Phòng viêm xoang ở người cao tuổi không khó. Điều quan trọng là người cao tuổi cần nắm được tình trạng sức khỏe của mình, tự biết bảo vệ mình khỏi những mầm bệnh gây viêm xoang, đặc biệt khi thời tiết thay đổi.
Ở người cao tuổi thường mắc bệnh viêm xoang kèm theo nhiều bệnh khác nên rất khó chẩn đoán và điều trị. Do sự lão hóa nên việc dùng thuốc điều trị ở người cao tuổi kém hiệu quả và hay gặp tác dụng phụ của thuốc.
Viêm xoang thường gặp ở người cao tuổi do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm đường hô hấp, hít phải các kháng nguyên lạ như bụi nhà, bụi đường, nhiễm khói, hít thở phải mùi hóa chất độc hại như phân bón, thuốc trừ sâu, bụi hữu cơ như bụi bông, vải, vỏ hạt ngũ cốc….
Ngoài ra, do người cao tuổi bị suy giảm sức đề kháng nên cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn, do suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Menu xem nhanh:
1. Phòng viêm xoang ở người cao tuổi
Muốn phòng bệnh viêm xoang cần thực hiện phối hợp các biện pháp như sau:
– Người cao tuổi cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các chất cần thiết nhằm tăng sức đề kháng qua chế độ ăn uống hàng ngày.
– Tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột hoặc nhiễm lạnh kéo dài.
– Khi đi ngủ cần mặc đủ ấm và phòng ngủ cần tránh gió lùa.
– Tránh hít phải phấn hoa, nấm mốc, nước hoa, bụi bẩn, khói, hơi hóa chất độc hại…
– Không nên cho ngón tay vào ngoáy mũi vì dễ mang vi khuẩn vào mũi gây bệnh.
– Hàng ngày cần tập thể dục đều đặn vừa sức để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
Bệnh viêm xoang có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị bệnh.
2. Dấu hiệu nào cần tới gặp bác sĩ
Thông thường, một người bị viêm xoang sẽ có các biểu hiện sau:
– Đau nhức ở vùng xoang như viêm xoang hàm thì đau nhức vùng gò má, viêm xoang trán thì nhức giữa hai lông mày, viêm xoang sàng trước thì nhức giữa hai mắt…
– Chảy dịch: tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm mà dịch nhầy có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng. Vì chảy dịch nên người bệnh có cảm giác luôn phải khụt khịt mũi hoặc cảm giác lờ đờ ở cổ họng luôn muốn khạc nhổ. Dịch nhầy có màu trắng, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, có mùi hôi, khẳn.
– Nghẹt mũi: bệnh nhân có thể nghẹt 1 bên hoặc nghẹt cả hai bên mũi.
– Điếc mũi: bệnh nhân viêm xoang thường mất ngửi mùi, vì viêm nặng, phù nề nhiều nên mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác làm bệnh nhân bị điếc mũi.
Các dấu hiệu bệnh viêm xoang có thể nặng dần lên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì thế, người cao tuổi nên đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh.
Tùy vào tình trạng và mức độ nặng-nhẹ của bệnh mà có biện pháp chữa trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc để điều trị viêm xoang như thuốc kháng histamin, thuốc rửa mũi…Trong trường hợp nặng, viêm mũi tái phát nhiều lần trong năm thì cần phải tiến hành phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi xoang: mở các đường dẫn lưu trong mũi nhằm khắc phục tình trạng do viêm xoang ảnh hưởng đến khả năng thở của mũi. Phẫu thuật thường áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa bằng thuốc không có kết quả, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang… Phẫu thuật nội soi loại bỏ những khối u hốc mủ ở mũi bệnh nhân.
Việc điều trị bằng phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ mắc bệnh, người cao tuổi nên áp dụng những cách phòng viêm xoang kể trên. Trường hợp mắc bệnh cần đi khám và điều trị sớm.