Tìm hiểu nguyên nhân nuốt vướng ở cổ nhưng không đau
Cảm giác nuốt vướng ở cổ nhưng không đau là một triệu chứng khá phổ biến trong cộng đồng, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhiều người. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng nuốt vướng ở cổ nhưng không kèm theo đau, nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng này, cách chẩn đoán và hướng xử trí hiệu quả.
1. Nuốt vướng ở cổ nhưng không đau là gì?
Không ít người khi gặp tình trạng này cảm thấy hoang mang, lo lắng vì lo sợ đây có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng. Trên thực tế, với một số trường hợp, đây có thể là một biểu hiện lành tính và kiểm soát tốt nếu được thăm khám và xử lý đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nuốt vướng không đau lại là triệu chứng của bệnh, mà phổ biến là bệnh về thực quản.
Cảm giác nuốt vướng là khi bạn cảm thấy như có vật gì đó mắc kẹt ở cổ họng hoặc vùng ngực trên khi nuốt, dù thực tế không có gì cản trở đường ăn uống. Người bệnh có thể mô tả như có cục gì đó trong cổ, phải nuốt nước bọt nhiều lần hoặc cảm thấy nuốt không “trơn tru”. Điều đáng nói là triệu chứng này không kèm theo đau đớn, sưng viêm hay khó thở, nên nhiều người có xu hướng chủ quan hoặc để kéo dài.
Bệnh trào ngược hoặc rối loạn vận động thực quản là những nguyên nhân phổ biến gây nuốt vướng ở cổ nhưng không đau
2. Các nguyên nhân thường gặp gây nuốt vướng nhưng không đau
2.1. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược axit là một nguyên nhân tiềm ẩn gây kích thích cổ họng, thanh quản và dẫn đến cảm giác vướng khi nuốt. Ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng ợ nóng hay đau rát dạ dày rõ ràng, hiện tượng trào ngược âm thầm cũng có thể gây ra biểu hiện này.
Dấu hiệu kèm theo có thể bao gồm: Ho khan kéo dài, khàn tiếng vào buổi sáng, đắng miệng hoặc tiết nhiều nước bọt.
2.2. Rối loạn vận động thực quản
Các vấn đề bất thường về nhu động của thực quản là một nguyên nhân phổ biến gây nuốt vướng. Có thể kể đến các rối loạn như co thắt thực quản hoặc mất điều hòa nuốt có thể gây cảm giác thức ăn không đi xuống trơn tru. Tình trạng này thường khó phát hiện bằng nội soi đơn thuần. Người bệnh cần thực hiện kiểm tra chức năng thực quản chuyên sâu như phương pháp đo áp lực thực quản. Đo áp lực thực quản được xem là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán các rối loạn vận động thực quản.
Một số rối loạn thường gặp bao gồm: achalasia, co thắt thực quản lan tỏa, co thắt thực quản không phối hợp, hoặc rối loạn vận động không đặc hiệu.
2.3. Bướu cổ lành tính hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp
Tuyến giáp phì đại hoặc có nhân giáp cũng có thể tạo ra cảm giác chèn ép vùng trước cổ. Dù không gây đau, sự hiện diện của khối mô tuyến giáp lớn có thể làm người bệnh cảm thấy nuốt khó hoặc nuốt vướng. Bệnh nhân cần kiểm tra chức năng tuyến giáp nếu kèm theo các biểu hiện như: Cổ to hơn bình thường, hồi hộp, run tay. Hoặc sụt cân/tăng cân không rõ lý do.
2.4. Viêm họng mạn tính hoặc viêm amidan nhẹ
Dù không gây đau, nhưng các tình trạng viêm mạn tính vùng hầu họng, đặc biệt ở người thường xuyên hút thuốc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, cũng có thể dẫn đến cảm giác vướng ở cổ.
2.5. Hội chứng Globus
Đây là một nguyên nhân gây ra cảm giác nuốt vướng mà không có tổn thương thực thể nào. Hội chứng Globus thường liên quan đến yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu hoặc stress kéo dài. Người bệnh cảm thấy như có khối u trong cổ họng, nhưng khi đi khám không phát hiện bất thường nào về giải phẫu.
Đặc điểm của hội chứng này là: Không đau khi nuốt. cảm giác vướng không tăng lên khi ăn hoặc uống. Các triệu chứng thường xuất hiện lúc nghỉ ngơi, hoặc trong trạng thái lo lắng.
