Khám phá tác động của bơ đến sức khỏe người bị mỡ máu
Mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) là một trong những bệnh lý chuyển hóa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh lý này thường liên quan đến chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa và ít chất xơ. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn uống là yếu tố tiên quyết trong kiểm soát mỡ máu. Trong các loại trái cây được đánh giá là lành mạnh, bơ thường được nhắc đến với nhiều lợi ích sức khỏe nhờ hàm lượng chất béo không bão hòa đơn, vitamin và khoáng chất phong phú. Tuy nhiên, vì bơ chứa hàm lượng chất béo khá cao nên nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: “Người bị mỡ máu có ăn được quả bơ không?”
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Người bị mỡ máu có ăn được quả bơ không?
1.1. Thành phần dinh dưỡng của bơ
Bơ là trái cây chứa nhiều chất béo nhất trong các loại trái cây thông thường. Trung bình 100g bơ cung cấp khoảng 15g chất béo, trong đó chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, đặc biệt là acid oleic – một dạng chất béo tốt cho tim mạch.
Ngoài chất béo, bơ còn cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe khác: Chất xơ (khoảng 6.7g/100g); phytosterols như beta-sitosterol; vitamin B6, C, E, K cùng các khoáng chất như kali, magie; chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin
Như vậy, mặc dù bơ chứa chất béo, nhưng phần lớn là chất béo lành mạnh, kèm theo hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa cao. Điều này khiến bơ trở thành thực phẩm có giá trị hỗ trợ kiểm soát mỡ máu thay vì làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Bơ là trái cây chứa nhiều chất béo nhất trong các loại trái cây thông thường.
1.2. Bơ giúp cải thiện mỡ máu như thế nào?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung bơ trong khẩu phần ăn hợp lý có thể mang lại hiệu quả tích cực cho người bị mỡ máu. Cơ chế kiểm soát mỡ máu chính của bơ là:
1.2.1. Bơ cải thiện mỡ máu thông qua việc giảm cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL
Trên tạp chí Journal of the American Heart Association, một nghiên cứu được công bố cho thấy: Người ăn bơ hàng ngày trong vòng 5 tuần có mức LDL giảm đáng kể so với nhóm không ăn. Đồng thời, mức HDL của nhóm ăn cũng được duy trì hoặc tăng nhẹ. Kết quả này có được là nhờ sự hiện diện của acid oleic và phytosterol trong bơ.
1.2.2. Hấp thu cholesterol LDL trong ống tiêu hóa
Chất xơ trong bơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan hấp thụ bớt cholesterol LDL trong ống tiêu hóa, từ đó giúp giảm cholesterol LDL trong máu. Chất xơ trong bơ cũng giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ chuyển hóa lipid hiệu quả hơn.
1.2.3. Ổn định đường huyết, gián tiếp kiểm soát mỡ máu
Mỡ máu và đường huyết có mối liên hệ mật thiết. Ăn bơ giúp làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate nhờ chất xơ, từ đó ổn định đường huyết sau ăn, hạn chế việc gan tổng hợp thêm triglyceride – yếu tố làm trầm trọng thêm mỡ máu.
1.2.4. Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Mặc dù bơ có hàm lượng kcal tương đối cao, nhưng chất xơ và chất béo không bão hòa đơn trong bơ giúp tạo cảm giác no, từ đó giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Một nghiên cứu được công bố trên Nutrients năm 2019 cho thấy những người ăn bơ thường xuyên có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn và vòng eo nhỏ hơn so với những người không ăn. Đối với người bị mỡ máu, việc duy trì cân nặng hợp lý là một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát bệnh.
Đối với người bị mỡ máu, việc duy trì cân nặng hợp lý là một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát bệnh.
2. Người bị mỡ máu ăn bơ cần lưu ý những gì?
Dù bơ có nhiều lợi ích, người bị mỡ máu không nên ăn một cách tuỳ tiện mà cần cân nhắc về liều lượng, thời điểm và cách chế biến. Một số lưu ý quan trọng để ăn bơ một cách an toàn cho người bị mỡ máu bao gồm:
2.1. Ăn bơ với lượng vừa phải
Tuy chứa chất béo lành mạnh, nhưng bơ vẫn là thực phẩm giàu kcal (khoảng 160 kcal/100g). Tiêu thụ quá nhiều bơ có thể dẫn đến thừa năng lượng, tăng cân – yếu tố nguy cơ của mỡ máu và bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo, người bị mỡ máu chỉ nên ăn khoảng 1/2 – 1 quả bơ nhỏ mỗi ngày, tương đương 70 – 100g và không nên ăn bơ liên tục cả tuần, có thể ăn 3 – 4 ngày/tuần là hợp lý. Ăn bơ vào buổi sáng hoặc buổi trưa là lý tưởng vì đó là thời điểm cơ thể cần năng lượng và có khả năng chuyển hóa tốt hơn. Tránh ăn bơ vào buổi tối nếu đang kiểm soát cân nặng, vì năng lượng dư thừa dễ tích lũy thành mỡ.
2.2. Tránh ăn bơ cùng đường, sữa đặc hoặc thực phẩm giàu đường
Một sai lầm phổ biến là ăn bơ cùng đường, sữa đặc hoặc kem, khiến lợi ích của bơ giảm đi đáng kể. Các loại đường đơn làm tăng lượng triglyceride trong máu, ảnh hưởng tiêu cực đến chuyển hóa lipid. Thay vì ăn bơ cùng đường, sữa…, nên ăn bơ tươi nguyên chất hoặc kết hợp với salad rau xanh, bánh mì nguyên cám, trộn cùng yến mạch hoặc làm sinh tố với sữa hạt không đường.
Nên ăn bơ tươi nguyên chất hoặc kết hợp với salad rau xanh, bánh mì nguyên cám.
2.3. Kết hợp bơ trong một chế độ ăn cân đối
Bơ chỉ là một phần trong thực đơn lành mạnh. Người bị mỡ máu nên kết hợp thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, các loại hạt hay cá béo như cá hồi, cá thu, đồng thời hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa (mỡ động vật, đồ chiên rán) và đường tinh luyện.
Trở lại với câu hỏi “Người bị mỡ máu có ăn được quả bơ không?” – câu trả lời là có, nhưng với điều kiện là ăn đúng cách. Bơ là một nguồn chất béo lành mạnh, chất xơ và chất chống oxy hóa dồi dào, giúp cải thiện mỡ máu nếu được đưa vào khẩu phần ăn một cách khoa học. Người bệnh nên tránh ăn bơ kèm các thực phẩm giàu đường tinh luyện hoặc chất béo bão hòa, đồng thời kiểm soát cân nặng và vận động đều đặn để mang lại hiệu quả sử dụng tối đa. Đặc biệt, người bệnh cần sáng suốt xem bơ như một người bạn đồng hành hỗ trợ sức khỏe tim mạch, chứ không phải là phép màu thay thế cho các biện pháp y tế. Mỗi người nên lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh chế độ ăn theo chỉ dẫn của chuyên gia dinh dưỡng để đạt được hiệu quả tối ưu trong việc kiểm soát mỡ máu.