Tình trạng thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi đang có dấu hiệu gia tăng về số ca mắc trong thời gian gần đây. Tìm hiểu thông tin về triệu chứng, nguyên nhân giúp người bệnh sớm phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các đối tượng dễ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát khỏi màng bao xơ chèn ép vào tủy sống thần kinh, gây nên triệu chứng đau nhức vùng cột sống.
Nhóm đối tượng chính mắc bệnh không chỉ là người trẻ tuổi làm việc văn phòng mà còn xuất hiện ở sinh viên, người lao động chân tay. Những đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm bao gồm:
– Người trong nhóm lao động phổ thông, phải khuân vác nặng nhọc liên tục hoặc làm việc sai tư thế.
– Người làm công việc đặc thù phải đứng hoặc ngồi nhiều trong một tư thế quá lâu. Ví dụ sinh viên ngồi học sai tư thế trong thời gian dài. Người làm các công việc lễ tân, tài xế, thợ may, giáo viên, kỹ sư, kiến trúc sư, nhân viên văn phòng, …
– Những người có thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như gối đầu quá cao khi ngủ, đeo túi nặng một bên vai trong thời gian dài.
– Vận động viên thể thao, diễn viên múa với đặc thù nghề nghiệp phải thay đổi tư thế đột ngột khiến đĩa đệm tổn thương.
– Đối tượng thừa cân, béo phì tạo áp lực lớn lên cột sống thắt lưng dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
2. Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi gây ra triệu chứng gì?
2.1. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm ở người trẻ giai đoạn đầu
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm đa dạng, biểu hiện ở mỗi người bệnh và mỗi giai đoạn khác nhau.
Ở giai đoạn đầu, đĩa đệm bắt đầu biến dạng, bao xơ chùng, nhão, nhân nhầy thoát khỏi vị trí ban đầu. Tuy nhiên, bao xơ chưa rách hoàn toàn, phạm vi chèn ép chưa quá lớn nên người bệnh chỉ cảm thấy tê cứng ở vùng lưng, cổ.
Theo thời gian, bao xơ tiếp tục yếu đi dẫn đến rách vỡ. Lúc đó, nhân nhầy thoát ra ngoài. Cơn đau nghiêm trọng hơn khi nhân nhầy chèn ép vào rễ thần kinh.
2.2. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm ở người trẻ giai đoạn nặng
Ở giai đoạn nặng, khối thoát vị lớn, phạm vi chèn ép ngày càng lớn. Vì thế cơn đau diễn ra thường xuyên, mức độ dữ dội, dai dẳng. Cơn đau có thể xuất hiện tại vị trí thoát vị tại cổ, lưng hoặc lan xuống vùng vai gáy, cánh tay, bàn tay, hông thậm chí kéo dài xuống chân. Cơn đau nặng hơn khi người bệnh đi lại, vận động mạnh và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Một số người bệnh bị tê bì các đầu ngón tay, ngón tay, có cảm giác châm chích như kiến bò. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể mất khả năng vận động, mất kiểm soát khi đi đại – tiểu tiện, teo cơ, biến dạng chi và nặng nhất là tàn phế.
3. Phương pháp điều trị và ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm ở người trẻ
3.1. Mức độ nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ là tình trạng đáng lo ngại. Nguyên nhân là do người trẻ thường chủ quan với sức khỏe, phớt lờ triệu chứng cảnh báo và lơ là điều trị. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường, người trẻ thường nghĩ đó là đau lưng bình thường. Bên cạnh đó, do đang trong tuổi lao động, nhóm đối tượng này vẫn cần lao động và sinh hoạt như bình thường. Điều này vô tình khiến bệnh tiến triển nặng, khó điều trị và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
– Rối loạn đại tiểu tiện
Đây là biến chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nguyên nhân là do đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu, dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép gây rối loạn cơ tròn, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ.
– Ảnh hưởng đến dây thần kinh liên quan
Vùng cột sống tập trung nhiều dây thần kinh chạy dọc. Khi đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu có thể chèn ép, tổn thương các dây thần kinh gây đau nhức. Theo thời gian, cơn đau lan xuống tay chân, đau khi vận động, đi lại, ho, hắt hơi.
– Rối loạn cảm giác
Thoát vị đĩa đệm gây nên rối loạn cảm giác ở khu vực khoang da tương ứng. Biểu hiện là mất cảm giác, nóng lạnh thất thường và tê bì tay chân.
– Teo cơ
Thoát vị đĩa đệm chèn ép mạch máu, khiến máu không lưu thông hiệu quả. Vì vậy, người bệnh có thể bị thiếu dinh dưỡng, teo cơ. Người bệnh bị hạn chế vận động, khó khăn trong sinh hoạt. Nếu không được điều trị sớm có thể gây liệt chi, bại liệt.
3.2. Phương pháp điều trị
– Điều trị nội khoa
Dùng thuốc: thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, … Người bệnh cần tuân thủ liều lượng, cách sử dụng của bác sĩ điều trị.
Tiêm Steroid ngoài màng cứng: mục đích giảm đau, giảm sưng. Bác sĩ sẽ chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI để tìm vị trí tiêm thích hợp.
– Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cũng là phương pháp hiệu quả trong quá trình cải thiện tình trạng bệnh. Các bài tập giãn cơ sẽ phù hợp với người bệnh thoát vị đĩa đệm. Cùng với đó, biện pháp châm cứu, bấm huyệt, nắn chỉnh khớp cũng được áp dụng để đưa đĩa đệm sai lệch về vị trí ban đầu.
Người bệnh nên tìm các cơ sở điều trị vật lý trị liệu uy tín để đảm bảo an toàn, giúp bệnh tiến triển tích cực.
3.3. Biện pháp phòng ngừa
Để bảo vệ cột sống và ngăn ngừa nguy cơ thoát vị đĩa đệm khác, nên chú ý các biện pháp sau để phòng ngừa:
– Luôn ngồi và đứng thẳng lưng.
– Nếu đứng lâu, nên gác nhân lên vật nào đó để giảm áp lực cho lưng.
– Tránh bê nâng các vật quá nặng.
– Nếu nâng vật nặng, cần ngồi xuống rồi từ từ nâng lên, tránh uốn cong vùng thắt lưng rồi bê lên đột ngột.
– Duy trì cân nặng ổn định để hạn chế áp lực lớn lên cột sống.
– Tránh hút thuốc vì thuốc lá gây xơ cứng động mạch, làm tổn thương đĩa đệm.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các món giúp chắc khỏe xương.
– Vận động điều độ, phù hợp với thể chất. Để an toàn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến ở Việt Nam, với tỷ lệ chiếm đến 30% dân số. Việc điều trị căn bệnh này tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Do đó ngay khi có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần đến chuyên khoa Cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.