Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kì đối tượng nào, kể cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3-4 tuổi. Bệnh viêm ruột thừa cấp ở trẻ em thường khó nhận biết hơn vì trẻ chưa diễn đạt được rõ ràng tình trạng mình đang gặp phải nên người lớn rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh viêm ruột thừa cấp ở trẻ em?
Menu xem nhanh:
Ruột thừa là gì và ở đâu?
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải bụng, có 1 đầu bịt kín, đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già).
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Điểm khởi phát của viêm ruột thừa là do lòng ruột thừa bị tắc, dẫn đến ứ đọng dịch tiết và tăng áp lực trong lòng ruột thừa gây ra hai hậu quả, thành ruột thừa bị thiếu máu ngày càng nặng và hình thành nhiễm trùng do các chủng có ở manh tràng gồm các vi khuẩn như Gram (-) (Coli, Klebsiella, Enterobacter, Pseudomonas), cầu khuẩn đường ruột và các vi khuẩn yếm khí (Bacteroide fragilis).
Dấu hiệu nhất biết bệnh viêm ruột thừa cấp ở trẻ em
Bệnh viêm ruột thừa cấp ở trẻ em cũng có dấu hiệu đặc trưng là đau bụng. Trẻ kêu đau bụng tự nhiên, lúc đầu có thể đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, nhưng sau đau khu trú ở vùng hố chậu phải, đau thường âm ỉ. Trẻ có dấu hiệu buồn nôn và nôn, có khi thấy đi tiêu lỏng hay bị tiêu chảy. Sốt nhẹ từ 37,5 – 38,5oC. Tuy nhiên trẻ sẽ bị sốt cao khi ruột thừa sắp vỡ hoặc đã vỡ. Ngoài ra trẻ còn có những biểu hiện mẹ cần lưu ý như: môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi,… Bụng trẻ trương cứng.
Nhiều trường hợp do chủ quan nên cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn đến sai lầm, gây những biến chứng khôn lường: vỡ ruột thừa; tắc ruột; nhiễm khuẩn huyết.
Không có cách nào để ngăn ngừa viêm ruột thừa và viêm ruột thừa cũng không thể phòng nên việc phát hiện sớm để có biện pháp xử trí kịp thời trước khi ruột thừa vỡ là rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như đau bụng nhói ở vùng quanh rốn, hãy đưa trẻ tới bệnh viện hay trung tâm y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và can thiệp sớm, kịp thời.
Điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp ở trẻ em?
Có 2 phương pháp điều trị viêm ruột thừa đó là điều trị bằng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp điều trị bằng thuốc chỉ được áp dụng khi viêm ruột thừa nhẹ. Hầu hết viêm ruột thừa được điều trị bằng phẫu thuật vì phương pháp này triệt để hơn.
Tùy vào mức độ viêm của ruột thừa mà sau khi mổ có còn các biến chứng gì khác không. Nếu là viêm ruột thừa cấp (mới chớm viêm trong vòng 6 tiếng), viêm ruột thừa mủ thì khả năng biến chứng sau mổ là khá thấp.
Tùy vào tình trạng sức khỏe chung của trẻ hoặc mức độ bệnh mà thời gian điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung các viêm ruột thừa cấp và hóa mủ thì thời gian nằm viện khoảng 1 tuần, còn viêm phúc mạc ruột thừa thì khoảng 2 tuần.