Dự phòng tai biến mạch máu não khi chưa bị và dự phòng sự tái phát của căn bệnh này là việc làm vô cùng quan trọng. Giúp cho người bệnh thoát khỏi “cửa tử”, hạn chế tối đa những biến chứng nặng nề do căn bệnh nguy hiểm này gây ra. Vậy có những biện pháp dự phòng nào, mới bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các biện pháp dự phòng tai biến mạch máu não được khuyến cáo
1.1 Kiểm soát các yếu tố nguy cơ dự phòng tai biến mạch máu não
Người mắc các vấn đề, bệnh lý nền như rối loạn lipid máu, cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch,.. cần phải được kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe này.
Rối loạn lipid máu
Hiện nay tỷ lệ người trẻ bị rối loạn lipid máu (mỡ máu) ngày càng nhiều do thói quen ăn, uống, lười vận động. Khi tình trạng rối loạn lipid máu kéo dài không được điều trị sẽ dễ hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, làm tắc nghẽn dòng máu và dễ hình thành cục máu đông (huyết khối) gây đột quỵ não.
Nếu được chẩn đoán rối loạn lipid máu, bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Thường là điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống để làm giảm cholesterol. Các bác sĩ khuyến cáo, những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.
Tiền tiểu đường và tiểu đường
Chỉ số đường huyết có mối liên quan đến nguy cơ đột quỵ (đường huyết trong máu càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn). Với người được chẩn đoán ở giai đoạn tiền tiểu đường cần hạn chế ngay việc tiêu thụ đường, tinh bột, thói quen sống để đường huyết về ổn định. Những người được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường vẫn cần tuân thủ phác đồ điều trị và lối sống khoa học để ổn định đường huyết, tránh để đường huyết tăng cao gây hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.
Huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Với những người bị huyết áp cao cần tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc huyết áp (đều đặn và đúng cách), ăn nhạt, tránh hoạt động lâu dưới trời nắng nóng, tránh stress căng thẳng quá mức. Mục tiêu điều trị sao cho chỉ số huyết áp dưới 140/90mmHg .
Bệnh lý về tim
Cần phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các vấn đề, bệnh lý ở tim như rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), các tổn thương van tim, cơ tim đặc biệt là nhồi máu cơ tim.
1.2 Thay đổi lối sống dự phòng tai biến mạch máu não
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Thiếu chất hay thừa chất đều không tốt. Người bệnh cần bổ sung đủ chất, có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất. Hạn chế ăn những đồ ăn nhiều chất béo, kiểm soát tốt cân nặng, ngăn tình trạng dư cân béo phì. Chỉ nên ăn vừa đủ muối và kali (ăn mặn không chỉ hại thận mà còn làm tăng huyết áp). Có thể bổ sung thêm kali từ hoa quả và rau tươi. Nên từ bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh lý tim mạch.
Tập thể dục thường xuyên
Bạn nên lựa chọn các bài tập vừa sức và tập luyện mỗi ngày, ít nhất là 30 phút. Việc tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, giảm béo phì, duy trì chỉ số huyết áp ổn định, hạn chế xơ vữa động mạch.
Ngủ đủ giấc
Mỗi ngày nên ngủ khoảng 7-8 tiếng. Mỗi ngày bạn nên đi ngủ và thức vào khung giờ cố định kể cả những ngày cuối tuần. Nên ngủ sớm, dậy sớm. Không nên thức khuya ngủ muộn.
1.3 Phòng ngừa nguy cơ đông máu bằng thuốc
Với những người có nguy cơ đông máu thì việc sử dụng các loại thuốc chống đông và thuốc chống tập kết tiểu cầu là rất quan trọng, giúp ngăn chặn huyết khối tiến triển và tái phát (ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông và dự phòng tai biến mạch máu não tái phát).
Những người từng bị nhồi máu não, thiếu máu não thoáng qua (TIA), người bị rối loạn đông máu (tình trạng tăng đông), rung nhĩ là những đối tượng được cân nhắc sử dụng thuốc chống đông và thuốc chống tập kết tiểu cầu để dự phòng bệnh tai biến mạch máu não tái phát.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp kháng vitamin K bằng thuốc kháng vitamin K, đặc biệt ở bệnh nhân bị rung nhĩ.
2. Có nên sử dụng kháng sinh để dự phòng tai biến mạch máu não không?
Hiện nay, việc sử dụng thuốc kháng sinh để dự phòng bệnh tai biến mạch máu não còn gây nhiều bàn cãi với những quan điểm khác nhau.
Một số tác giả nhận thấy rằng việc sử dụng kháng sinh sớm có thể giảm được sốt, cải thiện được một số triệu chứng của tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, một số tác giả khác lại kết luận rằng không có sự khác nhau giữa việc sử dụng kháng sinh và không sử dụng kháng sinh dự phòng bệnh tai biến mạch máu não và hiện nay nhiều người đang lạm dụng chỉ định kháng sinh không cần thiết và chưa có bằng chứng của kháng sinh đồ.
Và câu trả lời cho việc có nên sử dụng thuốc kháng sinh để dự phòng bệnh tai biến mạch máu não hay không đó là: Kháng sinh rất cần thiết trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn. Tuy nhiên việc dùng kháng sinh một cách tùy tiện không có cơ sở, không đúng mục đích đã không mang đến lợi ích nào cho bệnh nhân, trước mắt là phung phí tiền của, về lâu dài sẽ tạo sự đề kháng với kháng sinh của vi khuẩn. Đặc biệt trong bệnh tai biến mạch máu não nếu không có bằng chứng nhiễm trùng thì việc dùng kháng sinh dự phòng có lẽ không mang lại lợi ích.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng kháng sinh phòng ngừa trong tai biến mạch máu não. Nếu muốn sử dụng thuốc kháng sinh, trước hết các bác sĩ cần đưa ra được bằng chứng lâm sàng về nhiễm trùng và tốt nhất là nên có kết quả vi sinh, để tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh khi không thực sự cần thiết.