Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh sốt viêm họng vì sức đề kháng của các bé còn rất yếu. Đáng chú ý là nếu không được điều trị đúng cách thì có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nên bố mẹ phải nắm rõ những kiến thức liên quan tới tình trạng trẻ bị sốt viêm họng để bảo vệ sức khỏe con yêu tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt viêm họng
Sốt viêm họng liên tục có thể là dấu hiệu của căn bệnh sốt siêu vi hoặc nhiễm trùng và cần phải điều trị sớm. Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ nhỏ bị sốt viêm họng bố mẹ cần phải lưu ý là:
1.1. Do cảm cúm
Bệnh cảm cúm thông thường sẽ khiến trẻ nhỏ bị hắt hơi, ho và sổ mũi,… Bên cạnh đó, dấu hiệu dễ nhận thấy ở trẻ lúc này là tình trạng sốt và viêm họng.
1.2. Do virus
Virus là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm họng ở các bé. Triệu chứng thường gặp do virus gây ra là trẻ sẽ đau họng đi kèm với tình trạng sốt.
1.3. Do liên cầu khuẩn
Sốt viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra sẽ khiến trẻ bị sốt và cảm thấy cổ họng đau rát.
1.4. Do dị ứng
Những tác nhân gây ra tình trạng dị ứng cũng có thể là nguyên nhân chính khiến trẻ bị sốt và viêm họng. Thông thường, trẻ nhỏ có thể bị dị ứng với một số thứ như lông chó, mèo, vật nuôi, cỏ dại, khói thuốc, bụi bẩn, phấn hoa,…
1.5. Do bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em chủ yếu là do virus Coxsackievirus A16 gây ra. Lúc này, trẻ sẽ dễ bị sốt đi kèm với viêm họng cùng những vết loét trong khoang miệng, má, nướu răng và cổ họng.
1.6. Do thời tiết
Các loại vi khuẩn, virus thường bị yếu đi vào mùa hè và vào mùa đông sẽ hoạt động mạnh hơn. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ vào mùa đông cũng bị ảnh hưởng rất nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công.
1.7. Do ô nhiễm môi trường
Trẻ bị sốt và viêm họng có thể là do chất độc hóa học, khối bụi, khói xăng xe, thuốc xịt hóa chất,… gây ra. Những tác nhân này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật xâm nhập và tấn công vào đường thở, gây ra tình trạng sốt viêm họng và những bệnh liên quan tới đường hô hấp khác.
2. Cách điều trị hiệu quả khi trẻ bị sốt và viêm họng
2.1. Vệ sinh mũi họng đúng cách
– Nếu các bé mới bị nghẹt mũi nhẹ và dịch mũi còn lỏng thì bố mẹ có thể vệ sinh mũi cho con bằng khăn mềm. Nếu dịch mũi đặc và có gỉ mũi thì bố mẹ nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào 2 bên mũi, rồi chờ tới lúc nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi sử dụng tay day nhẹ mũi con để rỉ mũi bong ra.
– Nếu dịch mũi của con quá nhiều và đặc, bố mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi để vệ sinh mũi cho trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ không nên lạm dụng phương pháp này vì có thể gây tổn thương cho niêm mạc mũi của con. Đặc biệt là người lớn tuyệt đối không được dùng miệng để trực tiếp hút mũi và dãi cho con.
– Sử dụng khăn giấy mềm để lau sạch mũi và dãi cho con rồi vứt ngay sau khi dùng. Bố mẹ cũng không nên sử dụng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi và dãi cho con nếu không thay khăn khác mà vẫn dùng khăn cũ thì virus, vi khuẩn vẫn còn bám lại trên khăn, tiếp tục gây bệnh cho bé.
Lưu ý: Khi trẻ bị sốt và viêm họng, bố mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và súc họng cho con nhưng phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
2.2. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ
– Bố mẹ nên cho con ăn những loại thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng.
– Cho con uống nhiều nước để tránh cơ thể trẻ bị mất nước, đặc biệt là nước ép hoa quả và dung dịch Oresol.
– Cho con ăn theo nhu cầu và chia thành 5 – 6 bữa trong ngày với số lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn bình thường. Hơn nữa, bố mẹ cũng không nên ép con ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị vì khi bị ốm, trẻ sẽ không có khẩu vị.
2.3. Sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ
Bố mẹ nên lưu ý là không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt không theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không được sử dụng lại đơn thuốc cũ của lần khám bác sĩ trước.
Tốt nhất, khi trẻ bị sốt và viêm họng, bố mẹ nên đưa con đi khám ngay để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị tích cực. Việc làm này sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ xảy ra các biến chứng khó lường.
Tóm lại, khi trẻ bị sốt viêm họng, con sẽ cảm thấy khó chịu và bứt rứt. Do đó, ngay khi bé có những dấu hiệu bệnh ban đầu, bố mẹ hãy tìm cách hạ sốt sớm cho con và theo dõi tình trạng liên tục để đưa trẻ đi khám kịp thời.