Phẫu thuật thoát vị bẹn là cách duy nhất để điều trị triệt để và ngăn tái phát bệnh lý này. Tùy theo tình trạng cụ thể, người bệnh có thể được chỉ định mổ nội soi hoặc mổ mở. Thoát vị bẹn không thể tự khỏi, điều trị bằng thuốc không có tác dụng. Vì thế người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, cần thăm khám và phẫu thuật sớm để tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về phẫu thuật thoát vị bẹn
1.1. Phẫu thuật thoát vị bẹn để làm gì?
Thoát vị bẹn chiếm 75% các trường hợp thoát vị và thường gặp ở nam giới. Đây là tình trạng một tạng trong ổ bụng chui xuống vùng bẹn bìu thông qua một điểm yếu ở thành bụng.
Do đó chỉ có phẫu thuật mới có thể đẩy tạng sa về vị trí chính xác trong ổ bụng đồng thời tái tạo, củng cố vững chắc thành bụng yếu.
Việc phẫu thuật theo phương pháp nào sẽ căn cứ trên các yếu tố như: kích thước, vị trí khối thoát vị, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
1.2. Phẫu thuật thoát vị bẹn bằng nội soi
Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một vài đường rạch nhỏ sau đó đưa ống nội soi và các dụng cụ khác vào bên trong để xử lý khối thoát vị. Do đó người bệnh sẽ được gây mê toàn thân nên hoàn toàn không đau, chỉ như vừa trải qua một giấc ngủ ngon.
Ống nội soi bao gồm camera và nguồn sáng sẽ truyền hình ảnh bên trong cơ thể ra màn hình bên ngoài. Bụng sẽ được bơm căng khí CO2 (vô hại) nhằm tạo ra khoảng trống giúp bác sĩ dễ dàng quan sát các cấu trúc bên trong. Tiếp đến tiến hành đẩy tạng sa xuống về vị trí ban đầu, đặt lưới để củng cố vững chắc thành bụng. Sau khi hoàn thành thủ thuật, đóng lại các vết rạch nhỏ ở bụng.
Ưu điểm của mổ nội soi thoát vị bẹn là ít xâm lấn, ít đau hơn, hầu như không để lại sẹo, nhanh chóng trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường sau vài ngày thay vì vài tuần như mổ mở.
1.3. Mổ mở điều trị thoát vị bẹn
Khác với mổ nội soi, trong mổ mở bác sĩ sẽ tạo một vết rạch dài ở vị trí thoát vị. Sau khi đã xác định được túi thoát vị, bác sĩ sẽ đẩy các tạng trở lại ổ bụng và làm chắc thành bụng bằng chỉ khâu hoặc lưới tổng hợp. Người bệnh sau mổ cần nghỉ ngơi dài ngày, hạn chế các hoạt động gắng sức và tập thể dục trong 4 – 6 tuần. So với mổ nội soi, mổ mở đau hơn, để lại sẹo, thời gian nằm viện cũng kéo dài hơn.
2. Chuẩn bị trước phẫu thuật thoát vị bẹn
Trước mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ và điều dưỡng viên sẽ hướng dẫn chi tiết về những điều mà người bệnh cần lưu ý để việc điều trị diễn ra thuận lợi.
– Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Không nên đeo đồ trang sức.
– Tạm ngừng sử dụng một số loại thuốc trước khi phẫu thuật, ví dụ như aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
– Ngừng ăn trong một khoảng thời gian trước khi phẫu thuật (phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật và loại gây mê được sử dụng).
– Sắp xếp người nhà đi cùng để hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục, nằm viện và đưa đón đi lại.
– Chuẩn bị một số đồ dùng cá nhân cần thiết khi nằm viện.
3. Phẫu thuật thoát vị bẹn sẽ diễn ra như thế nào?
Tiến trình phẫu thuật thoát vị bẹn sẽ phụ thuộc vào phương pháp (mổ mở hay mổ nội soi) và loại gây mê được áp dụng.
Hiện nay phẫu thuật nội soi đang được ưa chuộng và áp dụng khá phổ biến nhờ nhiều ưu điểm vượt trội. Một ca mổ nội soi điều trị thoát vị bẹn về cơ bản sẽ bao gồm:
– Người bệnh được hướng dẫn vệ sinh, tắm sát khuẩn trước mổ, thay quần áo của bệnh viện.
– Điều dưỡng sẽ hỗ trợ đưa người bệnh vào phòng mổ. Tại đây ekip các bác sĩ gây mê hồi sức đang chuẩn bị để tiến hành gây mê toàn thân.
– Khi quá trình gây mê hoàn tất, bệnh nhân sẽ mất cảm giác toàn thân, không ý thức được cuộc mổ cũng như không cảm thấy đau đớn.
– Bác sĩ phẫu thuật chính và ekip phụ mổ bắt đầu tiến hành sát trùng vùng dự kiến rạch da.
– Sau đó tạo một vài vết rạch nhỏ ở vùng bụng, rồi đưa ống nội soi cùng các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong tiếp cận với khối thoát vị để xử lý.
– Cuối cùng rút ống nội soi và các dụng cụ hỗ trợ ra, khâu đóng lại vết rạch.
– Kết thúc ca mổ, người bệnh được chuyển về phòng hồi sức để tiếp tục theo dõi trong vài giờ. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, bệnh nhân tỉnh, tình trạng sức khỏe ổn định thì được đưa về phòng điều trị.
– Tại phòng điều trị, bệnh nhân sẽ cần theo dõi ít nhất 24 tiếng. Nếu không có vấn đề gì bất thường, người bệnh có thể xuất viện về nhà.
4. Lưu ý chăm sóc sau phẫu thuật thoát vị bẹn
Thời gian phục hồi sau mổ nội soi thoát vị bẹn trung bình là 1 – 2 tuần, mổ mở cần từ 3 – 4 tuần.
Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, tránh các biến chứng không mong muốn sau mổ, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể:
– Có thể chườm lạnh khoảng 15 phút trong vòng vài giờ để giảm sưng.
– Để giảm đau ở vết mổ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau.
– Để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông sau mổ, bệnh nhân nên cố gắng đứng dậy, đi lại nhẹ nhàng trong phòng.
– Vệ sinh vết mổ cẩn thận, giữ cho vết mổ luôn khô ráo.
– Không vận động mạnh, dành thời gian nghỉ ngơi.
– Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường như: đau dai dẳng, đau dữ dội sau mổ; sốt; vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng – nóng, sưng, đỏ và/hoặc tiết dịch bất thường; nôn mửa liên tục; 2 – 3 ngày sau khi mổ vẫn không thể đại tiện.
Hy vọng những thông tin trong bài về phẫu thuật thoát vị bẹn sẽ giúp bạn yên tâm điều trị hơn. Mổ thoát vị bẹn được đánh giá là an toàn, ít biến chứng do đó không nên quá lo lắng. Thăm khám sớm, tích cực hợp tác với bác sĩ, giữ tinh thần thoải mái sẽ giúp cho việc điều trị diễn ra thành công.