Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu trẻ bú không đủ sữa
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bởi sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển sức khỏe và sức đề kháng của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ bú không đủ sữa mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, thông thường trẻ bú không đủ sữa mẹ sẽ có những biểu hiện sau đây
1.1 Trẻ quấy khóc khi ngừng bú
Trẻ quấy khóc khi bạn ngưng cho bú (bình thường con thường ngủ ngay sau khi bú no), liếm môi, thè lưỡi, hàm và miệng di chuyển liên tục để tìm bầu vú…
1.2 Bé tăng cân chậm là một trong những dấu hiệu bé bú không đủ sữa
Sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ bị sụt cân nhẹ, đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên sau đó bé sẽ đạt được trọng lượng như lúc mới sinh và bắt đầu tăng cân. Trong trường hợp trẻ bị ốm, bé có thể sụt cân một chút. Nhưng nếu bé sụt cân khi hoàn toàn khỏe mạnh hoặc sụt cân không nhiều, không tăng cân theo thời gian thì tức là bé bú không đủ sữa.
1.3 Trẻ ít phải thay tã cũng là một trong những dấu hiệu bé bú không đủ sữa
Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa thường khuyên rằng, mẹ nên để ý số tã bị ướt của bé hàng ngày để nhận biết trẻ bú không đủ sữa. Số lượng tã ướt: 1-2 ngày sinh đầu: 1 đến 2 tã/ngày; 2-6 ngày sinh: 5 đến 6 tã/ngày; sau 6 tuần tuổi: 6 đến 8 tã/ngày.
Nếu ít hơn lượng tã trên thì rất có thể bé nhà bạn bú không đủ sữa. Ngoài ra nước tiểu của bé nhợt nhạt hoặc ít, có thể do cơ thể trẻ chưa được hấp thu đủ lượng chất lỏng cần thiết.
1.4 Thời gian bú quá dài hoặc quá ngắn
Thời gian bú của mỗi trẻ, mỗi ngày là khác nhau, tuy nhiên thời gian bú trung bình của một trẻ là từ 10 đến 20 phút. Nếu trẻ bú quá nhanh hoặc quá lâu thì rất có thể bé bú không đủ sữa mẹ.
1.5 Sữa mẹ ít
Sữa tiết ra không tăng sau nhiều ngày: Lúc mới sinh, cơ thể người mẹ chưa tiết ra nhiều sữa, đầu vú mới chỉ tiết ra một ít sữa, có màu vàng đục. Sau 3-4 ngày nữa, sữa mẹ sẽ nhiều hơn và trắng đục. Nếu mẹ thấy sữa không tăng lên sau nhiều ngày, tức là mẹ không đủ sữa cho con.
2. Mẹo giúp bé bú đủ sữa hơn
Các thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ rất cần thiết cho sự phát triển sức khỏe và sức đề kháng của trẻ. Vì vậy, để giúp con có thể bú đủ sữa, các mẹ cần lưu ý một số điều sau:
2.1 Lưu ý chế độ bú của bé
Chọn tư thế đúng khi cho con bú và giúp bé bắt núm vú đúng cách, để bé tự quyết định khi nào kết thúc cữ bú. Mẹ có thể vắt sữa ra bình cho con bú để biết con uống lượng sữa như thế nào.
Cho bé bú thường xuyên, đừng chờ cho tới khi bé khóc mới cho bú, cho bé bú khoảng 2-3 giờ/lần. Nếu bé ngủ quá nhiều, hãy đánh thức và gọi bé dậy bú.
Cho bé bú cả 2 bên bầu ngực đồng thời luôn chú ý khi bé đang bú sữa. Mát xa bầu ngực đều đặn để tăng lượng sữa hơn. Hạn chế sử dụng núm vú giả, bé sẽ cảm giác ảo như bé đang bú sữa và sau đó chẳng buồn bú sữa nữa.
Tránh cho bé dùng sữa công thức hay bột ăn dặm quá sớm vì điều này có thể khiến bé chán sữa mẹ và dẫn đến giảm nguồn sữa mẹ.
2.2 Mẹ cần có chế độ ăn uống khoa học
Mẹ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn những thức ăn lành mạnh, uống đủ nước mỗi ngày để tăng lượng sữa cho con bú.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các mẹ, nhất là những mẹ mới sinh con lần đầu sẽ không còn lo lắng về việc con có bú đủ sữa hay không nữa.