Những lúc giao mùa, khi thời tiết mưa gió, nhiệt độ nóng lạnh thất thường sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virut sinh sôi và phát triển gây ra các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm mũi, viêm xoang. Một vài sai lầm trong việc điều trị đã vô tình khiến viêm xoang nặng hơn mà ít ai biết.
Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của bệnh viêm xoang có thể là bị hắt xì, nghẹt mũi, ngứa mũi trong nhiều năm. Ngoài ra, người bệnh còn có thể thấy đau đầu ở trán, đau ở hốc mắt, đau tai, dây thần kinh có cảm giác giật và 2-3 lần chảy máu cam. Bệnh tiến triển nhanh và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mù mắt, viêm màng não, thậm chí gây tử vong… nếu không phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Lý do khiến bệnh viêm xoang ngày càng nặng hơn
Không điều trị sớm: Nhiều người nghĩ rằng, viêm mũi, viêm xoang chỉ là bệnh tạm thời và sẽ tự khỏi nên dẫn đến tâm lý chủ quan không tích cực điều trị, chỉ đến khi người bệnh những dấu hiệu bệnh trở nặng mới chữa. Chính việc chữa muộn gây ra những biến chứng nặng nề hơn, thời gian điều trị lâu và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Lạm dụng thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch: Do tác dụng giảm nhanh triệu chứng của các loại thuốc có tác dụng co mạch như Otrivin, Rhinex… nên bệnh nhân thường sử dụng kéo dài hơn so với chỉ định của bác sĩ. Lúc đầu, thời gian tác dụng của thuốc kéo dài, mũi hết nghẹt, nhưng càng dùng lâu, tác dụng của thuốc càng rút ngắn lại khiến người bệnh phải sử dụng nhiều lần hơn. Về lâu dài niêm mạc mũi bị tổn thương khó hồi phục.
Tự ý mua thuốc về điều trị: Một trong những sai lầm hay gặp phải là người bệnh thường chủ quan, có thói quen sử dụng một số thuốc phổ biến trong việc điều trị viêm xoang đã từng được bác sĩ kê để giảm các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Rửa mũi quá nhiều và không đúng cách: Mọi người thường sử dụng xi lanh để rửa khi mũi đã viêm. Khi mũi đang viêm (mũi ngạt) mà bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối sẽ chảy ra hai bên tai. Kết quả viêm xoang không khỏi lại thêm viêm tai vì dịch mủ ở tai.
Nhỏ nước tỏi vào mũi: Nhiều người thường truyền nhau cách chữa viêm mũi bằng cách nhỏ nước tỏi nướng vào mũi. Tuy nhiên, đây là một quan niệm không đúng. Tỏi có chứa chất Allicin vì vậy có thể diệt được vi khuẩn, vi nấm giúp phòng và điều trị bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, việc chúng ta nhỏ nước tỏi nướng vào mũi rất nguy hiểm vì nó gây nóng, rát và làm phù nề niêm mạc mũi.
Điều trị viêm xoang thế nào đúng cách?
Các bệnh đường hô hấp thường có diễn biến thường khó lường nên mọi người phải có sự phòng ngừa, và điều trị đúng để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Luôn luôn giữ ấm: Làm ấm vùng mũi mỗi khi tỉnh dậy vào buổi sáng. Không tắm nước lạnh mà phải tắm nước ấm, tắm nhanh trong phòng kín gió, lau cơ thể đặc biệt vùng đầu, mặt, cổ thật khô và mặc ngay quần áo.
Giữ vệ sinh mũi và họng: Dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường. Vệ sinh họng, miệng hàng ngày bằng cách đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát.
Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng: Người bị viêm mũi và viêm xoang tái phát nhất thiết phải điều trị theo đơn của bác sĩ, không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Căn cứ vào tình trạng, mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.