Hóc dị vật đường thở – Những sai lầm điển hình khi sơ cứu
Chỉ cần một giây bất cẩn trong bữa ăn hoặc khi trẻ nhỏ đang chơi đùa, tình huống “hóc dị vật đường thở” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, sự cố này luôn tiềm ẩn rủi ro tử vong nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là không ít người vẫn mắc những sai lầm phổ biến khi sơ cứu khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn khoa học, chính xác về dị vật đường thở, đồng thời cảnh báo các sai sót cần tránh để bảo vệ sức khỏe cho chính bạn và người thân.
1. Hóc dị vật đường thở là gì?
Hóc dị vật đường thở là tình trạng dị vật như thức ăn, đồ chơi nhỏ, đồng xu, viên pin cúc áo… lọt vào đường hô hấp gây cản trở luồng khí lưu thông vào phổi. Dị vật có thể bị kẹt tại bất cứ vị trí nào từ họng, thanh quản đến khí, phế quản, gây nên các mức độ tắc nghẽn khác nhau, thậm chí dẫn đến ngưng thở.
Không chỉ là một tai nạn thường gặp ở trẻ em, dị vật đường thở cũng xuất hiện ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc các bệnh thần kinh, rối loạn nuốt hoặc đang dùng thuốc an thần. Trong nhiều trường hợp dị vật đường thở, nếu người bị nạn không được xử trí đúng cách và kịp thời thì có thể tử vong trong vòng vài phút do suy hô hấp cấp.
Dị vật đường thở là biến cố hít sặc dễ xảy ra ở nhiều đối tượng
2. Dấu hiệu nhận biết
Phát hiện sớm dị vật đường thở có ý nghĩa sống còn trong việc cấp cứu và điều trị. Những biểu hiện ban đầu thường rõ ràng, nhất là ở trẻ nhỏ:
2.1. Triệu chứng điển hình khi bị hóc dị vật đường thở
Các triệu chứng có thể thay đổi tùy vào vị trí và mức độ tắc nghẽn của dị vật:
– Ho sặc sụa: Là phản xạ tự nhiên đầu tiên để tống dị vật ra ngoài.
– Khó thở, thở rít: Khi đường thở bị hẹp, người bệnh thường cố gắng lấy hơi bằng miệng.
– Da nhợt nhạt và dần tím tái, vùng quanh môi và đầu ngón tay có thể thể hiện khá rõ.
– Mất tiếng hoặc không khóc được (ở trẻ em): Gợi ý dị vật gây tắc nghẽn nặng.
– Mất ý thức: Trong trường hợp nghiêm trọng do thiếu oxy não.
2.2. Biểu hiện muộn của hóc dị vật đường thở
Một số trường hợp dị vật không gây tắc hoàn toàn mà chỉ mắc kẹt một phần sẽ có biểu hiện không rõ ràng ngay lập tức, dẫn đến tình trạng bỏ sót nguy hiểm. Người bệnh có thể gặp:
– Ho liên tục và kéo dài không rõ nguyên nhân.
– Thở khò khè, đặc biệt là một bên phổi.
– Viêm phổi tái đi tái lại không đáp ứng điều trị.
– Suy giảm thông khí mạn tính.
3. Những sai lầm điển hình khi sơ cứu hóc dị vật đường thở
Sơ cứu đúng cách là yếu tố then chốt quyết định cơ hội sống sót. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc các sai lầm nguy hiểm trong lúc cấp bách, thiếu kiến thức chuyên môn.
3.1. Dùng tay móc họng một cách tùy tiện
Nhiều người cố gắng móc họng để lôi dị vật ra ngoài mà không nhìn thấy rõ vị trí dị vật, dẫn đến:
– Tình trạng dị vật bị đẩy đến các vị trí nguy hiểm hơn và sâu hơn vào đường thở.
– Gây tổn thương niêm mạc họng, khoang miệng.
– Kích thích nôn ói làm tăng nguy cơ hít sặc.
Tránh việc dùng tay móc họng không phù hợp lại ẩn chứ nhiều nguy hiểm khi bị hóc dị vật
3.2. Cho uống nước, ăn cơm hoặc nuốt thức ăn để “đẩy” dị vật
Đây là một hình thức chữ hóc sai lầm và có thể kéo theo nhiều nguy hiểm. Thêm chất lỏng hoặc thức ăn khi dị vật đang mắc kẹt có thể khiến tình trạng tắc nghẽn trầm trọng hơn.
