Sỏi bàng quang bệnh học là trong những bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp. Bệnh gây ra những cơn đau bụng dưới khiến người bệnh tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu… Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi bàng quang bệnh học là gì?
Sỏi bàng quang là tình trạng xuất hiện các khối rắn như sỏi tích tụ trong bàng quang. Chúng được hình thành do các khoáng chất trong nước tiểu lắng đọng và kết tinh lại với nhau tạo thành các tinh thể khoáng chất gọi là sỏi.
Trong một số trường hợp, sỏi không hình thành trực tiếp tại bàng quang mà được hình thành trước ở thận hoặc ở niệu quản rơi xuống bàng quang.
Sỏi bàng quang chiếm tỉ lệ từ 30-35% số ca sỏi đường tiết niệu và là bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi bàng quang có thể có một hoặc nhiều nhóm sỏi cùng tồn tại và phát triển.
2. Nguyên nhân hình thành sỏi bàng quang
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh sỏi bàng quang, phố biến nhất là:
U xơ tuyến tiền liệt ở nam giới: khi tuyến tiền liệt của nam giới phì đại chèn ép phần phía trên của đường niệu đạo khiến đường tiểu bị tắc nghẽn. Điều này làm nước tiểu bị đọng lại trong bàng quang tạo điều kiện hình thành sỏi.
Sa bàng quang: Ở nữ giới, thành bàng quang có thể suy yếu rồi sa xuống âm đạo khiến dòng nước tiểu bị chặn lại. Lâu ngày sẽ hình thành lên sỏi ở bàng quang.
Viêm bàng quang: Bàng quang bị viêm nhiễm cũng có thể tạo điều kiện để hình thành sỏi.
Tổn thương dây thần kinh đến bàng quang: Dây thần kinh đảm nhận nhiệm vụ truyền tín hiệu từ não bộ đến bàng quang. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bàng quang sẽ hoạt động “kém năng suất”. Nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày sẽ dẫn đến việc hình thành sỏi.
Sỏi thận: một số viên sỏi thận có kích thước nhỏ có thể đi qua ống niệu quản, theo dòng chảy của nước tiểu và rơi xuống bàng quang.
Thiết bị y tế: một số thiết bị y tế được đặt trong bàng quang như ống thông niệu đạo để thoát nước tiểu; thiết bị tránh thai hoặc stent cũng có thể là nguyên nhân khiến sỏi hình thành.
Một số trường hợp do chít hẹp niệu đạo hoặc do bàng quang có dị vật gây nên ứ đọng nước tiểu, ứ đọng cặn tạo sỏi.
Một số nguyên nhân khác: người ít vận động, thường xuyên nhịn tiểu, uống ít nước…
3. Các triệu chứng lâm sàng của sỏi bàng quang
Ở giai đoạn đầu khi sỏi có kích thước nhỏ thường không gây triệu chứng. Nhưng khi sỏi bàng quang tăng dần về kích thước thì thì chúng sẽ gây ra những triệu chứng sau:
Tiểu rắt: dấu hiệu này thấy rõ ràng nhất vào ban ngày. Khi người bệnh di chuyển và vận động nhiều cũng làm cho các viên sỏi di chuyển theo khiến bàng quang bị kích thích. Bên cạnh đó, việc tồn tại của sỏi bàng quang có thể làm tắc nghẽn đường tiểu. Từ đó gây ra hiện tượng tiểu són và tiểu nhiều lần trong ngày.
Tiểu ngắt quãng: người bệnh đang đi tiểu nhưng đột nhiên bị ngừng lại, buộc phải đổi tư thế thế mới có thể đi tiểu lại bình thường. Do sỏi bàng quang làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang xuống niệu quản.
Đau bụng dưới: người bệnh cảm thấy đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng bụng dưới khi sỏi di chuyển trong bàng quang. Ở nam giới cơn đau còn có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục.
Nước tiểu có màu đục hoặc có lẫn máu: viêm nhiễm tại bàng quang do sỏi khiến nước tiểu có màu vàng đục, váng và đôi khi có lẫn máu.
4. Những biến chứng nguy hiểm của sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây ra những biến chứng sau:
Viêm bàng quang cấp – mãn tính:
Khi sỏi ở trong bàng quang có thể cọ xát trực tiếp với vùng niêm mạc và thành bàng quang. Tại đây chúng gây chảy máu, viêm loét, nhiễm và biến chứng viêm bàng quang cấp. Nếu không có biện pháp can thiệp sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính gây khó khăn cho việc điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu:
Bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu do thận tiết ra trước khi qua niệu đạo thoát ra ngoài. Sự xuất hiện của sỏi bàng quang khiến quá trình vận chuyển nước tiểu bị gián đoạn. Nước tiểu bị ứ đọng, vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
Rò bàng quang và teo xơ bàng quang:
Sỏi xuất hiện làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh cơ vòng bàng quang khiến bàng quang không điều khiển được cơ vòng. Từ đó dẫn đến tình trạng rò rỉ bàng quang và tiểu không tự chủ. Nước tiểu rỉ chảy qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và nhiễm trùng nặng hơn.
