Cấp cứu:0901793122
English
Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Thucuc | Hệ thống y tế TCI Hospital
Chăm sóc sức khoẻ trọn đời cho bạn
Tổng đài1900558892
Thường xuyên bị trào ngược dạ dày: Cách ngăn bệnh hiệu quả

Thường xuyên bị trào ngược dạ dày: Cách ngăn bệnh hiệu quả

Chia sẻ:

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến hiện nay, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người. Khi tình trạng này diễn ra liên tục và kéo dài, không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy vì sao có tình trạng thường xuyên bị trào ngược dạ dày? Cách nào để phòng ngừa và điều trị hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) là hiện tượng axit và các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi van thực quản dưới (cơ vòng thực quản dưới – LES) hoạt động không đúng cách hoặc bị suy yếu, dịch vị axit trong dạ dày sẽ đi ngược lên gây ra cảm giác nóng rát, ợ chua, đau tức ngực, thậm chí ho kéo dài hoặc viêm họng mãn tính.

Thông thường, hiện tượng trào ngược có thể xảy ra thoáng qua do ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị trào ngược dạ dày, có thể bạn đang gặp phải bệnh lý cần được điều trị nghiêm túc.

Cần thăm khám sớm nếu thường xuyên bị trào ngược dạ dày.
Cần thăm khám sớm nếu thường xuyên bị trào ngược dạ dày.

2. Nguyên nhân gây tình trạng thường xuyên bị trào ngược dạ dày

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này, bao gồm:

– Thói quen ăn uống không hợp lý: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây trào ngược. Những thói quen tiêu cực trong ăn uống có thể kể đến như: Ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối. Hoặc ăn nhiều đồ chiên xào, thực phẩm cay nóng hoặc nhiều chất béo. Sử dụng rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas thường xuyên cũng là yếu tố gây hại lớn. Ăn xong là nằm ngay khiến dạ dày chưa tiêu hóa hết đã bị đẩy lên thực quản.

– Căng thẳng, lo âu: Stress kéo dài làm tăng tiết axit dạ dày, đồng thời làm giảm chức năng tiêu hóa và tăng co bóp bất thường ở hệ tiêu hóa.

– Thừa cân, béo phì: Áp lực từ mỡ bụng lớn sẽ đè lên dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.

– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau NSAID có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, khiến axit dễ trào ngược.

– Mang thai: Phụ nữ mang thai thường bị áp lực lên ổ bụng, thay đổi nội tiết tố khiến cơ vòng thực quản giãn ra.

3. Triệu chứng đi kèm nếu thường xuyên bị trào ngược dạ dày

Khi bị trào ngược dạ dày thường xuyên, bạn có thể gặp các triệu chứng kèm theo như:

– Ợ chua, ợ nóng, cảm giác bỏng rát từ dạ dày lên cổ họng, ngực.

– Đau rát vùng ngực, có thể nhầm lẫn với bệnh tim.

– Khó nuốt, nghẹn ở cổ họng, cảm giác như có dị vật trong cổ.

– Ho kéo dài, khàn tiếng, đặc biệt vào ban đêm.

– Miệng đắng, hơi thở hôi, do axit trào ngược lên miệng.

– Buồn nôn, nôn, đặc biệt sau khi ăn.

– Sút cân không rõ nguyên nhân khi bệnh diễn biến nặng.

Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên (từ 2 lần/tuần trở lên), bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp.

4. Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Trào ngược dạ dày tuy không gây nguy hiểm tức thì nhưng nếu để kéo dài, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng như:

– Viêm thực quản mạn tính: gây đau rát, loét niêm mạc thực quản.

– Hẹp thực quản: sẹo do viêm loét khiến thực quản bị hẹp, gây khó nuốt.

– Barrett thực quản: biến đổi bất thường của tế bào thực quản, có nguy cơ tiến triển thành ung thư.

– Ung thư thực quản: là biến chứng nặng nhất, dù tỷ lệ không cao nhưng đe dọa đến tính mạng người mắc.

Đo pH thực quản 24h giúp chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược.
Đo pH thực quản 24h giúp chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược.

5. Làm gì khi thường xuyên bị trào ngược dạ dày?

5.1 Thay đổi thói quen sinh hoạt

Ăn uống đúng cách: Nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn quá no; tránh ăn tối muộn, tránh đồ ăn kích thích tiết axit như cay, chua, chiên rán.

Không nằm sau ăn: Chờ ít nhất 2 tiếng sau khi ăn mới nằm hoặc ngủ.

Nâng cao đầu khi ngủ: Dùng gối cao hoặc nâng đầu giường để trọng lực hỗ trợ hạn chế axit trào lên.

Giảm cân nếu thừa cân: Giúp giảm áp lực lên dạ dày và cơ vòng thực quản.

5.2 Kiểm soát căng thẳng tránh thường xuyên bị trào ngược dạ dày

Các phương pháp như thiền, yoga, tập thể dục đều đặn sẽ giúp làm dịu hệ thần kinh, cải thiện tiêu hóa và giảm triệu chứng trào ngược.

5.3 Sử dụng thuốc ngăn thường xuyên bị trào ngược dạ dày

Người bệnh có thể được kê đơn một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các nhóm thuốc điều trị phổ biến gồm  có: Thuốc ức chế tiết axit, thuốc kháng histamin H2, thuốc trung hòa axit, thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản. Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần có sự theo dõi của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc kéo dài có thể gây tác dụng phụ.

5.4 Can thiệp ngoại khoa (chỉ áp dụng khi thật cần thiết)

Với những trường hợp nặng, không đáp ứng thuốc, có thể được chỉ định phẫu thuật tăng cường cơ vòng thực quản để kiểm soát trào ngược.

5.5. Một số phương pháp dân gian hỗ trợ giảm trào ngược

Uống nước gừng ấm là một trong số những cách thường được áp dụng với mục đích hỗ trợ giảm triệu chứng trào ngược. Gừng có tác dụng giảm buồn nôn, chống viêm. Cũng có người sử dụng nha đam (lô hội) để hỗ trợ làm dịu niêm mạc và giảm tiết axit. Bên cạnh đó có các loại trà như trà cam thảo, trà hoa cúc được xem là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu axit dạ dày. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ mang tính hỗ trợ, không thay thế điều trị y tế chính thống.

Nếu không được điều trị kịp thời, trào ngược có thể gây biến chứng nghiêm trọng
Nếu không được điều trị kịp thời, trào ngược có thể gây biến chứng nghiêm trọng

6. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám sớm nếu triệu chứng xảy ra thường xuyên (2 lần/tuần hoặc nhiều hơn). Hoặc khi có biểu hiện nuốt nghẹn, ho kéo dài, sụt cân, thiếu máu. Trường hợp đã dùng thuốc nhưng không cải thiện tình trạng bệnh cũng cần thăm khám kịp thời. Ngoài ra, người có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm thực quản cần khám sớm tránh nguy cơ bệnh tái phát kéo theo trào ngược.

Việc thường xuyên bị trào ngược dạ dày là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn là chỉ khó chịu thông thường. Nếu không điều chỉnh lối sống hoặc điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Do đó, hãy chú ý đến cơ thể mình, đừng xem nhẹ những biểu hiện bất thường, và chủ động thăm khám khi cần thiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Liên hệ ngay: 0936388288 để được tư vấn chi tiết!

Slider – Banner Nội soi Tiêu hóa
Bài viết liên quan
1900558892
zaloChat