Menu xem nhanh:
1. Những triệu chứng thường thấy do sốt siêu vi ở trẻ em
Khi virus xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian ủ bệnh đến mức độ đủ cao sẽ biểu hiện ra bên ngoài, cụ thể:
– Sốt cao: thường từ 38,5 độ C trở lên. Khi được hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.
– Đau nhức toàn thân: Trẻ có biểu hiện đau cơ bắp, thường kêu đau khắp người, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.
– Đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo.
– Viêm đường hô hấp: các biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
– Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm đi ngoài phân lỏng, không có máu, chất nhày. Trẻ nôn nhiều sau khi ăn cũng có thể là biểu hiện của sốt siêu vi.
– Phát ban: Một số trẻ biểu hiện nổi ban, phát ban khu trú ở mặt, chi hay toàn thân. Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban trẻ sẽ đỡ sốt.
– Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có ghèn, chảy nước mắt, nếu xuất hiện kèm với ban đỏ có thể nghi ngờ trẻ bị ban sởi…
2. Các cách xử trí khi trẻ bị sốt siêu vi
Cơ chế của sốt siêu vi là có thể tự khỏi trong vòng 1-2 tuần, nhưng để xác định đúng nguyên nhân gây sốt ở trẻ thì tốt nhất khi trẻ có những dấu hiệu sốt cao trên 38,5 độ C và không có dấu hiệu giảm, cần đưa trẻ đi khám để có biện pháp điều trị phù hợp tránh những biến chứng nguy hiểm của sốt.
Ngoài ra, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì có thể xử trí bằng những phương pháp sau:
2.1. Kịp thời hạ sốt
Hạ sốt cho trẻ bằng thuốc theo đúng liều lượng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ và đồng thời hạ nhiệt cơ thể cho bé bằng cách lau người cho bé bằng khăn ấm để thoát nhiệt cho trẻ, cho trẻ ở phòng ấm, mặc đồ đủ thoáng (phù hợp với thời tiết), không để gió lùa, không để nhiệt độ phòng quá thấp hoặc quá cao so với nhiệt độ cơ thể. Phải luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể của bé để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng khi sốt cao như co giật,…
2.2. Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cho trẻ uống thêm nước hoặc sữa loãng để tránh tình trạng mất nước nhiều do sốt.
Cho trẻ ăn những loại thức ăn nhẹ, loãng, đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu.
2.3. Giữ gìn vệ sinh cho trẻ
Thời gian này sức đề kháng của trẻ rất kém, cơ thể mệt mỏi nên rất dễ mắc thêm bệnh, vì vậy cần vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp hay bội nhiễm các loại virus khác. Đồng thời vệ sinh sạch sẽ vật dụng trẻ hay dùng, tiệt trùng các đồ chơi của bé tránh sự phát triển của vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.