– Tăng nguy cơ hít sặc thức ăn vào phổi.
– Dị vật trôi sâu vào khí quản gây tắc nghẽn toàn bộ.
3.3. Dùng mẹo không kiểm chứng
Một số người áp dụng các mẹo truyền miệng như vỗ mạnh vào lưng khi người bệnh đang ngồi hoặc treo ngược trẻ lên. Những hành động này không chỉ thiếu cơ sở y khoa mà còn tiềm ẩn rủi ro:
– Dị vật có thể dịch chuyển vào vị trí nguy hiểm hơn.
– Gây tổn thương cột sống hoặc vùng đầu (nếu trẻ bị lắc mạnh).
4. Cách sơ cứu khoa học khi gặp người bị hóc dị vật đường thở
Việc sơ cứu đúng cách phải tuân theo nguyên tắc của cấp cứu đường thở. Dưới đây là những bước cơ bản được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA):
4.1. Đối với người lớn và trẻ trên 1 tuổi còn tỉnh táo
– Khuyến khích ho nếu người bệnh có thể tự thở được và thực hiện theo hướng dẫn được.
– Nếu không hiệu quả, nên sử dụng nghiệm pháp Heimlich (ép bụng) để sơ cứu tình trạng hóc dị vật:
+ Đứng phía sau người bệnh, đặt một nắm tay lên bụng trên, dưới xương ức.
+ Tay còn lại nắm lại và ép mạnh hướng lên trên.
+ Lặp lại cho đến khi dị vật được tống ra hoặc người bệnh bất tỉnh.
4.2. Với trẻ dưới 1 tuổi
– Đặt bé nằm sấp trên cánh tay của người sơ cứu ở tư thế đầu thấp hơn thân.
– Người sơ cứu dùng gót bàn tay vỗ mạnh khoảng 5 lần vào vùng giữa hai xương bả vai của trẻ.
– Lật ngửa trẻ và ấn ngực 5 lần ở giữa lồng ngực (vị trí ức).
– Kiểm tra miệng trẻ, nếu thấy dị vật thì gắp ra nhẹ nhàng.
4.3. Trong mọi trường hợp: gọi cấp cứu càng sớm càng tốt
Ngay cả khi đã lấy được dị vật ra ngoài, người bệnh vẫn cần được theo dõi y tế. Dị vật có thể gây tổn thương niêm mạc đường thở, viêm nhiễm hoặc phù nề dẫn đến suy hô hấp muộn.
Cần thăm khám để kiểm tra phù hợp ngay cả khi dị vật đường thở đã được loại bỏ
5. Hóc dị vật đường thở: Khi nào cần đến bệnh viện?
Không phải tất cả các trường hợp hóc dị vật đều có thể xử lý tại nhà. Bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế nếu:
– Dị vật không được tống ra sau sơ cứu.
– Người bị nạn có dấu hiệu ngừng thở, tím tái (Cần gọi cấp cứu gấp)
– Có biểu hiện ho dai dẳng, sốt kéo dài sau vài ngày.
– Dị vật là kim loại, pin cúc áo, hạt nhỏ dễ trương nở trong đường thở.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể thực hiện nội soi phế quản để xác định vị trí và lấy dị vật ra một cách an toàn. Ngoài ra, việc theo dõi sau hóc dị vật cũng rất quan trọng để đánh giá biến chứng như viêm phổi, tổn thương phế quản hoặc tắc nghẽn mạn tính.
Hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm và có thể cướp đi sinh mạng chỉ trong vài phút nếu không được xử trí đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc phải những sai lầm sơ cứu nghiêm trọng do thiếu hiểu biết hoặc hành động theo bản năng. Trang bị kiến thức khoa học, biết cách nhận diện và sơ cứu kịp thời chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và người thân. Đặc biệt, sau bất kỳ sự cố hóc dị vật đường thở nào, việc thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín luôn là bước cần thiết để đảm bảo không còn nguy cơ tiềm ẩn nào có thể gây hại về sau.