Viêm loét dạ dày là loại bệnh lý về tiêu hóa phổ biến hàng đầu. Nguyên nhân loét dạ dày và cách phòng bệnh hiệu quả là những thông tin được mọi người quan tâm hàng đầu để đối phó tốt với căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây ra viêm sưng, lâu dần tạo thành các ổ loét kèm theo triệu chứng.
Viêm loét dạ dày phát triển từ thể cấp tính tới mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, khi vết loét còn nhỏ nếu được phát hiện và xử lý sớm, vết loét có thể tự lành lại nhanh chóng. Tuy nhiên, khi để bệnh phát triển qua giai đoạn mạn tính việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn và gia tăng nguy cơ biến chứng.
2. Nguyên nhân loét dạ dày và các yếu tố nguy cơ gây bệnh
2.1. Vi khuẩn HP là nguyên nhân loét dạ dày hàng đầu
Vi khuẩn HP có khả năng xâm nhập, sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày người. Tại đây, theo thời gian chúng tiết ra độc tố làm mất dần khả năng chống lại acid của niêm mạc, lớp bảo vệ dần bị bào mòn và lộ ra các lớp bên dưới. Hậu quả đó là dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày.
Có tới khoảng 90% trong tổng số ca bệnh do vi khuẩn HP gây ra gọi là viêm loét dạ dày HP.
2.2. Sử dụng thường xuyên nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm
Việc sử dụng nhiều các loại thuốc giảm đau, kháng viêm như ibuprofen, naproxen, diclofenac… trong thời gian dài sẽ khiến cho thành dạ dày bị tổn thương. Nguyên nhân là các loại thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp nên prostaglandin – một chất có chức năng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Từ đó khiến dạ dày dễ bị viêm loét.
2.3. Ngoài nguyên nhân loét dạ dày, cần quan tâm tới các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh
– Stress kéo dài: Căng thẳng, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, tức giận,… thường xuyên làm mất cân bằng chức năng cho dạ dày, khiến dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương, lâu dần gây bệnh viêm loét dạ dày.
– Ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo: Việc ăn uống không đủ bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc để bụng quá đói dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng và tăng tiết dịch vị dạ dày. Từ đó lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương và dẫn đến viêm dạ dày.
– Hút thuốc lá và uống rượu, bia hay các thức uống có cồn khác: Thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại khiến cơ chế bảo vệ dạ dày suy yếu và dễ bị tổn thương. Còn khi uống nhiều rượu bia sẽ làm các vết loét có sẵn lâu lành, đồng thời kích thích tăng tiết axit và tạo thành các vết loét mới.
– Đến từ nguyên nhân tự miễn hoặc do tác hại của hóa chất.
3. Phòng bệnh viêm loét dạ dày
Cách phòng bệnh loét dạ dày hiệu quả nhất đến từ chính chế độ ăn uống, thói quen lối sống và sinh hoạt hằng ngày của bạn. Hãy lưu ý và thực hiện tốt những điều sau đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc viêm loét dạ dày:
3.1. Thực hiện chế độ ăn khoa học
– Thực hiện chế chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chọn đồ ăn dễ tiêu hóa. Tăng cường chất xơ và vitamin từ rau xanh và các loại hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
– Ngoài ra, các thực phẩm tốt trong việc phòng viêm loét dạ dày như sữa chua, nha đam, trứng, các loại hải sản tươi, nghệ, mật ong,…
– Tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ và các loại thức uống chứa nhiều chất kích thích điển hình nhất là rượu, bia,..
– Tránh những thực phẩm làm tăng acid điển hình là các loại hoa quả chua, thực phẩm muối chua (cà pháo, dưa muối, mẻ,…)
– Tránh những thực phẩm dễ sinh hơi hoặc gây chướng bụng như giá đỗ, lá hành, hẹ, cần tây, các loại nước ngọt đóng chai, nước có ga,…
3.2. Điều chỉnh thói quen lành mạnh
– Chú ý điều chỉnh về thói quen ăn uống như: thực hiện ăn chín uống sôi, ăn đủ bữa đúng giờ, có thể chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn chậm nhai kỹ, tập trung khi ăn,…
– Hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc chống viêm hay giảm đau. Nếu sử dụng cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.
– Hình thành thói quen rửa sạch tay thường xuyên bằng xà phòng.
– Duy trì và thực hiện một nếp sống sinh hoạt lành mạnh, tránh căng thẳng mệt mỏi, không thức khuya, ngủ đủ giấc,
– Từ bỏ thuốc lá và cần tránh xa khói thuốc.
– Nghỉ ngơi vận động điều độ, tập thể dụng thường xuyên để hỗ trợ quá trình chuyển hóa và tăng cường sức khỏe.
3.3. Thăm khám chuyên khoa tiêu hóa
Theo khuyến cáo, mỗi người ngay cả khi không có triệu chứng đặc biệt nào cũng nên thăm khám chuyên khoa tiêu hóa ít nhất 1 năm/1 lần. Đặc biệt, khi gặp phải các dấu hiệu như đau bụng bất thường, khó tiêu, đầy bụng, ợ chua, ợ hơi, đại tiện phân đen,… cần chủ động thăm khám ngay để tìm rõ nguyên căn bệnh và được xử lý dứt điểm ngay từ sớm.
Hiểu về nguyên nhân loét dạ dày sẽ giúp mọi người chủ động hơn trong việc phòng bệnh hiệu quả. Một chế độ ăn khoa học, lối sống lành mạnh và chế độ thăm khám đúng cách sẽ giúp chúng ta “loại bỏ” viêm loét dạ dày hiệu quả.