Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng vô cùng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Nắm rõ giờ vàng tai biến mạch máu não sẽ giúp người bệnh tránh được các di chứng nặng nề.
Menu xem nhanh:
1. Giờ vàng tai biến mạch máu não là gì?
Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là thời gian được tính trong khoảng 3 – 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như khó nói, méo miệng, nói ngọng, yếu liệt chi, đau đầu, lệch một bên mặt… Một trong những yếu tố quan trọng cứu sống người bệnh tai biến mạch máu não là được cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian này.
Trong một số trường hợp đặc biệt, giờ vàng tai biến mạch máu não có thể kéo dài đến 6 hoặc 24 giờ tính từ khi có các dấu hiệu. Tuy nhiên, người nhà nên đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Khi tai biến mạch máu não xảy ra, việc can thiệp cấp cứu là việc làm vô cùng quan trọng. Cần phải được tận dụng sớm hiệu quả từng phút giây. Tuy nhiên, trên thực tế có đến khoảng 70% người bệnh không được cấp cứu kịp thời trong giờ vàng. Tỷ lệ người tử vong chiếm 50% và số còn lại phải chịu các di chứng nặng nề.
2. Tầm quan trọng khi được cấp cứu kịp thời
2.1. Cấp cứu trong giờ vàng tai biến mạch máu não giúp gia tăng cơ hội sống
Cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian này sẽ giúp người bệnh có cơ hội sống sót cao, hạn chế di chứng nặng nề và tử vong. Trong thời điểm này, cứ mỗi phút qua đi là sẽ có 2 triệu tế bào não chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não bị đột quỵ và mô não cận kề ở vị trí tai biến sẽ bị tổn thương nặng, khó phục hồi. Trong khung thời gian vàng này, các biện pháp chữa trị cũng cần được áp dụng phù hợp. Ví dụ, trong 3 – 4,5 giờ đầu thường chỉ dùng kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch giúp tan cục máu đông.
Điều này cho thấy, cấp cứu trong thời gian vàng cũng cần phải nhanh chóng. Người nhà cần tận dụng từng giây phút để cứu sống người bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng nặng như yếu liệt nửa người, xẹp phổi, mất ngôn ngữ…
Khi phát hiện người có dấu hiệu tai biến mạch máu não, việc đầu tiên cần làm chính là lập tức liên lạc đến các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Không dùng kim đâm vào đầu ngón tay của bệnh nhân. Ngoài ra, cũng không nên bấm huyệt, cạo gió, châm cứu hay bất kỳ phương pháp nào mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
2.2. Vì sao không kịp cấp cứu trong giờ vàng tai biến mạch máu não?
– Quãng đường di chuyển bệnh nhân cấp cứu xa.
– Phương pháp sơ cứu thực hiện chưa đúng.
– Người bệnh chủ quan hoặc người nhà không hiểu rõ các dấu hiệu đột quỵ, mà cho rằng người bệnh bị cảm nên thường tự ý đánh gió và uống thuốc ở nhà.
– Hệ thống trang thiết bị ở một số bệnh viện còn thiếu trong việc chẩn đoán, điều trị tai biến mạch máu não. Người bệnh phải mất thêm thời gian chuyển bệnh nhân tới tuyến trên.
3. Độ tuổi dễ mắc tai biến mạch máu não
Bệnh lý này có nguồn gốc từ các mạch máu não với hai thể chính là chảy máu não (chiếm từ 15 – 20%) và thiếu máu não (chiếm từ 80 – 85%).
Mặc dù có nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến mạch máu não ngày càng tăng. Nếu như trước đây, bệnh thường rơi vào độ tuổi 50 – 60 trở lên thì ngày nay bệnh có xu hướng trẻ hóa, thậm chí từ 20 – 30 tuổi. Ở người trẻ, xảy ra bệnh này là do sự thay đổi về lối sống, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng.
Tai biến mạch máu não thường xảy ra nhanh và để lại di chứng nặng nề. Nhiều trường hợp bị liệt nửa người, trí tuệ sa sút dẫn đến khả năng lao động suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Với người bị nặng, hầu như các gia đình sẽ phải mất thêm một người ở bên chăm sóc cả ngày. Như vậy, người mắc bệnh đột quỵ sẽ là gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội.
4. Dấu hiệu tai biến mạch máu não bạn cần nắm rõ
Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không có nhiều dấu hiệu đặc trưng do bệnh tiến triển âm thầm, thường bao gồm các dấu hiệu dưới đây:
– Đột nhiên thấy một hoặc cả hai mắt bị mờ nhòe, không nhìn rõ.
– Đau đầu với cấp độ tăng dần mà không rõ nguyên nhân.
– Tê bì chân tay, yếu hoặc liệt nửa người
– Nói khó, nói líu lưỡi, phát âm không rõ chữ, nói ngọng.
– Hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, người mất thăng bằng đột ngột.
5. Cách phòng tránh tai biến mạch máu não
Hiện nay, tỷ lệ bệnh và tử vong do tai biến mạch máu não ngày càng tăng. Thời gian và chi phí chữa trị giai đoạn cấp là rất lớn. Tỷ lệ tái phát bệnh trong năm đầu khoảng 30%, 5 năm sau khoảng 25 – 30%. Để phòng tránh tai biến mạch máu não, bạn cần chú ý thực hiện những điều sau:
– Kiểm soát tốt bệnh lý: Đây là cách giúp phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não hiệu quả nhất. Với đối tượng người cao tuổi, cần được khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt những người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu.
– Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: Bữa ăn hàng ngày nên đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng mỡ động vật, các chất kích thích như rượu bia, cà phê, chè đặc. Lượng muối ăn hàng ngày nên giảm, nên ăn hoa quả và rau xanh chứa nhiều vitamin.
– Duy trì cân nặng hợp lý, không nên để cơ thể ở tình trạng thừa cân béo phì.
– Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng lo âu.
Để tránh bệnh tái phát, người bệnh tai biến mạch máu não cần lưu ý:
– Uống thuốc dự phòng: Bệnh nhân nên sử dụng các thuốc dự phòng đột quỵ não. Kiểm soát các yếu tố tái phát bệnh như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
– Luyện tập các bài thể dục theo khả năng, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
– Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não sau điều trị tại viện cần thực hiện đúng việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ ít nhất trong vòng 3 tháng đầu.