Lịch tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 1 có những sự khác biệt so với những lần sau đó. Vì vậy, mẹ cần tham khảo kỹ càng trước khi tiêm vắc xin để mang lại hiệu quả và đảm bảo tính an toàn cho việc tiêm vắc xin ngừa bệnh cho cả mẹ và thai nhi.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 1?
Uốn ván là mũi tiêm phòng quan trọng được khuyến nghị tiêm chủng cho tất cả mẹ bầu. Đặc biệt, với mẹ bầu mang thai lần đầu thì càng không thể bỏ qua việc tiêm vắc xin uốn ván, bởi:
– Vắc xin uốn ván bảo vệ mẹ: Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi trực khuẩn Clostridium tetani sinh độc tố mạnh. Khi mắc uốn ván, mẹ có thể trải qua những biến chứng nghiêm trọng như co giật, khó thở, căng cứng các cơ và nguy cơ tử vong lên tới 90%. Việc tiêm vắc xin uốn ván giúp tạo kháng thể trong cơ thể mẹ, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và bảo vệ sức khỏe của mẹ trong suốt thai kỳ cũng như trong lúc chuyển dạ và sinh nở với nguy cơ nhiễm trùng uốn ván cao.
– Bảo vệ thai nhi: Khi mẹ tiêm vắc xin uốn ván trong thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ sản xuất kháng thể chống lại trực khuẩn uốn ván. Những kháng thể này có thể được truyền từ mẹ sang cho thai nhi qua nhau thai và cung cấp sự bảo vệ cho thai nhi khỏi nguy cơ nhiễm trùng uốn ván khi sinh ra và kéo dài tới 6 tháng đầu đời của trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh, vì trẻ sơ sinh không những có nguy cơ bị uốn ván do lây truyền từ mẹ mà còn có nguy cơ uốn ván khi vừa ra đời do nhiễm trùng tại vết cắt dây rốn.
Có thể nói, một khi đã nhiễm uốn ván thì tính mạng của trẻ sơ sinh có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc” bởi tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở trẻ sơ sinh lên tới 95%. Nhưng trẻ có thể hoàn toàn được bảo vệ nếu mẹ đã tiêm ngừa uốn ván đầy đủ trong quá trình mang thai hoặc trước mang thai.
– An toàn và hiệu quả: Các nghiên cứu cho thấy việc tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai không gây nguy hại đến thai nhi. Vắc xin uốn ván đã được sử dụng rộng rãi và chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa vi khuẩn uốn ván xâm nhập và gây nhiễm trùng, bảo vệ cho mẹ bầu có một thai kỳ suôn sẻ và thai nhi khỏe mạnh, phát triển.
2. Lịch tiêm ngừa uốn ván cho bà bầu mang thai lần đầu
Với phụ nữ mang thai lần đầu tiên, việc tiêm phòng uốn ván có thể diễn ra từ trước khi mang thai hoặc khi đang mang thai.
2.1. Tiêm ngừa uốn ván tiền thai kỳ
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nên tiêm phòng vắc xin uốn ván. Việc tiêm phòng diễn ra trước khi mang thai giúp cơ thể mẹ chuẩn bị sẵn sàng những kháng thể ngừa uốn ván, bảo vệ cả mẹ và bé từ đầu đến cuối thai kỳ.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần tiêm 3 mũi cơ bản và các mũi nhắc lại sau mỗi 5-10 năm để tăng cường miễn dịch với uốn ván. Mỗi liều tiêm 0.5ml và tiêm theo đường tiêm bắp. Lịch tiêm như sau:
– Mũi 1: Thời điểm bắt đầu tiêm
– Mũi 2: Sau mũi 1 ít nhất 04 tuần
– Mũi 3: Sau mũi 2 ít nhất 06 tháng
– Mũi 4: Sau mũi 3 ít nhất 01 năm
– Mũi 5: Sau mũi 4 ít nhất 01 năm
2.2. Tiêm ngừa uốn ván khi đang mang thai
Nếu chưa kịp tiêm phòng uốn ván tiền thai kỳ, mẹ bầu hoàn toàn có thể tiêm phòng ngay trong thai kỳ bởi vắc xin uốn ván đã được chứng minh là an toàn với thai phụ.
Đối với phụ nữ mang thai lần đầu, thời điểm thích hợp để tiêm phòng uốn ván được khuyến nghị là bắt đầu tiêm kể từ tuần thai thứ 20. Mẹ bầu mang thai lần đầu tiêm 2 mũi cơ bản và hoàn thành 2 mũi tiêm trước khi sinh 1 tháng để đảm bảo hiệu quả ngừa uốn ván cho cuộc vượt cạn và sau sinh.
Mẹ bầu tiêm uốn ván theo đường tiêm bắp, mỗi liều tiêm 0.5ml và tuân thủ lịch tiêm như sau:
– Nếu mẹ bầu chưa tiêm các mũi vắc xin phòng uốn ván cơ bản hay chưa tiêm nhắc lại: Tiêm 02 mũi và mỗi mũi cách nhau 04 tuần, mũi 2 tiêm trước khi sinh ít nhất 01 tháng.
– Nếu mẹ bầu đã tiêm các mũi vắc xin cơ bản và đã tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng uốn ván trước khi mang thai: Tiêm 01 mũi trước thời điểm sinh ít nhất 01 tháng.
3. Lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho mẹ bầu mang thai lần đầu
Với các mẹ mang thai con đầu lòng, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tiêm ngừa uốn ván cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
– Tìm đến cơ sở y tế uy tín để tiêm chủng: Hãy đến các cơ sở y tế được chứng nhận bởi Bộ Y tế để đảm bảo vắc xin được nhập khẩu và tiêm theo đúng tiêu chuẩn và quy trình của Bộ Y tế, giúp đảm bảo an toàn cho mẹ bầu.
– Tham khảo thời gian tiêm chủng: Mẹ bầu nên tham khảo với bác sĩ về thời điểm tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe. Nếu mẹ bầu gặp ốm nghén, có thể được xem xét thực hiện việc tiêm mũi đầu tiên vào khoảng giữa hoặc gần cuối thai kỳ để tránh tăng sự mỏi mệt và tiêm mũi thứ hai ít nhất 1 tháng trước thời điểm sinh để đủ thời gian tạo miễn dịch.
– Thông báo về tiền sử và bệnh lý: Nếu mẹ bầu có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc mắc các chứng bệnh khớp, bệnh thận hay các vấn đề sức khỏe khác, hãy thông báo đầy đủ cho bác sĩ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng uốn ván.
– Phản ứng phụ có thể xảy ra: Mẹ bầu có thể gặp một số phản ứng phụ như cảm giác buốt, sưng ở vị trí tiêm hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì đây chỉ là những phản ứng bình thường khi vắc xin thích nghi với cơ thể và thường sẽ tự giảm sau khoảng 3-4 ngày.
– Tiêm phòng trước khi mang thai: Đối với những phụ nữ dự định mang thai, có thể tiến hành tiêm phòng uốn ván trước đó để tạo sẵn hệ miễn dịch khỏe mạnh để bảo vệ cho mẹ và em bé.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến các mẹ về lịch tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 1. Nếu mẹ còn bất cứ thắc mắc gì về loại vắc xin uốn ván, phác đồ tiêm chủng hay các vấn đề có thể gặp phải trong tiêm chủng, liên hệ ngay Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được tư vấn miễn phí, mẹ nhé!