia
– Chất kích thích
– Đồ ăn nhanh
– Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp
Trong sinh hoạt, vận động
Người bệnh loãng xương cần lưu ý một số điều sau:
– Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ xương khớp, nẹp chỉnh hình, … để giảm áp lực tỳ đè lên cột sống, xương vùng hông, …
– Tăng cường tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng để hấp thu vitamin D hiệu quả. Đồng thời tăng cường sự chắc khỏe của xương và độ dẻo dai cho cơ bắp.
– Tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp với sức khỏe và mức độ loãng xương.
– Các bài tập phù hợp với người bệnh loãng xương là: đi bộ, chạy bộ, yoga, dưỡng sinh, khiêu vũ
Tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có chế độ ăn uống và lộ trình luyện tập phù hợp.
2.2. Bệnh loãng xương và cách điều trị bằng thuốc
Đa số các loại thuốc điều trị loãng xương hoạt động theo cơ chế là ức chế quá trình hủy xương. Một số loại thuốc khác lại kích thích quá trình tạo xương. Mục đích chính là giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị loãng xương là:
Bisphosphonates
Đây là lựa chọn đầu tiên trong phác đồ điều trị loãng xương. Bisphosphonates gồm có alendronate, risedronate, ibandronate, axit zoledronic… Tác dụng chính của nhóm thuốc này là chống hủy xương. Tuy nhiên, bisphosphonates đường uống có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, ợ nóng. Với các dạng bisphosphonat tiêm tĩnh mạch như axit zoledronic có thể gây sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ.
Bisphosphonates đặc biệt chống chỉ định với phụ nữ có thai và đang cho con bú, bệnh nhân suy thận nặng.
Denosumab
Đây là loại thuốc điều trị cho người không thể sử dụng bisphosphonate. Denosumab thường được sử dụng dưới dạng tiêm, 6 tháng/lần. Nếu ngưng thuốc mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ, sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương bao gồm xương cột sống. Do đó khi ngừng sử dụng thuốc cần tham khảo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, tương tự bisphosphonate, denosumab cũng có thể phát sinh những biến chứng ít gặp như gãy thân xương đùi không điển hình và hoại tử xương hàm khi dùng trong thời gian dài.
Strontium ranelate
Tác dụng của nhóm thuốc này là tăng tạo xương, ức chế hủy xương. Tuy nhiên loại thuốc này chưa được sử dụng phổ biến vì tác dụng phụ gây ra trên hệ tim mạch chưa được kiểm soát.
Deca – Durabolin và durabolin
Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa, có thể cân nhắc sử dụng kết hợp với hai loại thuốc trên.
Các thuốc tăng tạo xương
Có thể kể đến Teriparatide, abaloparatide, romosozumab. Thuốc được chỉ định trong trường hợp loãng xương nghiêm trọng và nguy cơ gãy xương cao đến rất cao, bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các loại thuốc khác. Những loại thuốc này thường được sử dụng dưới dạng tiêm và hết tác dụng nhanh chóng khi ngừng thuốc. Do đó, khi ngừng nhóm thuốc này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc khác để duy trì kết quả điều trị.
Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị loãng xương tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, việc bảo vệ xương khớp và ngăn ngừa bệnh từ sớm là điều ai cũng nên làm.