Việt Nam là quốc gia lưu hành bệnh viêm gan B với tỷ lệ cao, đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Vì vậy, việc tiêm viêm gan B cho bé trong 24h sau sinh là rất quan trọng và được đánh giá là thời điểm vàng phòng bệnh hiệu quả cao.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B trong thai kỳ ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Viêm gan B là một bệnh do virus viêm gan B gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hoặc mạn tính. Khả năng lây lan của bệnh cao hơn HIV từ 50 – 100 lần, chủ yếu qua:
– Đường máu.
– Sinh hoạt tình dục.
– Dùng chung đồ cá nhân với người bệnh (bàn chải đánh răng, dao cạo,…).
Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ ca nhiễm viêm gan B cao, đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%. Nếu mẹ chẳng may nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% em bé sinh ra cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Lý do lây nhiễm là vì:
– Trong thời điểm mang thai: Từ tháng thứ 4 trở đi thì lá nuôi tế bào sẽ biến mất, lá nuôi hợp bào trở nên mỏng và giảm đi mô liên kết. Hàng rào nhau thai lúc này rất mỏng manh và có thể bị tổn thương dù chỉ với 1 chấn động nhẹ. Đồng thời tăng khả năng máu của mẹ tiếp xúc với máu thai nhi làm lây truyền virus viêm gan B.
– Trong quá trình chuyển dạ: Khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau thai bám cũng bị co thắt, có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con. Hoặc lúc em bé chui qua ống âm đạo của mẹ sẽ tiếp xúc với dịch âm đạo cũng khiến bé lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
– Thời kỳ cho con bú: Đầu vú và miệng của trẻ đồng thời bị tổn thương, khi bú trực tiếp thì huyết thanh chứa virus viêm gan B tiếp xúc với máu của trẻ.
Mức độ nguy hiểm của bệnh đối với trẻ sơ sinh không thể chủ quan. Em bé sau sinh hoặc trong những năm đầu đời nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ gặp phải các biến chứng trong tương lai như:
– Nhiễm virus viêm gan B mạn tính.
– Xơ gan.
– Ung thư gan.
2. Tiêm viêm gan B cho bé trong 24h đầu sau sinh – Thời điểm vàng phòng bệnh
2.1. Tầm quan trọng của tiêm viêm gan B cho bé
Như đã nói ở trên, nếu bé sinh ra bị nhiễm viêm gan B thì nguy cơ đối mặt với biến chứng nguy hiểm rất cao. Vì vậy, khi bé được tiêm phòng từ sớm thì hoàn toàn ngăn ngừa được sự lây nhiễm của virus viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo: Cha mẹ cần cho bé tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi chào đời. Tốt nhất là trong vòng 24h đầu vì điều này có ý nghĩa hiệu quả phòng ngừa bệnh đạt ở mức tối ưu. Với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 – 57% và quá 7 ngày sau sinh bé mới được tiêm thì không còn đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tiêm vaccine viêm gan B sớm còn giúp em bé sớm được bảo vệ khỏi sự tấn công của virus viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người giúp việc hoặc từ trẻ em khác qua tiếp xúc trực tiếp với các vết xước, chảy máu…
Tiêm vaccine viêm gan B mũi đầu tiên càng sớm càng tốt. Mục đích là để bảo vệ em bé sơ sinh đã phơi nhiễm với virus ngay khi sinh. Lúc này virus với vaccine trong “cuộc đua cạnh tranh”, vaccine phải kịp thời tạo ra kháng thể trung hòa virus đang có trong cơ thể của bé. Ở nhiều quốc gia đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ đầu để đạt mức độ bảo vệ cao nhất.
2.2. Điều kiện đảm bảo tiêm viêm gan B cho bé
Bé sau sinh cần đảm bảo các điều kiện sau đây để quy trình tiêm phòng đạt được độ an toàn:
– Bé có nhịp thở ổn định.
– Da dẻ hồng hào, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
– Bé bú tốt.
Tuy nhiên, nếu trẻ thuộc một trong những nhóm sau thì cần hoãn tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh:
– Bé bị dị tật bẩm sinh.
– Bé bị ốm, sốt.
– Bé mắc phải các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
– Bé sinh non, cân nặng thấp.
– Ngoài ra mẹ bị sốt trước và sau sinh hay bé bị ảnh hưởng sức khỏe bởi các yếu tố trong quá trình sinh (đẻ khó, ngạt nước ối…) cần được sự giám sát và chỉ định của bác sĩ chuyên môn mới được tiêm.
3. Những lưu ý khi tiêm vaccine phòng bệnh
Sau khi tiêm, em bé cần được theo dõi trong vòng 24 – 48 tiếng. Mặc dù vaccine viêm gan B được đánh giá là an toàn nhưng tùy với cơ địa thì mỗi em bé có những phản ứng khác nhau như:
– Quấy khóc.
– Sưng ở vị trí tiêm.
– Sốt nhẹ.
Những phản ứng sau tiêm vaccine trên là hoàn toàn bình thường, cho thấy cơ thể đang đáp ứng được với vaccine nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Các phản ứng sẽ tự động biến mất sau 1 – 2 ngày.
Cha mẹ cần theo dõi kỹ lưỡng và cẩn thận các triệu chứng trên cơ thể của bé. Một số triệu chứng bất thường sau có thể là sự cảnh báo nguy hiểm về phản ứng với vaccine, cha mẹ cần báo cho nhân viên y tế nay để kịp thời xử lý:
– Sốt cao 39 – 40 độ và không có dấu hiệu hạ sốt dù đã chườm mát.
– Quấy khóc nhiều giờ, dữ dội.
– Cơ thể tím tái bất thường.
– Vị trí tiêm sưng to, đỏ tấy.
– Phát ban toàn thân.
Chuyên gia y tế đã khuyến cáo cách an toàn và hiệu quả nhất để phòng sự lây nhiễm của virus viêm gan B chính là chích ngừa vaccine cho trẻ khi còn bé. Việc tiêm phòng viêm gan B cho bé trong 24h sau sinh là thời gian vàng để đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh. Chính vì vậy, cha mẹ đừng quên thời điểm chích ngừa quan trọng này nhé. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ tới cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và giải đáp.