Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm dây thần kinh số 8

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tình trạng viêm dây thần kinh số 8 (dây thần kinh tiền đình) thường gây ra những triệu chứng rõ rệt ngay từ đầu. Bệnh có thể tự phục hồi nhưng cũng có thể gây chóng mặt mạn tính. Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân gây viêm dây thần kinh số 8 và cách khắc phục trong bài viết sau đây.

1. Tìm hiểu chung về dây thần kinh số 8 

Dây thần kinh số 8 là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ não, còn có tên gọi khác là dây thần kinh tiền đình. Chúng nằm ở góc cầu tiểu não, chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động của các giác quan thính giác và sự cân bằng của cơ thể.

Khi dây thần kinh số 8 bị viêm, các thông tin dẫn truyền về não bị sai lệch, khiến các chức năng này không được duy trì, gây ra các triệu chứng bất ổn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng hiếm gặp ở trẻ em.

2. Các triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh số 8

Các triệu chứng thường gặp của viêm dây thần kinh tiền đình bao gồm:

– Đột nhiên chóng mặt

– Loạng choạng, mất thăng bằng

– Buồn nôn và nôn

– Hạn chế tầm nhìn

– Giảm tập trung

– Ù tai, mất thính giác

Các triệu chứng này thường xuất hiện một cách nhanh chóng và rõ rệt ngay từ đầu, kéo dài trong một vài ngày và khiến bạn vô cùng khó khăn để thực hiện các hoạt động, ngay cả các sinh hoạt đơn giản thường ngày. Sau đó, các triệu chứng có thể giảm dần trong vài tuần và biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu dây thần kinh tiền đình đã bị tổn thương, bạn có thể gặp tình trạng chóng mặt mạn tính.

Các triệu chứng viêm dây thần kinh số 8

Người bệnh bị viêm dây thần kinh tiền đình (dây thần kinh số 8) có thể bị hoa mắt, chóng mặt, giảm khả năng giữ thăng bằng.

3. Nguyên nhân khiến dây thần kinh tiền đình bị viêm

– Nhiễm virus: Hầu hết các trường hợp dây thần kinh tiền đình bị viêm là do nhiễm virus. Virus có thể gây bệnh toàn thân hoặc chỉ gây viêm ở tai trong. Phổ biến là virus Herpes, gây ra vết lở loét, bệnh zona, thủy đậu, vius sởi, virus cúm, quai bị, viêm gan và bại liệt. 

– Nhiễm vi khuẩn: Viêm dây thần kinh tiền đình cũng có thể xảy ra do nhiễm khuẩn, điển hình là nhiễm trùng tai giữa, viêm màng não. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào tai trong nếu do chấn thương ở đầu.

4. Bệnh viêm dây thần kinh tiền đình được chẩn đoán như thế nào?

Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp để xét nghiệm thính giác, xét nghiệm tiền đình và xét nghiệm xác định mức độ tổn thương của dây thần kinh tiền đình. Cụ thể:

– Kiểm tra rung giật nhãn cầu: Đây là một thử nghiệm phổ biến dùng để kiểm tra mức độ duy trì sự tập trung vào một vật thể nhất định của người bệnh khi bác sĩ xoay đầu họ rất nhanh. Nếu có hiện tượng giật nhãn cầu (Nystagmus) xảy ra thì bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm dây thần kinh số 8.

– Chụp MRI: Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài sau vài tuần hoặc trở nên tồi tệ hơn, bác sĩ có thể cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm khác để phân biệt với các nguyên nhân khác như đột quỵ, chấn thương đầu, u não và đau nửa đầu. Để loại trừ một số rối loạn của não, bệnh nhân có thể cần chụp MRI có thuốc cản quang.

Chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình như thế nào?

Thăm khám với chuyên gia Nội thần kinh giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý ở dây thần kinh số 8, từ đó có cách điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.

5. Các phương pháp điều trị

Mục tiêu của việc điều trị viêm dây thần kinh tiền đình là điều trị nhằm kiểm soát các triệu chứng và điều trị nguyên nhân.

5.1 Điều trị kiểm soát triệu chứng viêm dây thần kinh số 8

Khi tình trạng viêm tiến triển, gây ra nhiều hơn hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng thì trọng tâm của việc điều trị là làm giảm triệu chứng bằng các loại thuốc như:

– Thuốc giảm buồn nôn: Thường dùng nhất là ondansetron (Zofran) và metoclopramide (Reglan). Nếu bệnh nhân buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng và không thể kiểm soát được bằng đường uống, bạn có thể cần truyền dịch tĩnh mạch điều trị mất nước.

– Thuốc giảm chóng mặt: Có thể kể đến các loại thuốc như meclizine (Antivert), diazepam (Valium), compazine và lorazepam (Ativan). 

– Thuốc ức chế tiền đình: Chúng không được khuyến khích sử dụng lâu dài, chỉ nên sử dụng trong vòng ba ngày vì có thể làm cho việc phục hồi trở nên khó khăn hơn.

– Thuốc chống viêm: Thường dùng nhất là corticosteroid, có khả năng chống viêm mạnh đặc biệt, thường dùng trong giai đoạn đầu. Có thể sử dụng kèm với các loại thuốc khác để giảm buồn nôn và chóng mặt.  

5.2 Điều trị nguyên nhân

Nếu virus Herpes được cho là nguyên nhân của viêm dây thần kinh tiền đình thì có thể sử dụng thuốc kháng vius như acyclovir. 

Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, các bác sĩ sẽ kê những loại thuốc phù hợp. Người bệnh hãy tuân thủ đơn thuốc để đạt hiệu quả điều trị và tránh những tác dụng phụ không mong muốn. 

Nếu các triệu chứng của bạn không được cải thiện sau vài tuần, bạn có thể được chỉ định điều trị phục hồi chức năng tiền đình,  giúp bộ não thích ứng lại với những thay đổi trong sự cân bằng. Các chương trình phục hồi cân bằng, chẳng hạn như các bài tập Brandt-Darof giúp não học cách điều chỉnh các chuyển động gây chóng mặt và mất cân bằng. 

Các bài tập sẽ được cung cấp và hướng dẫn bởi các nhà vật lý trị liệu. Một số bài tập có thể được thực hiện tại nhà thì cần chú ý các mẹo an toàn để ngăn ngừa té ngã.

Điều trị dây thần kinh số 8 bị viêm

Có nhiều cách điều trị viêm dây thần kinh số VIII tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây viêm. Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu.

Một số thông tin về bệnh viêm dây thần kinh số 8 mà bài viết cung cấp hi vọng đã giúp bạn có thể nhận diện căn bệnh này. Khi có các dấu hiệu của bệnh, hãy thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital