Nguyên nhân gây bệnh lao phổ biến nhưng ít người biết
Bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất tại Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy đã có những tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị, nhưng tỷ lệ mắc mới hàng năm vẫn ở mức đáng lo ngại. Một phần nguyên nhân là do nhiều người chưa hiểu rõ những yếu tố tiềm ẩn gây bệnh. Ngoài lây truyền qua đường hô hấp, còn có những nguyên nhân gây bệnh lao phổ biến nhưng ít được biết đến, khiến việc phòng tránh trở nên thiếu hiệu quả. Vậy đâu là những yếu tố khiến bạn dễ mắc lao hơn mà không hề hay biết?
1. Nguyên nhân gây bệnh lao và biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Hiểu rõ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao phổi sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng bệnh. Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu. Ước tính mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 18.000 ca tử vong do lao, trong đó có khoảng 8.000 ca lao kèm nhiễm HIV và hơn 6.000 trường hợp lao đa kháng thuốc. Những nguyên nhân điển hình gây ra bệnh lao phổi như:
1.1. Nguyên nhân gây bệnh lao phần lớn là do vi khuẩn lao
Nguyên nhân gây bệnh lao phổi hàng đầu là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (vi khuẩn lao người). Loại vi khuẩn này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ… sẽ phát tán vi khuẩn ra không khí qua các giọt bắn, khiến người xung quanh dễ hít phải và nhiễm bệnh nếu tiếp xúc thường xuyên hoặc trong môi trường kín, thông khí kém. Bên cạnh phổi, vi khuẩn lao còn có thể tấn công nhiều cơ quan khác như hạch bạch huyết, màng phổi, màng não, xương khớp, hệ tiêu hóa…

1.2. Nguyên nhân gây bệnh lao là do suy giảm hệ miễn dịch và các bệnh nền
Một số tình trạng bệnh lý làm suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, điển hình như:
– Đái tháo đường.
– Suy dinh dưỡng.
– Loét dạ dày – tá tràng.
– HIV/AIDS.
– Phụ nữ đang mang thai.
– Người cao tuổi.
– Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dài ngày (như trong điều trị viêm khớp, lupus…).
1.3. Môi trường sống
Các yếu tố xã hội như:
– Sống trong điều kiện kinh tế thấp kém, nhà ở chật hẹp, kém thông thoáng.
– Làm việc trong môi trường ô nhiễm, không trang bị khẩu trang bảo hộ.
– Thường xuyên tiếp xúc với các khí độc hại như khói bụi, khí thải…đều làm tăng xác suất mắc bệnh.
1.4. Thói quen sinh hoạt
– Lạm dụng rượu bia: Uống nhiều rượu gây ức chế miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn lao dễ xâm nhập và phát triển. Người đang điều trị lao càng cần tuyệt đối kiêng rượu.
– Hút thuốc lá, thuốc lào: Thói quen này làm tổn thương phổi và tăng nguy cơ lao phổi lên đến hơn 80%.
– Làm việc quá sức: Cơ thể mệt mỏi, suy nhược sẽ giảm sức đề kháng – môi trường thuận lợi để trực khuẩn lao phát triển.
– Thức khuya, mất ngủ kéo dài: Làm giảm khả năng miễn dịch, lâu dần gây suy nhược cơ thể, sụt cân – điều kiện lý tưởng để bệnh tiến triển.

2. Cách phòng tránh
– Tiêm vắc xin BCG đúng lịch, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, khu vực đông người hoặc có nguy cơ lây nhiễm.
– Duy trì lối sống lành mạnh: ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, rèn luyện thể lực, tránh hút thuốc lá và uống rượu.
– Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu bạn có triệu chứng kéo dài như ho dai dẳng, sụt cân, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
– Giữ vệ sinh môi trường sống, thông thoáng không gian, hạn chế khói bụi, ẩm mốc.
3. Chi tiết các biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi hiệu quả
Lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi người chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng. Dưới đây là những cách phòng ngừa lao phổi đơn giản nhưng hiệu quả:
3.1. Tiêm phòng vắc-xin lao đúng lịch
Vắc-xin BCG là biện pháp quan trọng nhất giúp phòng ngừa lao, đặc biệt là các thể lao nặng ở trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, vắc-xin này được tiêm cho trẻ sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm đúng thời điểm và đầy đủ sẽ góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh lao phổi.
3.2. Che miệng khi ho, hắt hơi
Người đang mắc lao phổi cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh hô hấp: che miệng – mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho/hắt hơi để tránh phát tán vi khuẩn lao ra môi trường. Khăn giấy sau khi sử dụng cần được bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

3.3. Giữ gìn vệ sinh
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày giúp hạn chế vi khuẩn phát triển và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Nơi ở, nơi làm việc cần được thông thoáng, sạch sẽ. Mở cửa sổ thường xuyên, sử dụng quạt hút, máy lọc không khí để lọc bụi và vi khuẩn giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm khả năng lây lan bệnh qua đường hô hấp.
3.4. Dinh dưỡng đầy đủ
Một chế độ ăn cân bằng, đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất là điều kiện cần thiết để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi sức đề kháng được củng cố, cơ thể sẽ có khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao tốt hơn.
3.5. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ làm suy giảm miễn dịch như: đái tháo đường, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, các bệnh lý mạn tính… Việc chủ động tầm soát sẽ hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời, tránh để lao phổi bùng phát.
3.6. Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây
Nếu có người mắc lao phổi trong gia đình hoặc môi trường làm việc, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ như:
– Đeo khẩu trang đúng cách.
– Hạn chế ở chung không gian kín lâu dài.
– Khuyến khích người bệnh điều trị đúng phác đồ và theo dõi định kỳ để ngăn ngừa lây lan.
Nhận diện sớm các nguyên nhân gây bệnh lao, đặc biệt là những yếu tố âm thầm nhưng phổ biến, chính là chìa khóa để phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Đừng đợi đến khi có triệu chứng mới bắt đầu lo lắng – hãy tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và nâng cao nhận thức về bệnh lao để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Lao hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu chúng ta không chủ quan với những nguyên nhân tưởng chừng “vô hại”.