Rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng rối loạn tiêu hóa trẻ em. Thuốc trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ em căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Mỗi trường hợp rối loạn tiêu hóa khác nhau sẽ sử dụng thuốc khác nhau.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa là gì và nguyên nhân tại sao trẻ bị
1.1. Rối loạn tiêu hóa là bệnh gì ở trẻ?
Rối loạn tiêu hóa là căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, trong đó có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng đối tượng trẻ em thường hay gặp tình trạng này hơn cả.
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng trẻ bị co thắt cơ vòng một cách bất thường khiến cho trẻ bị đau bụng, buồn nôn, nôn. Những trẻ nhỏ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa sẽ có hiện tượng chững cân, không tăng cân, chậm phát triển thể lực, còi xương, sức khỏe kém nên trẻ rất hay bị ốm vặt.
1.2. Nguyên nhân bệnh
Có thể liệt kê một số nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em như:
– Những trẻ không bú đủ sữa mẹ thường có sức đề kháng yếu, hệ đường ruột yếu nên dễ bị bệnh
– Hệ đường ruột bị mất cân bằng vi sinh
– Do trẻ sử dụng một số loại thuốc kháng sinh khiến cho lợi khuẩn trong đường ruột bị tiêu diệt hết, từ đó dẫn đến trẻ bị tiêu chảy hoặc táo bón
– Môi trường sống của trẻ bị ô nhiễm hoặc trẻ không được đảm bảo vệ sinh thực phẩm khi ăn uống
– Hệ vi sinh trong đường ruột của trẻ không hoàn thiện, dẫn đến trẻ không tiêu hóa được hết thức ăn khiến những hại khuẩn có môi trường phát triển nhiều hơn.
– Trẻ có chế độ ăn ít xơ, ít vitamin, nhiều đạm, nhiều chất béo… là một chế độ ăn không khoa học nên trẻ sẽ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.
1.3. Triệu chứng
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có những triệu chứng thông thường như sau:
– Trẻ gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón hoặc bị phân sống
– Trẻ biếng ăn, bỏ ăn, ăn ít, hay bị nôn ói sau khi ăn xong
– Có hiện tượng trào ngược ở trẻ
– Trẻ thường hay kêu đau bụng
– Chướng bụng
– Đầy hơi
Trẻ em vốn sức khỏe kém, hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên thành ruột không khỏe, rất dễ bị nhiễm khuẩn. Những triệu chứng về rối loạn tiêu hóa ở trẻ cũng thay đổi rất nhanh.
Các phụ huynh nên để ý theo dõi trẻ để có thể nhận thấy những bất thường nhằm đưa trẻ đi khám kịp thời.
Có những trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do phải uống kháng sinh trong một thời gian dài thì sau khi ngừng kháng sinh, hiện tượng rối loạn tiêu hóa có thể thuyên giảm hoặc chấm dứt. Những dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh là:
– Bụng trẻ bị đau âm ỉ hàng giờ
– Đi phân lỏng, có thể kèm thêm phân sống
– Phân bị nhầy bọt, đôi khi có lẫn tia máu
– Trẻ tiêu chảy
– Chán ăn, đầy hơi
Khi trẻ phải uống kháng sinh, những loại vi khuẩn gây hại cho trẻ bị tiêu diệt nhưng cũng làm cho những loại vi khuẩn có lợi bị triệt tiêu. Từ đó dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, gây ra nhiều vấn đề trong hệ tiêu hóa của trẻ. Chính vì vậy, khi cho uống kháng sinh, một số trường hợp cần kèm thêm men vi sinh để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa xảy ra với trẻ.
2. Điều trị và phòng ngừa
2.1. Dùng thuốc trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ
-Trẻ bị tiêu chảy, táo bón: Theo các bác sĩ, tiêu chảy và táo bón là một trong những triệu chứng điển hình của triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, táo bón do dùng nhiều kháng sinh thì phải dùng antibio có thành phần là men vi sinh lactobacillus acidophilus. Thuốc này có tác dụng phục hồi rối loạn hệ vi sinh có ích trong đường tiêu hoá đã bị tiêu diệt khi dùng kháng sinh. Các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ uống thuốc sau ăn 2 giờ để đảm bảo có tác dụng tốt nhất.
