Bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim là phương pháp hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng nên áp dụng cách này. Người bệnh nên thăm khám tại chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn cụ thể.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim mất đi sự đồng nhất, nhịp đập không còn đều. Trong trạng thái bình thường, tim có nhịp đều để thực hiện nhiệm vụ bơm máu và cung cấp oxy đến các cơ quan trên cơ thể.
Khi xảy ra rối loạn nhịp tim, nhịp tim quá nhanh, quá chậm, không đều làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác.
2. Cảnh báo các triệu chứng rối loạn nhịp tim
Triệu chứng của bệnh lý này rất đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Một số người bệnh không có biểu hiện hoặc biểu hiện khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn như mệt mỏi, tức ngực. Tuy nhiên, bệnh vẫn có một số dấu hiệu đặc trưng mà bạn nên lưu ý như sau:
– Hồi hộp
– Cảm giác đánh trống ngực, tim đập mạnh thình thịch
– Hụt hơi
– Khó thở
– Nóng râm ran ở ngực
– Yếu sức
Bên cạnh đó, một số trường hợp bị loạn nhịp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
– Đau ngực
– Vã mồ hôi
– Chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm mặt mày
– Gần ngất, ngất
– Mệt đến mức không thể làm việc
3. Tìm hiểu phương pháp bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim
3.1. Bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim có hiệu quả không?
Nhịp tim bình thường ở người trưởng thành sẽ đập trong khoảng 60-90 lần/phút. Khi tim đập nhanh hoặc chậm hơn đều gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Để hạn chế tình trạng này, nhiều người lựa chọn bấm huyệt để cải thiện triệu chứng. Theo một số nghiên cứu, bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim có một số tác dụng như sau:
– Hỗ trợ điều hòa nhịp tim hoạt động ở trạng thái bình thường.
– Hỗ trợ chức năng hoạt động cơ bản của tim.
– Tăng cường quá trình lưu thông khí huyết.
– Mang lại cảm giác thư giãn, giảm sự khó chịu.
Tăng khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.
3.2. Một số vị trí bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim
Huyệt hạ quan
Một trong các cách bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim là tác động vào huyệt hạ quan.
– Tác dụng: huyệt hạ quan có ý nghĩa tăng cường oxy cho tim. Nhờ đó, nhịp tim ổn định hơn và hạn chế tình trạng tim đập quá nhanh.
– Vị trí: huyệt hạ quan được xác định bằng cách người bệnh ngậm miệng, lúc này chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má là huyệt hạ quan.
– Cách thực hiện:
Người bệnh lấy ngón cái day bấm cùng lúc huyệt này ở cả 2 bên.
Vừa ấn bạn vừa ngáp 10 lần, thực hiện để thấy hiệu quả tích cực nhất.
Huyệt thần môn
– Tác dụng: việc bấm huyệt thần môn giúp người bệnh giải tỏa stress, lo lắng đồng thời lưu thông máu hiệu quả.
– Vị trí: khi gập hai bàn tay lại, huyệt nằm trên ngấn cổ tay.
– Cách thực hiện:
Dùng ngón tay cái day ấn huyệt trong vòng 2-3 phút.
Trước khi ấn, bạn nên xoa nhẹ sau đó tăng lực từ nhẹ đến mạnh. Khi có cảm giác đau, mỏi, tê thì dừng lại.
3.3. Một số lưu ý
Cách bấm huyệt chữa loạn nhịp tim đơn giản, có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đây chỉ là một biện pháp mang tính hỗ trợ, không phải phương pháp đặc trị. Bạn không nên phụ thuộc vào bấm huyệt mà chậm trễ việc thăm khám, điều trị chuyên khoa.
Bên cạnh đó, người bệnh nhịp tim rối loạn cần lưu ý:
– Tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để bấm đúng huyệt, dùng lực phù hợp.
– Không tự ý bấm huyệt đạo trên cơ thể nếu không nắm rõ vị trí huyệt phù hợp với tình trạng bệnh.
– Tác động sai huyệt, sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe.
– Báo với bác sĩ chuyên khoa khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như khó thở, tức ngực.
– Cần chủ động thăm khám định kỳ để nhận biết tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
4. Các biến chứng nguy hiểm rối loạn nhịp tim gây ra
Một số rối loạn nhịp tim nhẹ thường không gây hại tới sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên những trường hợp rối loạn nhịp nặng không được phát hiện và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
4.1. Đột quỵ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người bệnh rối loạn nhịp đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần. Nguyên nhân là do khi nhịp tim không đều, máu không thể lưu thông đến các bộ phận trên cơ thể sẽ tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành. Cục máu đông này có thể di chuyển đến não, làm tắc, hẹp các mạch máu và gây ra đột quỵ.
4.2. Ảnh hưởng đến sinh hoạt
Để di chuyển, vận động, làm việc hay học tập, cơ thể con người cần được cung cấp máu có oxy liên tục. Nếu bạn mắc phải bệnh lý này, tim không thể bơm đủ máu đến các bộ phận khác, khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu sức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày cũng như làm giảm chất lượng học tập, làm việc.
4.3. Suy tim
Tim bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể để hoạt động sống được duy trì đều đặn. Tuy nhiên, khi rối loạn nhịp tim xảy ra, tim không thể bơm máu đến nơi cần thiết hiệu quả, nhanh chóng. Vì thế, tim phải làm việc liên tục, nặng nhọc hơn và lâu dần sẽ trở nên yếu đi. Điều này cản trở hoạt động của tim và theo thời gian gây suy tim.
4.4. Đột tử
Một số dạng rối loạn nhịp tim diễn ra tiềm ẩn, triệu chứng thoáng qua hoặc thậm chí không có triệu chứng. Điều này khiến việc điều trị bị bỏ lỡ, tạo điều kiện cho bệnh tiến triển nặng. Ghi nhận nhiều trường hợp cơn loạn nhịp tái phát nặng dẫn đến đột tử.
Nhìn chung, rối loạn nhịp tim là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị sớm, đúng cách. Tốt nhất, khi có triệu chứng, người bệnh nên đến chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn phác đồ hiệu quả, an toàn.