Vôi hóa cột sống là một trong những bệnh lý thuộc nhóm thoái hóa cột sống. Vậy nguyên nhân vôi hóa cột sống do đâu? Có nguy hiểm không? Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có biện pháp cải thiện sớm.
Menu xem nhanh:
1. Vôi hóa cột sống là gì?
Vôi hóa cột sống hình thành do canxi lắng đọng trên dây chằng làm hình thành các gai đốt sống và gây ra tình trạng thoái hóa cột sống. Tình trạng vôi hóa có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống, trong đó đốt sống cổ và đốt sống lưng là hai nơi dễ bị vôi hóa nhất.
Trước đây, bệnh lý này thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, ngày nay giới trẻ ngày càng có nguy cơ mắc bệnh cao do ngồi sai tư thế, ít vận động hoặc những thói quen xấu trong sinh hoạt. Tình trạng vôi hóa có tỷ lệ mắc cao hơn ở nam giới do đối tượng này thường phải làm việc nặng hơn và ít quan tâm đến sức khỏe.
2. Nguyên nhân vôi hóa cột sống là gì?
Tình trạng vôi hóa cột sống chủ yếu do 3 nhóm nguyên nhân sau đây gây ra:
2.1 Lão hóa là nguyên nhân vôi hóa cột sống không thể thay đổi
Càng lớn tuổi các khớp xương càng dễ bị thoái hóa dẫn đến nguy cơ vôi hóa càng cao. Khi có tuổi, hệ thống sụn khớp dần mất đi tính đàn hồi và cơ thể dần mất đi khả năng tái tạo, gây ra tình trạng vôi hóa.
Ngoài ra, tuổi cao có thể dẫn đến cơ thể hấp thụ kém hơn, vận động ít hơn, rối loạn chuyển hóa canxi,… Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình thoái hóa của xương khớp.
2.2 Chấn thương gây vôi hóa cột sống
Các chấn thương có thể để lại hậu quả là cột sống bị biến dạng. Đây là một yếu tố nguy cơ dẫn đến vôi hóa. Khi xảy ra các chấn thương, cơ thể sẽ có phản xạ tự nhiên tích tụ canxi để bảo vệ xương, dần dần sẽ gây ra tình trạng vôi hóa.
2.3 Nguyên nhân vôi hóa cột sống do thói quen xấu trong sinh hoạt
– Ngồi sai tư thế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vôi hóa cột sống ở người trẻ. Thường xuyên ngồi một chỗ làm việc, tập thể dục không đúng tư thế,… sẽ ảnh hưởng xấu đến cột sống, dẫn đến viêm khớp, tạo điều kiện để canxi lắng đọng.
– Lười vận động cũng là một thói quen xấu ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu để nuôi xương khớp. Khi đó, tế bào xương không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, dần dần sinh ra vôi hóa.
– Thừa cân, béo phì khiến cột sống luôn phải chịu áp lực lớn và dẫn đến cột sống bị thoái hóa
– Ăn uống không khoa học, ăn quá nhiều chất béo dẫn đến dư thừa canxi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng vôi hóa
3. Dấu hiệu vôi hóa cột sống
Người bị vôi hóa cột sống thường có các biểu hiện sau:
– Đau: Các cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng cổ và vùng thắt lưng. Các cơn đau dữ dội sẽ thường xuyên xuất hiện, cùng với đó là tình trạng cứng các khớp bả vai, cổ, hông, đùi,…
– Tê bì, mất cảm giác: Các gai xương chèn ép dây thần kinh gây ra tình trạng tê liệt, khó kiểm soát tay và chân
– Yếu cơ: Tình trạng này xảy ra khi các rễ thần kinh bị chèn ép nặng, khiến cho người bệnh bị mất cảm giác hoặc đại tiểu tiện không tự chủ. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến biến dạng cột sống, gù vẹo.
Một vài triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu, giảm trí nhớ,… có thể xảy ra khi mạch máu, các rễ thần kinh bị chèn ép.
4. Bị vôi hóa cột sống có nguy hiểm không?
Vôi hóa cột sống nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng sau:
– Vẹo cột sống, gù lưng: Vôi hóa khiến các khớp xương bị biến dạng, đốt sống bị xẹp, thoát vị đĩa đệm,… Người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ gù lưng, bị vẹo cột sống.
– Thoát vị đĩa đệm: Đây là biến chứng phổ biến nhất của vôi hóa cột sống. Khi đó, đĩa đệm giữa hai đốt sống bị bào mòn và gây ra thoát vị đĩa đệm.
– Hẹp tủy sống: Khi các gai xương phát triển sẽ khiến không gian trong tủy sống bị thu hẹp. Lúc này, cấu trúc cột sống bị thay đổi khiến người bệnh bị đau nhức vùng bả vai hoặc cánh tay.
– Chèn ép rễ thần kinh: Các gai xương phát triển chèn lên các dây thần kinh làm gián đoạn quá trình truyền tin, có thể khiến người bệnh bị liệt chi.
– Rối loạn tiền đình: Các dây thần kinh bị chèn ép sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, gây ra rối loạn tiền đình. Một số triệu chứng thường gặp phải là buồn nôn, chóng mặt, giảm trí nhớ.
5. Chẩn đoán và điều trị vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu nên bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện trước khi bệnh tiến triển nặng hơn và gây biến chứng.
5.1 Chẩn đoán vôi hóa cột sống
Khi đến thăm khám tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh và các triệu chứng của bệnh nhân để đánh giá sơ bộ. Sau đó chỉ định các phương pháp cận lâm sàng để có chẩn đoán chính xác nhất, bao gồm:
– Chụp X-quang: Nhằm phát hiện những tổn thương ở phần cột sống.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xác định được mức độ vôi hóa và các biến chứng của bệnh lý.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này xác định được tổn thương của cột sống.
5.2 Điều trị vôi hóa cột sống
Hiện nay có 3 phương pháp phổ biến nhất để điều trị vôi hóa cột sống:
– Điều trị không dùng thuốc: Phương pháp này áp dụng đối với người bệnh có tình trạng chưa nghiêm trọng, bao gồm thay đổi lối sống, vật lý trị liệu… Các biện pháp vật lý trị liệu thường được dùng là các bài tập giãn cơ, sử dụng tia hồng ngoại hoặc các máy xung điện để tác động.
– Điều trị dùng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ. Đây là các loại thuốc giúp giảm các triệu chứng đau, hạn chế các cơn co thắt và biến chứng. Tùy vào mức độ bệnh, cơ địa của từng người, bác sĩ sẽ đưa toa thuốc phù hợp nhất.
– Phẫu thuật: Phương pháp được sử dụng khi bệnh đã tiến triển nặng và các biện pháp khác không có hiệu quả. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ gai xương ở đốt sống, giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép.
Tình trạng vôi hóa cột sống không phải là bệnh lý ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm nguyên nhân vôi hóa cột sống sẽ giúp người bệnh chủ động trong điều trị, hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.