Viêm thanh quản cấp là bệnh rất thường gặp và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản, thường chỉ kéo dài dưới 3 tuần với các triệu chứng đặc trưng. Bệnh ở trẻ em và người lớn có những đặc trưng khác nhau. Dưới đây là một số thông tin về bệnh viêm thanh quản cấp ở người lớn mà bạn cần biết. Nắm được các kiến thức cơ bản về bệnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nhận biết cũng như điều trị bệnh được triệt để.
Menu xem nhanh:
1. Viêm thanh quản là bệnh gì?
Thanh quản là bộ phận nằm trước cổ, ngang đốt sống cổ từ C1 đến C6. Bộ phận này có dạng ống với giới hạn trên là sụn giáp, giới hạn dưới là bờ dưới của sụn nhẫn. Đây là nơi giao thoa giữa họng dưới và khí quản. Thanh quản có chức năng hô hấp, phát âm và bảo vệ đường hô hấp dưới. Vì một số nguyên nhân như khói bụi, virus, phần niêm mạc mỏng của thanh quản sẽ gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Viêm thanh quản cấp có các biểu hiện lâm sàng khác nhau theo độ tuổi nên được chia ra:
– Viêm thanh quản cấp trẻ em
– Viêm thanh quản cấp người lớn
Khi thanh quản bị viêm, dây thanh sẽ rơi vào trạng thái bị kích thích. Dây thanh bị sưng sẽ khiến biến dạng âm thanh khi không khí đi qua, khiến giọng nói bị thay đổi, suy yếu. Tuy thường gặp ở trẻ em hơn nhưng bệnh viêm thanh quản cấp tính người lớn cũng cần được chú ý bởi những biểu hiện và ảnh hưởng của nó đem lại là không hề nhỏ.
2. Mức độ nguy hiểm của bệnh
Bệnh gây nên những biến chứng nặng nề với trẻ em, với người lớn, do có khả năng phục hồi tốt nên các biến chứng thường không quá nguy hiểm nhưng cũng không nên bỏ qua:
– Xuất huyết niêm mạc thanh quản
– Phù nề xuất hiện sau xuất tiết, khiến bệnh nhân khó nuốt, khó thở, tiếng nói ít thay đổi
– Có các vết loét nông, bờ đỏ
– Biểu hiện viêm tấy gây sốt, khó nuốt, đau họng, nhói tai, khàn tiếng hoặc mất giọng, ấn vào thanh quản thấy đau, lâu ngày hình thành sẹo hẹp thanh quản
– Màng sụn bị viêm và bắt đầu hoại tử, các tổ chức liên kết lỏng lẻo, sưng tấy, có mủ, thanh quản sưng to, khiến bệnh nhân khó nuốt, khó thở
– Nhiệt độ toàn thân tăng cao, mạch nhanh, thở nông, huyết áp hạ, tồi tệ hơn có thể khiến trụy tim mạch
Các biến chứng trở nên trầm trọng hơn khi đã có dấu hiệu bệnh mà không có biện pháp điều trị, tiếp tục tiếp xúc với các tác nhân xấu như khói thuốc, bụi, lông động vật, uống nước đá lạnh,…
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản cấp ở người lớn
Bệnh viêm thanh quản cấp thường xảy đến do các nguyên nhân như:
– Tương tự như cảm lạnh, bệnh viêm thanh quản có thể là do virus Influenza (Flu)
– Vi khuẩn là nguyên nhân hiếm gặp, thường là vi khuẩn phế cầu, bạch hầu,…
– Gia tăng nguy cơ sau khi mắc một số bệnh hô hấp như: viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA,…
– Tác nhân rượu bia và nước đá lạnh, đồ uống lạnh
– La hét, hát quá to, nói nhiều thường xuyên
Ngoài ra, cần chú ý đến các nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm thanh quản mạn tính để phòng tránh, không để bệnh dai dẳng và khó điều trị hơn:
– Thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại hoặc các chất gây dị ứng
– Bị trào ngược axit dạ dày
– Viêm mũi xoang mạn tính
– Khói thuốc
– Tiếp tục lạm dụng giọng nói, khiến thanh quản ngày càng yếu
– Lạm dụng thuốc hít điều trị hen suyễn gây nên bội nhiễm nấm
4. Triệu chứng cảnh báo bệnh
Bệnh cấp tính thường xuất hiện trong thời gian ngắn với các triệu chứng đặc trưng như:
– Sốt, ớn lạnh với mức độ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
– Khàn tiếng, hụt hơi
– Đau họng, lấy cộm như có dị vật trong cổ họng
– Có các cơn ho khan, ho rất khó chịu, thường xuyên hắng giọng
– Nuốt rát
– Có thể có các triệu chứng của sốt siêu vi
Qua thăm khám, có thể phát hiện các triệu chứng thực thể như:
– Niêm mạc họng, thanh quản sưng đỏ, phù nề
– Amidan có dấu hiệu sưng đỏ
– Dây thanh xung huyết, phù nề, có tiết nhầy
Khi thấy bất cứ triệu chứng nào cũng nên gặp bác sĩ để xin ý kiến điều trị thay vì tự mua thuốc điều trị tại nhà. Bởi bệnh có thể khởi phát do virus mà virus không cho đáp ứng với kháng sinh điều trị. Việc tự ý điều trị có thể khiến cho bệnh trầm trọng hơn, kéo dài viêm nhiễm dẫn đến viêm mạn tính.
5. Điều trị triệt để bệnh
Viêm thanh quản cấp tính là vấn đề sức khỏe mang tính tạm thời, khi xác định được căn nguyên và điều trị kịp thời thì sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe toàn thân. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm thanh quản được chia làm 2 trường hợp:
– Với trường hợp không có triệu chứng khó thở cần kiêng nói, kiêng lạnh, giữ ấm. Sử dụng các loại kháng sinh, kháng viêm, tiêu đờm, giảm ho theo đơn của bác sĩ. Cần điều trị tại chỗ bằng thuốc giảm viêm nhóm corticoid. Bệnh nhân cũng cần chú ý ăn uống, tập luyện nâng cao đề kháng.
– Với trường hợp có khó thở, có thể chia làm 3 cấp độ: điều trị nội khoa, cấp cứu, mở khí quản kết hợp hồi sức tích cực
Ngoài sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm viêm, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tại chỗ bằng các phương pháp:
– Khí dung
– Bơm thuốc thanh quản
– Súc họng bằng các dung dịch
Bên cạnh đó, cần kết hợp các loại: hạ sốt, giảm đau, bổ sung yếu tố vi lượng, khoáng chất, dinh dưỡng cho cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh, hãy chú ý giữ ấm, khô cơ thể và cổ họng mỗi khi mưa, trời trở lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Bên cạnh đó, cần có biện pháp bảo vệ thanh quản khỏi các tác nhân như khói bụi, thuốc lá và vệ sinh mũi họng mỗi khi trở về nhà. Ngay khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đến gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị chính xác và triệt để, không để bệnh chuyển biến thành mạn tính. Khoa Tai Mũi Họng Thu Cúc TCI chính là địa chỉ tin cậy mà bạn có thể lựa chọn để thăm khám cũng như điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến cùng với đội ngũ điều dưỡng tận tâm, chu đáo, chắc chắn sẽ khiến cho quá trình thăm khám và điều trị của bạn nhẹ nhàng, thoải mái nhất.