Có nhiều nguyên nhân gây lao phổi như nhiễm vi khuẩn, những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, khói thuốc…Hiểu đúng về các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp độc giả biết cách phòng ngừa lao phổi hiệu quả.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao phổi nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8.000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6.000 người mắc lao đa kháng thuốc.
Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây lao phổi
Nguyên nhân đầu tiên gây lao phổi là do vi khuẩn gây bệnh lao chủ yếu là vi khuẩn lao (M. tuberculosis hominis). Vi khuẩn lao thường lây lan qua đường hô hấp nên những người tiếp xúc với bệnh nhân càng nhiều thời gian và càng trực tiếp thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao.
Bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc, hắt hơi… sẽ làm bắn ra môi trường xung quanh những hạt nước bọt có chứa vi khuẩn lao nên dễ phát tán bệnh ra cộng đồng.
Ngoài phổi, vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như hạch bạch huyết, màng phổi, não – màng não, xương, khớp, ruột…
Ngoài ra, có một vài yếu tố cũng được coi là nguyên nhân gây bệnh lao phổi, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng nề hơn:
- Mắc một số bệnh như bệnh như bệnh đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, nhiễm HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già, dùng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài (bệnh khớp, bệnh hệ thống)… do sức đề kháng suy giảm.
- Mức sống thấp, chiến tranh, căng thẳng tinh thần, stress… đều là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của bệnh lao phổi.
Ngoài những đối tượng có nguy cơ mắc cao, những người bình thường cũng có nguy cơ lây nhiễm lao và mắc lao từ những thói quen hàng ngày như:
- Không có thói quen đeo khẩu trang, bảo hộ lao động trong điều kiện môi trường ô nhiễm.
- Làm việc quá sức: Khi lao động quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cơ thể của chúng ta bị giảm sức đề kháng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng lao tấn công.
- Uống rượu: Rượu là chất kích thích có hại cho sức khỏe, trong rượu có chứa rất nhiều cồn, khi uống nhiều rượu sẽ làm giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tương tự như các yếu tố khác sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho trực khuẩn lao bùng phát và hoành hành. Đặc biệt, những ai đã và đang điều trị bệnh lao cần tuyệt đối không sử dụng rượu bia, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Hút thuốc lá, lào: Với những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào sẽ làm tăng nguy cơ lao phổi lên đến hơn 80%. Đặc biệt là những bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh lao phổi cần tuyệt đối tránh xa các chất này.
- Thức khuya, mất ngủ: Thức khuya, mất ngủ là nguyên nhân khiến cơ thể của bạn bị suy nhược, tinh thần sa sút. Với những người có tiền sử mất ngủ, cần nghĩ ngay đến phương pháp ngăn ngừa khả năng suy giảm sức đề kháng bởi mất ngủ là nguyên nhân khiến tình trạng mệt mỏi, dẫn tới kém ăn lâu dần sẽ dẫn đến suy nhược, sút cân… ảnh hưởng lớn đến đời sống của người bệnh.
Lao phổi là thể bệnh thường gặp cả ở người lớn và trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo lứa tuổi, nhất là ở người già do sức đề kháng ngày càng giảm đi. Vì thế ngay từ khi chưa mắc lao phổi, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừ bệnh lao phổi
Để phòng lao phổi cần chú ý:
- Người bệnh: Người lao phổi phải mang khẩu trang, không được khạc nhổ lung tung khiến vi khuẩn lao lây lan ra cộng đồng.
- Nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân lao, nhất là lao kháng thuốc và những nơi nguy cơ cao như các phòng xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao phải mang khẩu trang đúng tiêu chuẩn. Tiếp xúc với người bệnh qua kính ngăn, thực hiện khám chữa bệnh, tư vấn phía sau người bệnh…
- Cần chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt, vận động hàng ngày nhằm nâng cao sức đề kháng, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh lao phổi.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi và đi khám ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp nhằm có biện pháp xử trí đúng, hiệu quả.