Thăm khám và điều trị sớm nếu có nuốt vướng giúp ngăn biến chứng
3. Khi nào cần lưu ý đặc biệt hơn và đi khám?
Dù phần lớn các trường hợp nuốt vướng không đau là lành tính, người bệnh vẫn cần cảnh giác nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Khó nuốt ngày càng tăng, đặc biệt với thức ăn đặc
Nôn ra máu hoặc ho ra máu
Khàn tiếng kéo dài
Cổ nổi hạch hoặc có khối u sờ thấy được
Những biểu hiện này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư vòm họng, thực quản hoặc tổn thương dây thanh quản và cần được khám chuyên khoa ngay.
4. Chẩn đoán nuốt vướng không đau như thế nào?
Để xác định nguyên nhân gây ra cảm giác nuốt vướng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:
Nội soi thực quản dạ dày: Nhằm phát hiện trào ngược hoặc tổn thương thực quản.
Đo pH thực quản 24h: Được thực hiện nếu nghi ngờ có rối loạn vận động thực quản hoặc trào ngược âm thầm.
Khám tai mũi họng nội soi: Để kiểm tra vùng hầu họng, thanh quản và thực quản đoạn trên. Biện pháp này cũng giúp phát hiện hoặc loại trừ nguyên nhân do bệnh lý Tai mũi họng.
Siêu âm tuyến giáp: Nếu nghi ngờ bướu cổ hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp.
Xét nghiệm hormone tuyến giáp (TSH, FT3, FT4): Nếu có dấu hiệu bất thường ở tuyến giáp.
Đo áp lực thực quản giúp chẩn đoán chính xác rối loạn nuốt
5. Cách điều trị phù hợp với từng nguyên nhân
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể:
5.1. Nếu do trào ngược dạ dày:
Người bệnh cần chú ý ăn uống đúng giờ, tránh nằm ngay sau khi ăn. Tránh các thực phẩm kích thích: cà phê, rượu, thức ăn cay. Bác sĩ có thể kê đơn sử dụng thuốc ức chế tiết acid.
5.2. Nếu do rối loạn vận động thực quản:
Các phương pháp điều trị tùy vào từng loại bệnh cụ thể, có thể bao gồm: Dùng thuốc, nong thực quản, phẫu thuật (nếu cần thiết), liệu pháp tâm lý (nếu có yếu tố stress, lo âu).
Để hỗ trợ điều trị, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt. Đồng thời cần theo dõi và tái khám định kỳ bởi rối loạn vận động thực quản có thể tiến triển, cần theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh phương pháp can thiệp khi cần.
5.3. Với bướu cổ hoặc rối loạn tuyến giáp:
Cần theo dõi kích thước tuyến giáp định kỳ bằng siêu âm,. Điều trị nội tiết nếu có rối loạn chức năng. Có thể cần phẫu thuật nếu có khối lớn gây chèn ép.
5.4. Nếu do viêm họng mạn hoặc môi trường làm việc:
Giữ vệ sinh vùng họng tốt, xúc miệng nước muối. Uống đủ nước, tránh hút thuốc. Khám chuyên khoa để điều trị viêm nhiễm nếu có
5.5. Đối với hội chứng Globus:
Trấn an tâm lý là yếu tố quan trọng. Có thể dùng thuốc chống lo âu nếu triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Tập hít thở sâu, thiền, yoga giúp giảm stress
6. Biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa
Ăn uống điều độ, tránh thức ăn cứng, khô dễ gây tổn thương họng là điều đầu tiên cần làm để hỗ trợ điều trị nuốt vướng. Bên cạnh đó, mỗi người nên hạn chế rượu bia, thuốc lá, tập thể dục, giữ tinh thần thoải mái nhằm phòng ngừa các bệnh gây nuốt vướng. Đồng thời, không nên quá lo lắng khi chưa có kết luận chính xác từ bác sĩ. Đặc biệt, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường.
Nuốt vướng ở cổ nhưng không đau là một triệu chứng khá thường gặp và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, từ tâm lý, trào ngược, rối loạn chức năng đến các bệnh lý thực thể vùng cổ. Điều quan trọng là không nên tự chẩn đoán hoặc chủ quan bỏ qua triệu chứng, mà cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.
Việc phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên nhân không những giúp giải tỏa lo lắng mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thay đổi lối sống, giữ tinh thần tích cực là đã có thể kiểm soát tốt tình trạng nuốt vướng mà không cần can thiệp sâu.