Nứt kẽ hậu môn nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Nứt kẽ hậu môn là một bệnh lý ở bộ phận tiêu hóa khá phổ biến. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa hiểu và còn nhầm lẫn về bệnh này với trĩ, bài viết dưới đây sẽ thông tin rõ ràng về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả của bệnh nứt kẽ hậu môn

1. Bệnh lý nứt kẽ hậu môn là gì?

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng xuất hiện vết rách ở niêm mạc hậu môn, gây đau rát và chảy máu sau khi đi đại tiện, xảy ra ở hệ tiêu hóa, đa số do người bệnh cố rặn phân cứng.

Tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc bệnh nứt kẽ hậu môn do tình trạng lão hóa, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác.

nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là bệnh tiêu hóa phổ biến hiện nay.

2. Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý phổ biến và có nhiều nguyên nhân tạo thành, điển hình như:

  • Viêm nhiễm tại vùng trực tràng – hậu môn: các vi khuẩn sản sinh gây viêm nhiễm ở khu vực này làm giảm sức bền tổ chức, khiến niêm mạc hậu môn trở nên yếu và dễ xuất hiện vết nứt cùng ổ loét khi có sự căng giãn, nhất là khi phân cứng đi qua.
  • Chấn thương: chấn thương vùng hậu môn có thể đến do tai nạn, do bê vác các vật nặng gây áp lực xuống hậu môn trực tràng…
  • Viêm xơ cơ thắt trong hậu môn: khiến cơ thắt hậu môn bị phì đại, co thắt rất mạnh và tăng trương lực, lâu dần gây nứt kẽ hậu môn.
  • Tiêu chảy, táo bón kéo dài khiến niêm mạc hậu môn trở nên mỏng và dễ tổn thương

Ngoài ra nứt kẽ hậu môn cũng thể đến từ những bệnh lý như: HIV, lao hậu môn – trực tràng, giang mai, bệnh Crohn, viêm đại tràng, ung thư hậu môn – trực tràng…

3. Triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

Bệnh nứt kẽ hậu môn thường gây ra các triệu chứng như sau:

  • Đau hậu môn dữ dội, tình trạng đau rát có thể kéo dài hàng giờ
  • Cảm giác nóng rát vùng hậu môn trong và sau khi đại tiện:
  • Cơn đau thường tăng cấp theo giai đoạn: Đau khi bắt đầu đại tiện, hết đau sau vài phút nhưng sau đó tăng lên dữ dội rồi lại đột ngột hết đau.
  • Đi đại tiện có thể thấy ra máu dính trên giấy vệ sinh.
  • Hậu môn ngứa ngày khó chịu
  • Xuất hiện vết rách, vị trí nằm trên da quanh hậu môn.
  • Thường ở gần vết nứt sẽ có da thừa và nhú hậu môn phì đại 

Đây tuy là bệnh phổ biến nhưng nếu để lâu không chữa trị có thể gây ra các biến chứng như:

  • Vết nứt lan vào cơ vòng hậu môn rất khó lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu môn, nứt kẽ hậu môn để lâu thành mạn tính có thể gây thiếu máu và đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như áp xe hậu môn, viêm nhiễm hậu môn…
  • Khiến cơ thể suy nhược: Bệnh lý không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà với cơn đau đớn, khó chịu liên tục như vậy mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người bệnh, mệt mỏi về thể chất, mặc cảm trong tinh thần sẽ dẫn tới cơ thể suy nhược, không điều trị dứt điểm thì không thể phục hồi

4. Điều trị nứt kẽ hậu môn

4.1. Sử dụng thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn

thuốc trị nứt kẽ hậu môn

Điều trị bằng thuốc khi bệnh ở giai đoạn nhẹ

Ở giai đoạn đầu của nứt kẽ hậu môn, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc chuyên dụng có tác dụng làm mềm phân, thuốc làm giãn cơ thắt đi kèm với thuốc bôi giúp giảm khó chịu từ vết nứt…

Ngoài ra để điều trị dứt điểm bệnh lý người bệnh cũng cần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học để đẩy lui bệnh lý một cách toàn diện, tránh tái phát.

Lưu ý: Các thông tin điều trị đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Đặc biệt người bệnh tuyệt đối không tự ý lên mạng gõ triệu chứng và mua thuốc về sử dụng mà không có sự theo dõi của bác sĩ, không áp dụng các bài thuốc dân gian chưa qua kiểm chứng của khoa học. 

4.2. Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn

Phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp nứt kẽ hậu môn đã trở nên nặng hoặc điều trị nội khoa không còn tác dụng. 

Những phương pháp phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn thường được áp dụng hiện nay bao gồm: 

  • Nong hậu môn (áp dụng với vết nứt mới), bên cạnh tác dụng điều trị nứt kẽ còn có tác dụng ngăn ngừa lỗ hậu môn có thể  bị chít hẹp
  • Cắt bỏ vết nứt hoặc mở cơ thắt trong bằng phẫu thuật hay hóa chất (trong trường hợp vết nứt cũ), với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo ở cơ vòng hậu môn một vết rạch nhằm làm giảm sức căng và giảm áp lực lên vết rách hậu môn từ đó áp dụng các phương pháp chuyên môn để sửa chữa lại các vết rách
phẫu thuật nứt kẽ hậu môn

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để của bệnh lý này.

5. Phòng ngừa bệnh nứt kẽ hậu môn

  • Tạo lập thói quen đi đại tiện theo giờ giấc, không nhịn vì có thể dẫn tới táo bón mạn tính.
  • Người bị táo bón không nên dùng sức để rặn vì rất dễ gây nứt kẽ, trong trường hợp khó đi nên thụt tháo phân bằng nước muối.
  • Vệ sinh sạch sẽ hậu môn sau khi đại tiện để tránh môi trường có thể tạo vi khuẩn gây viêm nhiễm, có thể vệ sinh bằng nước sau đó lau khô bằng giấy/ vải sạch
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh, cụ thể:
  • Ăn nhiều các chất xơ và khoáng chất đặc biệt là các loại rau xanh, củ cải, khoai lang,…
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày (nước lọc, nước ép quả, nước ép rau củ,…) để kích thích nhu động ruột, tốt cho hệ tiêu hóa, thuận lợi hơn khi đại tiện
  • Thường xuyên thăm khám hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi nhận thấy những bất thường như đau rát, khó chịu vùng hậu môn
  • Tránh xa các loại đồ ăn đồ uống chứa còn và các chất kích thích
  • Tập thể dục thường xuyên, xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh

Trên đây là chi tiết về bệnh lý nứt kẽ hậu môn, hy vọng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các bạn trong việc phát hiện sớm, điều trị đúng cách căn bệnh khó chịu này. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital