Nhồi máu não chiếm đến 80 – 85% các trường hợp đột quỵ hiện nay. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách dự phòng nhồi máu não qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não
Nhồi máu não là một dạng của đột quỵ não rất phổ biến, chiếm 80 – 85% ca bệnh. Đặc trưng của dạng đột quỵ này là tình trạng mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn đột ngột, một phần hoặc toàn bộ, khiến các tế bào não bị tổn thương và hoại tử. Trong khi đột quỵ xảy ra, có khoảng 2 triệu tế bào bị tổn thương và chết đi sau mỗi phút, khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cận kề và những di chứng nặng nề dù có may mắn được cứu sống
1.1 Nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não
Đột quỵ nhồi máu não thường xảy ra do sự cộng hưởng của 2 yếu tố huyết khối và tắc hẹp mạch máu. Cụ thể, các tổn thương mạch máu não như xơ vữa, viêm mạch… là tác nhân khiến các huyết khối tích tụ tại chỗ tăng dần, gây tắc mạch máu não. Trong khi đó, các huyết khối được hình thành từ tim, động mạch cảnh, các tổ chức phần mềm dập nát có thể di chuyển theo mạch máu não lên đến đoạn mạch có tiết diện nhỏ không đi qua được sẽ gây tắc mạch đột ngột.
Trong các yếu tố gây nhồi máu não, xơ vữa mạch máu lớn chiếm 50%. Các vấn đề từ tim như bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim… tạo huyết khối đi đến não chiếm 20%.
Tình trạng tắc các mạch máu nhỏ trong não cũng là nguyên nhân gây đột quỵ, chiếm khoảng 25% các trường hợp, thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.
Bệnh lý động mạch không liên quan đến xơ vữa chiếm tỷ lệ < 5%, bệnh về máu (bệnh lý đông máu, bệnh tế bào máu…) chiếm <5% các trường hợp đột quỵ.
1.2 Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não
Yếu tố nguy cơ không thay đổi được gồm:
– Tuổi tác
– Giới tính
– Di truyền
Yếu tố nguy cơ thay đổi được gồm:
– Các bệnh lý: tim mạch (xơ vữa mạch, tiền sử huyết khối, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc), các bệnh về não (u não, áp xe não, viêm não màng não, hẹp mạch não…), rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu, đái tháo đường, xơ gan, suy thận, viêm mạch trong bệnh tự miễn, ung thư,…
– Các thói quen xấu: hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thức khuya,…
– Thừa cân, béo phì
– Căng thẳng, stress kéo dài
2. Dự phòng nhồi máu não bằng cách nào?
Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi là rất quan trọng đối với việc dự phòng đột quỵ não.
2.1 Dự phòng nhồi máu não bằng cách thay đổi lối sống
Các thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra nhiều bệnh tật và dẫn đến đột quỵ não. Thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân, từ bỏ các thói quen xấu và tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia khuyên mỗi người cần thực hiện chế độ ăn ít muối, giàu kali, hạn chế rượu bia để giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, phòng tránh đột quỵ.
Các nghiên cứu cho thấy tăng cường và duy trì đều đặn các hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường, giảm 25 – 30% nguy cơ đột quỵ. Bộ Y tế khuyến cáo người bình thường nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần ở mức cường độ vừa hoặc 75 phút mỗi tuần nếu hoạt động thể chất cường độ mạnh.
Những người thừa cân béo phì nên giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn uống và tập luyện để giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá cũng rất quan trọng nếu như không muốn đột quỵ xảy ra.
2.2 Dự phòng nhồi máu não bằng cách điều trị các bệnh lý
Điều trị tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ nhồi máu não, tuy nhiên có thể cải thiện bằng các biện pháp sau:
– Thay đổi lối sống: Duy trì ăn nhạt, tăng cường rau xanh, hạn chế chất kích thích.
– Thay đổi hành vi sử dụng thuốc: Một phân tích tổng hợp của 23 thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy nguy cơ đột quỵ giảm 32% khi điều trị bằng thuốc. Vì vậy, khi bị tăng huyết áp, người bệnh cần tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ để duy trì mức huyết áp ổn định. Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường hoặc bệnh thận, mục tiêu huyết áp là <130/80 mmHg.
Điều trị bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và thực hiện uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt đường máu.
Thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường là các thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB)…
Kiểm soát tình trạng mỡ máu
Các nghiên cứu cho thấy cứ giảm 1 mmol/l nồng độ cholesterol-LDL, nguy cơ đột quỵ giảm khoảng 21%.
Các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân mỡ máu điều trị bằng liệu pháp statin và thay đổi lối sống để kiểm soát mỡ máu để dự phòng nhồi máu não.
Điều trị rung nhĩ và các bệnh lý tim mạch khác
Theo nghiên cứu, tình trạng thuyên tắc mạch do rung nhĩ (AF) chiếm khoảng 10% tổng số đột quỵ nhồi máu não ở Hoa Kỳ. Rung nhĩ làm tăng 4-5 lần nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tình trạng này thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi.
Nếu được chẩn đoán rung nhĩ, người bệnh cần điều trị bằng thuốc chống đông theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, khi gặp phải các tình trạng tim mạch khác như rối loạn nhịp tim, u tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim giãn, bệnh động mạch vành, viêm nội tâm mạc và dị tật tim bẩm sinh,… người bệnh cũng nên điều trị sớm theo đơn thuốc của bác sĩ để giảm nguy cơ huyết khối và dự phòng nhồi máu não.
Điều trị các vấn đề liên quan đến động mạch cảnh
Hẹp do xơ vữa động mạch cảnh trong đoạn ngoài sọ hoặc phình động mạch cảnh có liên quan mật thiết đến đột quỵ, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tùy mức độ hẹp động mạch và tình trạng sức khỏe thực tế mà bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị bằng thuốc hay can thiệp.
Để phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý kể trên, bạn nên thực hiện tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong số ít các cơ sở triển khai Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ với các danh mục khám đầy đủ và chi tiết, giúp người dân dự phòng đột quỵ nhồi máu não nói riêng và đột quỵ nói chung một cách hiệu quả. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ đặt lịch.