– Trẻ bị loạn tiêu hoá với biểu hiện phân thối, quánh: Trong trường hợp này, các bác sĩ thường chỉ định cho trẻ dùng neopeptine. Trong thành phần neopeptine có men tiêu hoá đường bột (amylase), men tiêu hoá đạm (papin) và tinh dầu kích thích tiêu hoá. Neopeptine dùng cho trẻ em là loại thuốc giọt, lọ 15ml. Thuốc được dùng giữa bữa ăn.
Ngoài ra, thuốc antibio giúp cơ thể trẻ phục hồi hệ vi sinh vật có ích trong đường tiêu hoá. Debridat có thành phần chính là trimebutin maleat có tác dụng chữa khó tiêu, đau bụng quặn hoặc rối loạn nhu động ruột ở trẻ em. Becombion xirô gồm có 6 vitamin nhóm B là B1, B2, B3, B5, B6 và B12 (chai 110ml và 60ml) có tác dụng chữa bệnh thiếu vitamin nhóm B, thiếu máu, suy nhược cơ thể, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng, các bệnh đường ruột, gan. Liều trẻ em 1 thìa cà phê/ngày.
Ngoài việc dùng thuốc trị rối loạn tiêu hóa , các bậc phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay, đánh răng, súc miệng sạch sẽ trước và sau ăn. Thực hiện tẩy giun 6 tháng/lần cho trẻ. Bổ sung men tiêu hoá và men sinh hoá từ các loại quả. Bữa ăn nào cũng có rau, để đảm bảo nhu cầu vitamin, khoáng chất, chất xơ chống táo bón.
Thuốc rối loạn tiêu hóa cần theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc về cho con, tránh việc dùng không đúng thuốc sẽ gây những tác dụng phụ không mong muốn.
2.2. Những thức ăn nên và không nên cho trẻ ăn khi bị rối loạn tiêu hóa
Đường ruột của trẻ đang gặp vấn đề thì nên cho trẻ ăn những món gì? Đây là thắc mắc của hầu hết những phụ huynh đang có con bị rối loạn tiêu hóa. Những loại thực phẩm cha mẹ có thể cho con ăn mỗi khi con bị rối loạn đó là: Cơm, cháo trắng, một số loại trái cây như chuối, bưởi, cam; thịt gà; rau xanh; bánh mì; ngũ cốc nguyên hạt; men vi sinh, sữa chua,…
Tùy thuộc vào tình trạng của rối loạn tiêu hóa mà cha mẹ có thể hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn những thức ăn sau ra khỏi thực đơn ăn uống của trẻ như:
– Đồ ăn chế biến sẵn
– Đồ đóng hộp
– Đồ có nhiều đường, nhiều vị ngọt
– Thức ăn nhiều chất phụ gia, bảo quản
– Thực phẩm nhiều chất béo như các đồ chiên rán
– Nếu trẻ bị táo bón thì cần hạn chế, giảm bớt tinh bột lại
2.3. Làm sao để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa cho trẻ nhỏ?
– Tăng cường nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách kéo dài thời gian cho trẻ bú sữa mẹ để hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời.
– Mẹ đang trong chế độ cho con bú thì cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình sao cho khoa học và đầy đủ chất nhằm mang lại nguồn sữa mẹ chất lượng.
– Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo 2 yếu tố là đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng nhóm chất và đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến cũng như chất lượng thực phẩm.
– Không nên để trẻ ăn một lúc quá nhiều thức ăn hoặc ăn các bữa quá gần nhau, trẻ không tiêu hóa kịp mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
– Cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, tránh cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
– Không nên cho trẻ uống thuốc mà không hỏi trước ý kiến của bác sĩ
– Xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi nhiều để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Trên đây là những thông tin về bệnh rối loạn tiêu hóa và những loại thuốc có thể dùng để điều trị. Hi vọng sẽ giúp ích cho nhiều phụ huynh có con bị rối loạn tiêu hóa.