Viêm thận cấp và mạn tính:
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất do sỏi bàng quang gây ra. Sỏi làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu, khiến nước tiểu ứ đọng và dội ngược dòng lên thận. Các vi khuẩn có sẵn trong nước tiểu xâm nhập, tấn công gây giãn đài bể thận và dẫn đến suy thận. Lâu ngày, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
Ngoài các biến chứng kể trên, sỏi bàng quang còn có thể khiến người bệnh bị viêm bàng quang kẽ. Bệnh tái phát nhiều lần khiến người bệnh mệt mỏi và khó khăn khi tiểu tiện, sinh hoạt hàng ngày.
5. Chẩn đoán và điều trị sỏi bàng quang
5.1. Phương pháp chẩn đoán sỏi bàng quang bệnh học:
Việc chẩn đoán sỏi bàng quang được thực hiện bằng các cách sau:
Thăm khám vùng bụng dưới: để phát hiện những dấu hiệu phì đại bất thường của bàng quang. Tuy nhiên để có kết luận chính xác nhất, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác.
Xét nghiệm máu: nhằm xác định mức độ viêm nhiễm của bàng quang.
Chụp X Quang vùng hạ vị: để chẩn đoán chính xác số lượng, kích thước và vị trí của sỏi bàng quang.
Nội soi bàng quang bằng ống mềm: sử dụng ống nhỏ có gắn camera và nguồn sáng đã kết nối với màn hình bên ngoài đưa vào bàng quang theo niệu đạo để quan sát những bất thường trong lòng bàng quang. Phương pháp này được áp dụng khi các cách trên không mang lại kết quả.
5.2. Điều trị sỏi bàng quang bệnh học:
Tùy thuộc kích thước sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp.
Với những viên sỏi có kích thước nhỏ dưới 5mm hoặc nhỏ hơn thì không cần phẫu thuật. Người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc làm tan sỏi kết hợp với uống thật nhiều nước để tống xuất sỏi ra ngoài theo đường tiểu. Ngoài ra một số loại thuốc cũng được chỉ định phối hợp là thuốc giãn cơ trơn (nhằm làm giảm các cơn co thắt bàng quang, tăng cường hoạt động của hệ tiết niệu); thuốc giảm đau ( nhằm làm giảm sự khó chịu mỗi khi đi tiểu); thuốc kháng sinh (ngăn ngừa nhiễm khuẩn bàng quang).
Đối với những viên sỏi có kích thước lớn và bị mắc kẹt tại bàng quang sẽ được chỉ định nội soi tán sỏi hoặc mổ mở lấy sỏi tùy theo tình trạng bệnh lý của bệnh. Với những ưu điểm như ít xâm lấn, không có vết mổ, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được đánh giá là phương pháp điều trị sỏi bàng quang tối ưu nhất. Người bệnh sau tán ít đau, phục hồi nhanh, có thể ra viện sau 24h. Nguồn năng lượng cực lớn từ tia laser chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận nên rất an toàn.
6. Biện pháp phòng tránh sỏi bàng quang
Để phòng tránh sỏi bàng quang cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi. Cụ thể:
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để hòa tan các khoáng chất hình thành sỏi ở bàng quang. Bên cạnh đó việc uống nhiều nước giúp ngăn không cho nước tiểu bị đặc, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố qua đường tiểu hiệu quả.
Ăn nhạt, giảm lượng muối mỗi ngày để làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu. Bởi đây nguyên nhân chủ yếu hình thành sỏi. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn 2,3g muối mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe.
Cân bằng nhóm thực phẩm giàu canxi và oxalat để giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành sỏi.
Không nhịn tiểu để hạn chế việc nước tiểu tích tụ, các khoáng chất có thể kết tinh và tạo thành sỏi.
Tăng cường vận động thường xuyên để phòng tránh hình thành sỏi và có một cơ thể luôn khỏe mạnh.
Sỏi bàng quang bệnh học nếu không được chữa trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người bệnh. Do đó, ngay khi có những triệu chứng bất thường, bạn nên chủ động các bệnh viện uy tín thăm khám để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp chữa trị kịp thời.