Tật khúc xạ cận thị điều trị bằng cách nào an toàn nhất?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Tật khúc xạ cận thị là loại rối loạn thị giác thường gặp nhất, đặc biệt ở lứa tuổi đi học và thanh thiếu niên. Là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy tật khúc xạ cận thị là gì, phương pháp điều trị cận thị nào là an toàn nhất?

1. Tật khúc xạ cận thị là gì?

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất của mắt, xảy ra do thủy tinh thể quá phồng hoặc do trục nhãn cầu quá dài khiến cho hình ảnh quan sát được hội tụ ở phía trước võng mạc. Vì vậy người bị mắc tật cận thị chỉ có thể quan sát các vật ở cự ly gần, còn khi quan sát các vật ở xa bị mờ, nhòe và không rõ ràng. Khi cận thị tiến triển và không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: nhược thị, lác, mù lòa.

hình ảnh hội tụ ở võng mạc người cận thị

Ở người cận thị, hình ảnh của sự vật được hội tụ trước trước võng mạc

2. Nguyên nhân sinh ra cận thị

Cận thị được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các nguyên nhân phổ biến nhất là:

– Do di truyền: theo nghiên cứu nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị cận thị từ 6D trở lên, thì khả năng di truyền sang con rất cao, có thể lên tới 100%.

– Do thói quen học tập và sinh hoạt không tốt cho mắt là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng khúc xạ học đường như học với cường độ cao, ánh sáng không đảm bảo, tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp và đọc sách gần trong thời gian dài.

– Sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử trong nhiều giờ liên tục và với khoảng cách gần.

– Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây nên cận thị.

3. Triệu chứng của cận thị

Người bị cận thị khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Bên cạnh đó, cận thị còn các các triệu chứng và dấu hiệu khác như:

– Phải nheo mắt khi nhìn các vật ở xa.

– Nhức đầu do mỏi mắt.

– Khó nhìn vào ban đêm.

Ở trẻ em thường xuất hiện các biểu hiện như:

– Ngồi gần khi xem tivi.

– Khi đọc hay chị nhảy hàng, phải dùng ngón tay dò theo chữ.

– Không nhìn rõ chữ trên bảng khi ngồi cách xa bảng.

– Chép bài hay bị sai và thiếu.

– Hay cúi nhìn sát sách.

– Thường nheo mắt, dụi mắt, nghiêng đầu khi nhìn các vật ở xa.

– Hay kêu mỏi mắt, nhức đầu và chảy nước mắt.

– Thường tránh cách hoạt động phải nhìn xa,..

trẻ dụi mắt là biểu hiện của cận thị

Dụi mắt là dấu hiệu thường gặp ở trẻ em bị cận thị

4. Phân loại cận thị

Tật khúc xạ cận thị được chia thành 4 loại:

– Cận thị đơn thuần: Là loại cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ em trong đội tuổi từ 10 – 18 tuổi, có thể do di truyền và chế độ làm việc và học tập. Bệnh thường phát triển trong một thời gian và dừng lại ở một mức độ nhất định, vì vậy người cận thị đơn thuần thường có độ cận dưới 6D.

– Cận thị thứ phát: Thường xảy ra ở những người bị mắc bệnh tiểu đường, bên cạnh đó còn có thể do ảnh hưởng từ tác dụng phụ của một số loại thuốc,..

– Cận thị giả: Đây là tình trạng tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời, sau đó tầm nhìn sẽ được phục hồi sau một thời gian nghỉ ngơi. Xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, các cơ thể mi phụ trách chỉnh khả năng điều tiết của mắt bị co quắp gây suy giảm tầm nhìn.

– Cận thị thoái hóa: Đây là loại cận thị nặng nhất, người bệnh thường có độ cận trên 6D kèm theo tình trạng thoái hóa võng mạc bán phần sau nhãn cầu. Lúc này, trục nhãn cầu sẽ liên tục bị kéo dài ra khiến độ cận liên tục tăng, làm cho tình trạng cận thị ngày càng nặng hơn. Nếu như không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như bong rách võng mạc, glocom,… Mặc dù loại loại bệnh này khá hiếm gặp, nhưng thường phát triển khi còn nhỏ. Vì thế các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện cận thị tiến triển và điều trị.

5. Phương pháp điều trị cận thị an toàn nhất

Hiện nay có nhiều cách điều trị cận thị khác nhau. Tuy nhiên điều trị bằng kính thuốc và kính chỉnh hình giác mạc Ortho K là hai phương pháp hiệu quả, an toàn nhất cho người bệnh bởi không cần tác động đến cấu trúc của mắt, bảo vệ mắt khỏi các tổn thương như rách võng mạc, sẹo giác mạc,…

5.1. Sử dụng kính thuốc

Đây là phương pháp hỗ trợ cải thiện thị lực hiệu quả cho người cận thị được ứng dụng từ lâu. Người bệnh sẽ được trang bị một thấu kính phân kỳ với thông số phù hợp để cải thiện tầm nhìn tối đa. Với phương pháp này người cận thị có thể lựa chọn sử dụng kính gọng hay kính áp tròng mềm để phù hợp với nhu cầu của người bệnh. Kính gọng là giải pháp hỗ trợ cải thiện thị lực hiệu quả, tiện lợi và dễ sử dụng nhất cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ.

điều trị tật khúc xạ cận thị

Sử dụng kính thuốc là giải pháp hỗ trợ cải thiện khả năng thị lực hiệu quả, an toàn và tiện lợi.

5.2. Sử dụng kính chỉnh giác mạc Ortho K

Ortho K là kính áp tròng cứng giúp điều chỉnh tạm thời hình dạng của giác mạc trở lại bình thường. Đeo kính Ortho K khi ngủ vào ban đêm sẽ giúp người bệnh nhìn rõ được ngay vào sáng hôm sau khi tháo kính mà không cần đến sự hỗ trợ của kính gọng hay bất kỳ kính nào khác, vì thế người bệnh không còn phụ thuộc vào kính cả ngày.

Chất liệu kính tiếp xúc cứng Ortho-K có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy để duy trì sức khỏe của giác mạc, đồng thời được thiết kế với độ cứng vừa phải giúp mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh khi sử dụng. Đặc biệt, Ortho K được khuyến nghị để kiểm soát cận thị ở trẻ em bởi khả năng làm chậm hay dừng lại sự tăng độ cận thị.

Hy vọng với thông tin trong bài viết trên đã mang lại thông tin cần thiết cho bạn về tật khúc xạ cận thị. Để được chẩn đoán và điều trị cận trị hãy đến bệnh viện để được thăm khám và tiếp nhận phương pháp điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital