Mất ngủ thường xảy ra ở người lớn nhưng trên thực tế nhiều trẻ em cũng bị chứng mất ngủ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Mặc dù trẻ dễ đi vào giấc ngủ nhưng một số yếu tố về môi trường, tâm lý hay bệnh lý có thể là nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ em.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là tình trạng không thể ngủ hay khó duy trì giấc ngủ, dậy quá sớm, ngủ dậy vẫn còn thấy mệt. Trẻ lớn tuổi có thể tự nói cho cha mẹ biết tình trạng này, trong khi đó ở những trẻ còn nhỏ tuổi, mất ngủ chủ yếu do cha mẹ phát hiện.
Mất ngủ có thể được phân loại dựa trên thời gian (ngắn hạn hay dài hạn), mức độ nghiêm trọng và tần suất bị mất ngủ. Mất ngủ ngắn hạn có thể xảy ra chỉ trong một vài ngày đến vài tuần và được gây ra bởi các yếu tố dễ dàng khắc phục (ví dụ như do ốm, ảnh hưởng của loại thuốc ngắn hạn mà trẻ đang sử dụng). Mất ngủ dài hạn xảy ra ba lần một tuần trong một tháng hoặc lâu hơn và có thể được gây ra bởi các yếu tố nghiêm trọng hơn mà cha mẹ cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế (ví dụ như trầm cảm, lo âu, đau hoặc một số bệnh). Đôi khi, có thể không có lý do rõ ràng nào cả.
2. Các triệu chứng của mất ngủ là gì?
Các triệu chứng của mất ngủ bao gồm:
- Khó ngủ, không thể ngủ hay dậy quá sớm vào buổi sáng.
- Lo lắng, căng thẳng về việc đi ngủ hoặc làm sao để có thể ngủ.
- Buồn ngủ vào ban ngày.
- Thay đổi tâm trạng, dễ bị kích động.
- Trầm cảm
- Tăng động
- Giảm khả năng tập trung
- Dễ nổi cáu, hung hăng
- Có vấn đề về trí nhớ…
3. Nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ em là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ngủ ở trẻ em, bao gồm:
- Căng thẳng: trẻ em cũng như người lớn đều có thể bị stress. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm sát sao đến cuộc sống của trẻ và làm cho trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những lo lắng của bản thân. Trẻ em lo lắng nhiều hơn cha mẹ nghĩ và lo lắng quá mức, căng thẳng sẽ dẫn tới mất ngủ.
- Sử dụng thức uống có chứa caffein hoặc các chất kích thích khác. Cần lưu ý rằng một số loại soda và hầu hết các loại nước uống tăng lực đều có caffein.
- Tác dụng phụ của một số thuốc. Ví dụ, thuốc dùng để điều trị chứng tăng động giảm chú ý, thuốc chống trầm cảm, corticosteroid và thuốc chống co giật có thể gây ra chứng mất ngủ.
- Một số bệnh, rối loạn thần kinh hoặc các rối loạn giấc ngủ: hen suyễn ban đêm không kiểm soát được, ngạt mũi do dị ứng và ngứa da do chàm có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ. Các vấn đề về sức khỏe khác như xơ cơ, đau cơ, ợ nóng và bệnh tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân gây mất ngủ cho trẻ. Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, và hội chứng Asperger có liên quan tới tình trạng mất ngủ. Cuối cùng bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ.
- Các yếu tố môi trường: tiếng ốn, nhiệt độ, điều kiện ánh sáng trong phòng ngủ có thể gây trở ngại cho giấc ngủ. Hãy chắc chắn giường, đệm thoải mái, phòng ngủ yên tĩnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử để dễ ngủ hơn.
4. Làm thế nào để chẩn đoán mất ngủ?
Không có xét nghiệm cụ thể cho chứng mất ngủ. Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và loại trừ các vấn đề y tế khác.
5. Mất ngủ được điều trị như thế nào?
Các phương pháp điều trị mất ngủ ở trẻ em có thể là:
- Tập cho trẻ có thói quen tốt trước khi đi ngủ: không đọc sách, làm bài tập về nhà hay xem tivi trên giường; đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần và ngày lễ; tránh các sản phẩm có chứa caffein 4-6 giờ trước khi đi ngủ (cà phê, trà, nước tăng lực và sô cô la); không thực hiện các hoạt động như em TV, chơi game điện tử… trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo cho trẻ môi trường ngủ thoải mái: cho trẻ ngủ ở nơi yên tĩnh, nhiệt độ phòng phù hợp, ngủ trong phòng tối (nếu trẻ sợ có thể sử dụng thêm đèn ngủ). Không khí trong nhà khi bé đang ngủ phải yên tĩnh và thoải mái, tuyệt đối không thảo luận các vấn đề gây lo âu trước khi đi ngủ.
- Dạy trẻ cách thư giãn: hướng dẫn trẻ các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thở bụng… để trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Tháo đồng hồ khỏi phòng ngủ: nên tháo bỏ đồng hồ khỏi phòng ngủ hoặc ít nhất là để đồng hồ ở vị trí mà trẻ không thể nhìn thấy khi ngủ. Nhìn đồng hồ trong khi cố gắng ngủ có thể làm cho trẻ lo lắng và khó ngủ hơn.
Việc sử dụng thuốc không được khuyến cáo cho trẻ em và thanh thiếu niên bị mất ngủ và chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt.