Nội soi dạ dày (nội soi bao tử) được đánh là là thủ thuật an toàn và hiệu quả để chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh lý tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Để biết cụ thể các bệnh lý đó là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Bài viết cũng đồng thời cung cấp thông tin về các phương pháp nội soi, những điều cần lưu ý trước và sau khi thực hiện.
Menu xem nhanh:
1. Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là thủ thuật dùng để kiểm tra niêm mạc của phần trên của đường tiêu hóa. Bác sĩ dùng ống soi mềm có gắn camera và nguồn sáng để kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non).
2. Ý nghĩa của thủ thuật nội soi dạ dày
2.1. Chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa
Nội soi dạ dày – tá tràng thường được thực hiện để đánh giá các triệu chứng đau bụng trên dai dẳng, buồn nôn, nôn hoặc khó nuốt. Đây cũng là phương pháp tốt nhất để tìm ra nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa trên.
Nội soi đường tiêu hóa trên có độ chính xác cao hơn phim X-quang trong phát hiện viêm, loét hoặc khối u của thực quản, dạ dày và tá tràng.
2.2. Nội soi dạ dày phát hiện sớm ung thư
Phương pháp này còn có thể phát hiện sớm ung thư tiêu hóa. Hiệu quả sàng lọc được nâng cao nhờ công nghệ ánh sáng dải tần hẹp NBI 5P.
Đồng thời thông qua nội soi có thể phân biệt giữa tình trạng lành tính và ác tính (ung thư) khi lấy sinh thiết (mẫu mô nhỏ) của các tổn thương nghi ngờ. Sinh thiết có thể được thực hiện vì nhiều lý do và không nhất thiết là nghi ngờ ung thư.
2.3. Điều trị bệnh lý tiêu hóa
Nội soi bao tử cũng được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa trên. Nhiều loại dụng cụ có thể được đưa qua ống nội soi cho phép điều trị nhiều bệnh lý mà ít hoặc không gây khó chịu. Chẳng hạn như: nong thực quản, loại bỏ các polyp (thường là khối u lành tính) hoặc dị vật nuốt phải, hoặc điều trị xuất huyết đường tiêu hóa trên,…
Nội soi giúp cầm máu trong chảy máu đường tiêu hóa trên an toàn và hiệu quả. Từ đó phương pháp này làm giảm nhu cầu truyền máu và phẫu thuật ở nhiều bệnh nhân. Đặc biệt khi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, có thể điều trị khỏi hoàn toàn qua nội soi bằng phương pháp hiện đại như EMR, ESD.
3. Khi nào cần nội soi dạ dày?
Những trường hợp được khuyến cáo nội soi dạ dày bao gồm:
- Đau bụng không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vùng thượng vị.
- Ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Nuốt nghẹn, trào ngược thức ăn, buồn nôn sau ăn.
- Ăn uống đủ nhưng kém hấp thu.
- Nôn ra máu, thiếu máu, đại tiện phân đen.
- Đau ngực nhưng sức khỏe tim mạch bình thường.
- Người đang dùng thuốc chống viêm, giảm đau.
- Người đang theo dõi các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng.
- Người có nguy cơ mắc polyp có yếu tố gia đình.
- Người khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường nhưng muốn sàng lọc phát hiện sớm ung thư dạ dày – thực quản.
4. Những phương pháp nội soi dạ dày
4.1. Nội soi thông thường
Đối với phương pháp này, ống nội soi sẽ được đưa vào từ đường mũi hoặc qua miệng. Thủ thuật được thực hiện trong khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy đau và khó chịu. Đây cũng là thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người bệnh không dám thực hiện lại lần hai.
4.2. Nội soi dạ dày không đau
Để thực hiện nội soi không đau, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào theo đường miệng khi bệnh nhân đã ngủ an thần. Quá trình gây mê thường diễn ra nhanh chóng, thời gian gây mê ngắn nên người bệnh có thể tỉnh táo ngay sau khi kết thúc nội soi.
Những ưu điểm này sẽ giúp người bệnh có tâm lý rất nhẹ nhàng và thoải mái. Quá trình nội soi êm ái, người bệnh hoàn toàn không có cảm giác khó chịu.
Đặc biệt, Hệ thống Y tế Thu Cúc là một trong những cơ sở y tế tiên phong ứng dụng máy bơm tiêm điện tự động trong nội soi không đau. Thiết bị có thể tính toán lượng thuốc mê phù hợp với từng người bệnh dựa trên các chỉ số như: tuổi tác, chiều cao, cân nặng, giới tính,…
Bơm tiêm điện tự động duy trì nồng độ thuốc mê ổn định và đường truyền mê liên tục. Nhờ đó, người bệnh ngủ ngon trong suốt quá trình thực hiện. Khi quá trình nội soi kết thúc, người bệnh sẽ nhanh chóng tỉnh táo trở lại và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
5. Những lưu ý chuẩn bị trước nội soi dạ dày – tá tràng
Để thủ thuật được thực hiện tốt nhất (và an toàn nhất), dạ dày phải hoàn toàn trống rỗng. Bạn cần nhịn uống ít nhất 2 giờ và nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi.
Bên cạnh đó, bạn nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc, các bệnh lý hay các loại thuốc đang điều trị.
Ngoài ra bạn nên giữ tâm lý thoải mái và thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Điều này sẽ giúp quá trình nội soi đường tiêu hóa trên diễn ra thuận lợi và hạn chế những triệu chứng khó chịu.
6. Những lưu ý sau khi nội soi dạ dày – tá tràng
Trong trường hợp có gây mê, sau khi nội soi, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong khu vực nội soi cho đến khi hết tác dụng của thuốc. Cổ họng có thể hơi đau một chút và bệnh nhân có thể cảm thấy đầy hơi ngay sau khi nội soi do không khí đưa vào dạ dày để quan sát.
Người bệnh sau khi nội soi gây mê không được điều khiển phương tiện giao thông trong 24h và nên có người nhà đi theo.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về chế độ ăn tiếp theo sau khi nội soi. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ thông báo kết quả cho bệnh nhân sau khi nội soi. Tuy nhiên, kết quả sinh thiết sẽ mất vài ngày.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thủ thuật nội soi dạ dày. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có những hiểu biết về các bệnh lý có thể chẩn đoán và điều trị nhờ thủ thuật này. Đồng thời nắm được các phương pháp thực hiện, những lưu ý trước và sau khi tiến hành nội soi. Hãy thăm khám và nội soi tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Mặt khác ngay cả khi không có triệu chứng cảnh báo, bạn cũng nên nội soi định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe ống tiêu hóa.