Sỏi bàng quang là bệnh lý có thể điều trị bằng nhiều phương pháp trong đó có nội soi tán sỏi bàng quang ít xâm lấn, hoàn toàn không rạch mổ. Đây được xem là phương pháp điều trị ngoại khoa vượt trội được sử dụng để xử lý hầu hết các trường hợp sỏi bàng quang.
Menu xem nhanh:
1. Ba phương pháp điều trị sỏi bàng quang ngày nay
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sỏi bàng quang sau khi thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thông thường sẽ được chỉ định điều trị theo ba phương pháp sau:
– Điều trị nội khoa sử dụng thuốc đường uống: Phù hợp với bệnh nhân có tình trạng sỏi nhỏ có thể di chuyển được ra ngoài sau khi sử dụng thuốc làm giãn cơ trơn. Để xác định cụ thể sỏi có thể đi ra được bên ngoài hay không bác sĩ sẽ là người trực tiếp chỉ định và kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh.
– Tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng bằng laser: Phù hợp với bệnh nhân có tình trạng sỏi với kích thước >1cm hoặc <1cm không thể di chuyển ra bên ngoài. Thậm chí là sỏi kích thước <1cm đã điều trị nội khoa sử dụng thuốc.
– Mổ mở lấy sỏi bàng quang: Là phương pháp điều trị cuối cùng bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh khi viên sỏi có kích thước rất lớn, viên sỏi đã gây ra các biến chứng nặng cho bàng quang.
Đối với điều trị ngoại khoa sỏi bàng quang, thì tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp loại bỏ sỏi trực tiếp hữu hiệu, an toàn, nhanh chóng và không làm mất sức của người bệnh. Đây cũng là lựa chọn hàng đầu thay thế mổ mở điều trị chủ yếu các loại sỏi bàng quang hiện nay chỉ trừ trường hợp người bệnh có tình trạng sỏi nghiêm trọng.
2. Tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng – Phương pháp loại bỏ sỏi ít xâm lấn
2.1 Chỉ định nội soi tán sỏi bàng quang
Như đã đề cập phía trên tán sỏi nội soi ngược dòng xử lý sỏi bàng quang >1cm hoặc <1cm mà không thể di chuyển ra ngoài ngay cả khi đã sử dụng thuốc. Bên cạnh yếu tố về kích thước sỏi thì bệnh nhân cũng cần đáp ứng các chỉ định khác như:
– Niệu đạo không có đoạn hẹp hay gấp khúc, có thể đưa được ống nội soi qua.
– Bệnh nhân không có chống chỉ định về gây mê, hồi sức, không mắc tình trạng rối loạn đông máu.
– Chống chỉ định tạm thời đối với bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh nhân cần điều trị nhiễm khuẩn ổn định trước khi tán sỏi.
Mục đích tuân thủ các chỉ định trong tán sỏi sẽ giúp người bệnh đạt kết quả điều trị toàn diện. Nghĩa là đồng thời sạch sỏi mà không có biến chứng trong hoặc sau tán sỏi.
2.2 Nội soi tán sỏi bàng quang loại bỏ sỏi như thế nào?
Bằng cách loại bỏ sỏi sử dụng kỹ thuật nội soi, bệnh nhân mắc sỏi bàng quang sẽ được loại bỏ sỏi hoàn toàn qua đường tự nhiên của cơ thể, không mổ. Đường tự nhiên là đường ống dẫn nước tiểu, đây là một đường ống rỗng có thể đưa được thiết bị nội soi tán sỏi vào để xử lý sỏi.
Cách sỏi được tán và loại bỏ ra khỏi bàng quang sẽ được thực hiện thông qua các bước:
– Bác sĩ tiến hành gây mê hoặc gây tê tủy sống cho bệnh nhân. Tiến hành sát khuẩn bằng dung dịch chuyên dụng cho bộ phận sinh dục.
– Khi máy móc thiết bị đã sẵn sàng, bệnh nhân đảm bảo đủ thời gian gây tê hoặc gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành đưa máy nội soi từ lỗ tiểu vào niệu đạo vào bàng quang.
– Máy nội soi sẽ tìm và phát hiện vị trí của viên sỏi. Và thông qua màn hình máy nội soi bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ bàng quang, viên sỏi, từ đó sẽ bắt đầu đưa tiếp dây dẫn năng lượng laser vào.
– Dây dẫn năng lượng laser được điều chỉnh để tiếp cận sỏi và bắn phá sỏi theo điều chỉnh của bác sĩ. Bác sĩ sẽ bắn phá theo từng lần tác động sao cho viên sỏi kích thước lớn sẽ vỡ dần ra trở thành các mảnh nhỏ.
– Các mảnh vụn sỏi nhỏ sẽ tiếp tục được hút gắp trực tiếp ra bên ngoài cho đến khi bác sĩ kiểm tra lại bàng quang và thấy đã sạch sỏi.
2.3 Lý giải tại sao tán sỏi nội soi ngược dòng được ưa chuộng hiện nay
Ưu điểm của phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi bàng quang cũng đã được đề cập sơ qua ở phần 1. Dưới đây sẽ nêu chi tiết những lợi ích của phương pháp điều trị tân tiến này để từ đó người bệnh có thể biết được tại sao hiện nay phương pháp này được ưa chuộng và sử dụng chủ yếu.
– Nguyên tắc hoạt động loại bỏ sỏi qua đường tự nhiên của cơ thể, nên người bệnh hoàn toàn không có vết mổ, không chảy máu ngoài da, không để lại sẹo.
– Sỏi được xử lý trực tiếp bằng laser chỉ trong một liệu trình khoảng 30 đến 60 phút.
– Bệnh nhân dễ dàng đi lại ngay sau 1 vài giờ đồng hồ, hậu phẫu nhẹ nhàng đơn giản.
– Tối giản thời gian nằm viện và phục hồi, đa số bệnh nhân chỉ sau 24h là có thể được trở về nhà sinh hoạt bình thường.
– Không có những vết rạch mổ nên hệ tiết niệu và cụ thể là bàng quang không bị mất chức năng, dễ dàng bài tiết nước tiểu ngay sau khi tán sỏi.
3. Lời khuyên cho bệnh nhân mắc sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang là tình trạng bệnh khó có thể phát hiện ở giai đoạn sớm sỏi mới hình thành kích thước còn nhỏ bởi sỏi có thể chưa gây ra triệu chứng gì. Trong trường hợp nếu người bệnh nhận thấy các dấu hiệu bất thường như: Tiểu buốt, tiểu ít, tiểu ngắt quãng, tiểu nhiều lần hoặc cơn đau ở bàng quang lan xuống phần đùi bẹn… bạn nên nhanh chóng đến chuyên khoa tiết niệu để được thăm khám.
Khi phát hiện mắc sỏi bàng quang người bệnh không nên chần chừ điều trị hoặc điều trị bằng các bài thuốc không chính thống sẽ dễ làm tình trạng sỏi thêm nặng, gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp điều trị ít xâm lấn.
Bệnh nhân có thể yên tâm khi được chỉ định điều trị bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng nhờ những ưu điểm và lợi ích của nó mang lại. Và để chắc chắn hơn về độ hiệu quả và an toàn người bệnh nên lựa chọn đơn vị thực hiện tán sỏi uy tín, đầy đủ trạng thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chất lượng và quy trình tán sỏi tiêu chuẩn.