Tiêm chủng hiện nay được đánh giá là cách hiệu quả giúp chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của vắc xin, các phản ứng nặng sau tiêm vắc xin lại là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh vô cùng quan tâm. Vậy những tác dụng phụ này là gì, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ hay không? Cha mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ và phân biệt mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng sau tiêm ở trẻ nhỏ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ lợi ích mà việc tiêm chủng mang lại cho trẻ
Mặc dù vắc xin có thể mang lại các phản ứng phụ, nhưng không thể phủ nhận rằng tiêm phòng vắc xin đem lại lợi ích vượt trội cho trẻ nhỏ. Do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, tiêm chủng vắc xin sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh, tránh nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản,…
Không những vậy, khi tiêm phòng đầy đủ vắc xin, trẻ có thể phát triển toàn diện, tránh được các bệnh truyền nhiễm giúp trẻ không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não. Bên cạnh đó, khi trẻ không bị ốm sẽ giúp gia đình giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức.
Bởi vậy, tiêm vắc xin cho trẻ là một trong những biện pháp quan trọng để tạo ra sức đề kháng và chủ động phòng hiệu quả các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm.
2. Phân biệt mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng sau tiêm ở trẻ
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, việc cha mẹ phải nắm rõ những phản ứng phụ có thể xảy ra là rất quan trọng. Dưới đây là những phân biệt phản ứng có thể xảy ra ở trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
2.1. Các triệu chứng sau tiêm thường gặp ở trẻ
Phản ứng thông thường sau tiêm chủng ở trẻ nhỏ là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày, thường xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Bao gồm:
– Các phản ứng tại vị trí tiêm: đau, hơi ngứa, hơi nóng tại vị trí tiêm.
– Các phản ứng toàn thân: sốt nhẹ (từ 38 – 38,6 độ C), ớn lạnh, phát ban nhẹ (sau khi tiêm vắc xin sởi/ thủy đậu), quấy khóc, bú/ ăn uống kém hơn so với bình thường,…
2.2. Các triệu chứng sau tiêm nguy hiểm cha mẹ cần chú ý
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hi hữu, trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng hiếm gặp và nguy hiểm sau tiêm như:
– Sốt cao trên 39 độ C, đi kèm với triệu chứng co giật, mệt lả, lừ đừ, không có phản ứng đáp lại khi được gọi.
– Da tím tái.
– Xuất hiện triệu chứng khó thở hoặc thở gấp, thở rít, rút lõm lồng ngực.
– Nôn, tiêu chảy hoặc đau quặn thắt ở vùng bụng.
– Phát ban toàn thân, nổi mẩn đỏ khắp người, nổi sẩn, sưng môi, sưng mí mắt,…
– Loét, mưng mủ ở vết tiêm, đặc biệt xuất hiện tình trạng áp xe ở vết tiêm.
– Trẻ quấy khóc dữ dội, bỏ ăn hoặc có các triệu chứng bất thường khác không được liệt kê ở trên.
Khi trẻ xuất hiện những tình trạng kể trên, cha mẹ cần liên lạc ngay với bác sĩ và đưa trẻ đến cơ sở y tế cần nhất để theo dõi điều trị, tránh để bệnh nặng mới xử trí.
2.3. Làm sao để giảm bớt nguy cơ các triệu chứng nguy hiểm xảy ra?
Để giảm bớt nguy cơ xuất hiện các phản ứng nguy hiểm sau khi tiêm, cha mẹ cần lưu ý những điều sau trước khi tiêm chủng cho trẻ:
2.3.1 Lưu ý dành cho cha mẹ trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng sau tiêm.
– Trao đổi rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ như tiền sử bệnh lý trước đây, suy dinh dưỡng (nếu có), tiền sử dị ứng với vắc xin (nếu có), các loại thuốc trẻ đang sử dụng (nếu có) để xem xét và quyết định có nên tiêm chủng cho trẻ hay không.
– Mang theo sổ/ phiếu tiêm chủng để bác sĩ tham vấn và đảm bảo thực hiện đúng lịch tiêm cho trẻ.
2.3.2 Tổng hợp những trường hợp chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ
– Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tim, gan, thận,…
– Trẻ có tiền sử sốc hoặc dị ứng, phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin.
– Đối với trẻ bị suy giảm miễn dịch chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống.
– Các trường hợp chống chỉ định tiêm khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng dành cho cha mẹ
Sau khi tiêm, cha mẹ cần biết cách chăm sóc đúng cách và theo dõi các phản ứng ở trẻ.
3.1. Những lưu ý dành cho cha mẹ khi theo dõi sức khỏe của trẻ
Sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần được theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm và chăm sóc khi trở về nhà. Nếu không được theo dõi và phát hiện những bất thường của trẻ sau tiêm chủng, rất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
– Sau tiêm chủng, cha mẹ nên cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Nhân viên y tế tại đây sẽ kiểm tra và theo dõi các triệu chứng sau tiêm chủng. Nếu cơ thể trẻ hoàn toàn bình thường và không có dấu hiệu nào nguy hiểm, trẻ có thể về nhà.
– Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong vòng ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ. Nên chú ý đến các biểu hiện tinh thần, tình trạng ăn ngủ, dấu hiệu nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các dấu hiệu tại chỗ tiêm của trẻ.
3.2. Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau tiêm chủng vắc xin
Khi chăm sóc trẻ sau tiêm, cha mẹ cũng cần lưu ý:
– Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, có thể chườm ấm để hạ nhiệt cho trẻ
– Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (như Paracetamol, Ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt hơn 38.5 độ C, quấy khóc. Phải hỏi trước ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
– Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm của trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn bình thường.
– Không dùng Aspirin hoặc dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều Paracetamol ở trẻ
Vì sự an toàn của trẻ, cha mẹ cần tuân thủ những lưu ý sau khi tiêm chủng cho trẻ. Ngoài ra, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, cha mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ và tư vấn sớm nhất.