Tán sỏi qua da là phương pháp mới trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu kích thước lớn với mức độ xâm lấn rất ít. Phương pháp này được đại đa số người bệnh tin tưởng vì hiệu quả cao, ít đau, gần như không có sẹo. Tuy nhiên, người bệnh cần đặc biệt lưu ý một số điều trước và sau khi tán sỏi qua da để cuộc tán sỏi diễn ra thuận lợi và an toàn.
Menu xem nhanh:
1. Lưu ý trước khi tán sỏi qua da
1.1. Thăm khám trước khi tán sỏi qua da
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám sàng lọc với bác sĩ gây mê. Một số xét nghiệm để xác định chức năng tim, phổi, thận hoạt động bình thường cần được thực hiện. Bệnh nhân cũng cần đảm bảo không bị tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu thông qua xét nghiệm nước tiểu.
1.2. Tạm ngừng sử dụng một số loại thuốc
Lưu ý ngừng hẳn một số loại thuốc hoặc các loại thực phẩm trước giờ phẫu thuật, cụ thể là:
– Ngưng uống các loại thuốc kháng viêm trong vòng 24h trước khi bắt đầu tiến hành tán sỏi. Ngưng sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc thảo dược, thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất từ 1 đến 2 tuần. Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng được cho là có thể làm rối loạn sự đông máu.
– Ngưng hút thuốc trước khi phẫu thuật (kể cả sau phẫu thuật cũng không được hút) vì điều này có thể gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn lồng ngực khi phẫu thuật, đồng thời vết thương sẽ lâu lành hơn nếu bệnh nhân hút thuốc.
– Cần thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân đang dùng các loại thuốc điều trị các loại bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ xác định nên dùng hay không và liệu thuốc đó có ảnh hưởng đến quá trình gây mê hay tán sỏi hay không.
– Trước phẫu thuật không được dùng kẹo cao su, không uống sữa hay nước trái cây trước lúc phẫu thuật 6h. Trong vòng 2 giờ trước phẫu thuật không uống tất cả các loại nước bao gồm nước lọc, trà hay cà phê…
– Không dùng các chất kích thích như rượu bia trong vòng 24h trước khi tiến hành tán sỏi.
2. Lưu ý chăm sóc sau tán sỏi qua da
2.1. Chăm sóc bệnh nhân sau tán sỏi qua da
Sau quá trình tán sỏi kéo dài từ 30 – 45 phút, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để tỉnh lại sau gây mê. Trong lúc ở phòng hồi sức, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, khó chịu quá mức thì báo ngay để xử lý. Khi tỉnh táo, bệnh nhân sẽ được đưa về phòng bệnh để theo dõi, nghỉ ngơi và hồi phục.
Tại phòng bệnh, những lưu ý sau là cực kỳ cần thiết:
– Đầu tiên, bệnh nhân nghỉ ngơi với tư thế thoải mái trên giường. Một lời khuyên nhỏ là bệnh nhân có thể chuyển động bàn chân và mắt cá chân để sự lưu thông máu ở chân được diễn ra dễ dàng. Bệnh nhân cũng cần duy trì việc hít thở nhẹ nhàng, đều đặn. Hít thở sâu vài lần sẽ giúp giảm nguy cơ đông máu ở chân cũng như ngăn ngừa các vấn đề xấu có thể xảy ra ở phổi.
– Bệnh nhân có thể ngồi dậy, ăn thức ăn nhẹ trong ngày thứ nhất sau tán sỏi. Ngày thứ hai bệnh nhân được bác sĩ trực tiếp kiểm tra tình trạng sót sỏi và rút ống dẫn lưu thận. Ở vị trí dẫn lưu sau khi rút ống có thể xuất hiện tình trạng nước tiểu bị rỉ ra, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì hiện tượng này sẽ chấm dứt sau 3 – 6 giờ nhờ băng ép. Nếu tình trạng kéo dài cần báo ngay cho điều dưỡng.
– Ở lại viện từ 3 – 5 ngày, nếu không có gì bất thường có thể xuất viện ngay sau đó.
2.2. Chăm sóc bệnh nhân tán sỏi qua da sau xuất viện
Sau xuất viện, có một số lưu ý như sau:
Chế độ ăn uống
– Bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, dễ tiêu hóa để ngăn ngừa tình trạng táo bón, làm ảnh hưởng đến vết thương. Khuyến khích ăn nhiều trái cây rau củ, thực phẩm nhiều chất xơ… Chế độ ăn sau tán sỏi là rất quan trọng nên người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để hiểu rõ nhất.
Chế độ vận động và sinh hoạt
– Không nên nâng kéo vật nặng trong thời gian chờ hồi phục
– Đi lại nhẹ nhàng và không nên nằm quá nhiều sau xuất viện
– Vết thương sau khi xuất viện nếu đã đóng vảy và lành thì có thể tháo băng. Sau khoảng 1 tuần, bệnh nhân có thể sinh hoạt như bình thường mà không cần kiêng cữ quá nhiều.
– Những vấn đề như sinh hoạt tình dục, lái xe… có thể thực hiện sau 2 tuần phẫu thuật miễn là cảm thấy sức khỏe ổn định.
Một số lưu ý khác
– Tình trạng nước tiểu hồng (tiểu máu) có thể kéo dài vài tuần, bệnh nhân nên uống nước thật nhiều để mau chóng chấm dứt hiện tượng này. Không nên dùng trà, cà phê hay rượu bia trong thời gian chờ hồi phục.
– Vùng phẫu thuật có thể bị đau nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau nên người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
– Tái khám sau 2 tuần – 1 tháng để đánh giá tình trạng sức khỏe, khẳng định không sót sỏi và được tư vấn chế độ hạn chế tái phát sỏi.
– Một số trường hợp sỏi thận xuất hiện do các nguyên nhân bệnh lý thì sau tán sỏi vẫn cần điều trị triệt để nguyên nhân.
3. Kết luận
Theo đó, tán sỏi qua da được đánh giá là phương pháp tối ưu trong điều trị sỏi tiết niệu kích thước lớn thay thế mổ mở truyền thống. Phương pháp này ít xâm lấn, ít đau, an toàn với người bệnh, nằm viện trung bình từ 2- 3 ngày. Người bệnh chỉ cần chú ý tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và các lưu ý kể trên là sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau tán.