Quy định khám sức khỏe doanh nghiệp được nhà nước lập ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động về chăm sóc sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Quy định của Nhà nước về khám sức khỏe doanh nghiệp
Khám sức khỏe doanh nghiệp là hoạt động chủ doanh nghiệp, hoặc người sở hữu lao động tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên của mình theo nhà nước, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động.
1.1. Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Đối với người lao động
Theo Điều 152 Bộ Luật lao động đã ghi rõ, người lao động có quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe:
– Doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên của mình định kỳ hàng năm, bao gồm cả nhân viên chính thức, người học nghề và tập nghề.
– Đối với lao động là người cao tuổi, khuyết tật, thành niên dưới 18 tuổi hoặc lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm phải được kiểm tra khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
– Đối với lao động nữ cần phải được khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản ít nhất 6 tháng/lần.
– Trường hợp người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục giám định y khoa và sắp xếp mức độ thương tật để được điều trị và phục hồi khả năng lao động.
– Doanh nghiệp phải có trách nhiệm lưu giữ và quản lý hồ sơ của từng lao động mình.
Bên cạnh đó, dựa theo Luật an toàn vệ sinh lao động cũng nêu rõ quyền được hưởng của người lao động như sau:
– Doanh nghiệp cần dựa vào tiêu chuẩn sức khỏe đối với tùy loại ngành nghề và thể trạng sức khỏe của nhân viên để sắp xếp công việc sao cho phù hợp.
– Doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập hồ sơ, quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyên môn.
– Sau khi khám sức khỏe xong, doanh nghiệp phải thông báo và trả kết quả cho người lao động.
1.2. Quy định khám sức khỏe doanh nghiệp về chi phí
Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp, hay còn gọi là chủ sở hữu lao động phải có trách nhiệm chịu toàn bộ chi phí cho hoạt động tổ chức khám sức khỏe nhân viên. Số tiền chi trả này doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Cụ thể, trong trường hợp người lao động bị tai nạn nghề nghiệp hoặc bệnh nghề nghiệp trong quá trình công tác, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu cho đến điều trị ổn định.
Như vậy, người lao động có quyền được hưởng hoàn toàn miễn phí khi tham gia khám sức khỏe định kỳ công ty theo quy định của nhà nước.
2. Quy trình khám sức khỏe doanh nghiệp
Khi tiến hành tham gia khám sức khỏe công ty, người lao động hoặc chủ sở hữu lao động cần có hồ sơ khám sức khỏe định kỳ (có mẫu đính kèm Phụ lục 03 ban hành Thông tư 14/2013/TT-BYT).
2.1. Danh mục khám theo quy định khám sức khỏe doanh nghiệp
Nội dung danh mục khám của khám sức khỏe định kỳ phải được áp dụng theo pháp luật nhà nước. Bao gồm:
– Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, huyết áp,…
– Khám lâm sàng toàn diện: khám nội, khám ngoại, khám da liễu, phụ khoa, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt,…
– Khám cận lâm sàng: Chụp X-quang ngực thẳng, lấy máu xét nghiệm.
2.2. Các lưu ý trong quy trình khám sức khỏe
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp:
– Đối với danh mục siêu âm tổng quát và điện tim đồ nên được thực hiện 1 – 3 năm/lần định kỳ.
– Với xét nghiệm máu sinh hóa: bao gồm xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm chức năng gan, thận…thường được áp dụng với doanh nghiệp sở hữu lao động có độ tuổi trung bình cao (> 35 tuổi), nên được thực hiện định kỳ 1 – 3 năm/ lần.
– Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: được áp dụng đối với phụ nữ đã có gia đình, nên được kết hợp khám phụ khoa định kỳ 2 năm/lần.
– Tư vấn sức khỏe: Trong quy trình khám sức khỏe phải có nội dung riêng được bác sĩ tư vấn riêng về tổng quan tình hình sức khỏe của người lao động.
Riêng đối với khám sức khỏe nhằm phát hiện bệnh nghề nghiệp:
– Tùy vào môi trường làm việc hoặc các yếu tố người lao động tiếp xúc tại nơi làm việc mà danh mục khám có thể được khác nhau. Việc lựa chọn danh mục khám phù hợp sẽ được bác sĩ tư vấn.
– Một số bệnh nghề nghiệp thường được chọn lọc khám đó là bệnh phổi nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp và nhiễm độc nghề nghiệp.
– Doanh nghiệp nên chọn đơn vị y tế có cả 2 dịch vụ khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp để đảm bảo kết quả thăm khám hiệu quả và giảm thiểu các chi phí y tế.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về luật quy định khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, để từ đó người lao động nắm rõ quyền lợi của mình.