Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh hay gặp ở những người thường xuyên phải dùng đến cổ tay như dân văn phòng thư ký, đánh máy, thợ làm bánh, thợ cắt tóc, thu ngân, nhạc công. Hội chứng này gây nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.
Menu xem nhanh:
1. Hội chứng ống cổ tay – Tình trạng ngày càng phổ biến
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, xảy ra liên quan đến sự bất thường trong giải phẫu ống cổ tay.
Theo các chuyên gia, ống cổ tay là một đường hầm nhỏ có đường kính khoảng 2,5cm (tương đương 1 inch). Đi trong ống này là dây thần kinh giữa và các gân gấp các ngón tay lên bám vào cẳng tay. Mặt nền và thành bên của đường hầm cổ tay là các xương cổ tay. Phần mái có cấu tạo từ một dải mô liên kết còn gọi là dây chằng ngang.
Tác dụng chính của ống cổ tay là bảo vệ dây thần kinh giữa – một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Dây thần kinh này bắt nguồn từ nhóm rễ thần kinh ở tủy cổ, đi xuống cánh tay và cẳng tay, sau đó chui qua đường hầm ống cổ tay và đi vào bàn tay. Đây là dây thần kinh có chức năng cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn. Đồng thời vận động các cơ xung quanh gốc ngón tay cái.
Do đường hầm tương đối nhỏ hẹp, chật chội, ít có khả năng thay đổi kích thước nên các cấu trúc cố định bên trong rất dễ bị tổn thương do chèn ép, nhất là các dây thần kinh vốn mềm và nằm ở vị trí nông nhất. Điều này gây ra các triệu chứng bất thường liên quan đến ống cổ tay.
2. Biểu hiện thường gặp của hội chứng đường hầm cổ tay
Các triệu chứng bất thường ở ống cổ tay biểu hiện hiện tương đối đa dạng, bao gồm:
– Sưng phồng các ngón tay một cách mơ hồ
– Tê bì, ngứa ran, nóng rát và đau đớn các ngón tay, mà chủ yếu là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn, đôi khi lan lên cẳng tay và cánh tay.
– Cảm giác đau hoặc ngứa ran đi lên cẳng tay về phía vai.
– Tay yếu đi và vụng về hơn, đau cơ, chuột rút
– Gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách…
– Thường đánh rơi đồ vật do tê liệt, mất cảm giác ở bàn tay, mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Các triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay đa phần đều khởi phát một cách tự nhiên, tiến triển dần dần, không liên quan đến một chấn thương cụ thể nào trước đó. Đôi khi các triệu chứng của bệnh lại xảy ra vào ban đêm.
Ban đầu, các triệu chứng thường chỉ thoáng qua nên người bệnh đôi khi không nhận diện được. Chỉ đến khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài, người bệnh mới thấy bất thường và đi khám, khiến tình trạng chèn ép trên thần kinh giữa rất nặng nề và khó cải thiện.
Vì thế, ngay khi thấy các triệu chứng tê, ngứa ran hoặc yếu tay bất thường, hãy nghĩ đến vấn đề của đường hầm cổ tay và thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. .
3. Các nguyên nhân thường gặp gây ra hội chứng ống cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu bao gồm:
3.1 Di truyền – Một trong những yếu tố gây hội chứng ống cổ tay
Các nghiên cứu cho thấy, một số chủng tộc có kích thước hoặc giải phẫu đường hầm ống cổ tay bất thường, khiến không gian ống này hẹp hơn bình thường. Điều đó làm cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
3.2 Giới tính
Nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp ba lần so với nam giới, chủ yếu do đường hầm ống tay của họ thường nhỏ hơn.
3.3 Sử dụng cổ tay thường xuyên và lặp đi lặp lại
Các chuyển động lặp đi lặp lại ở bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các gân ở cổ tay bị tổn thương, gây sưng viêm ống cổ tay.
Ngoài ra, các hoạt động cần phải uốn cong, gập duỗi bàn tay và cổ tay quá mức cũng làm tăng áp lực lên dây thần kinh.
3.4 Mang thai
Mang thai là giai đoạn vô cùng nhạy cảm khiến thai phụ gặp nhiều vấn đề bất thường về sức khỏ. Việc thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay.
3.5 Các bệnh lý gây hội chứng ống cổ tay
Tình trạng béo phì, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận, bệnh tuyến giáp là những vấn đề có thể liên quan đến hội chứng đường hầm cổ tay.
3.6 Chấn thương cổ tay
Các chấn thương ở cổ tay (trật khớp, gãy xương) hay tình trạng viêm khớp, viêm dây chằng, viêm dây thần kinh… đều có thể làm thay đổi không gian trong ống cổ tay, từ đó gây áp lực và tổn thương dây thần kinh giữa.
4. Các đối tượng dễ mắc hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở người làm các công việc phải sử dụng cổ tay thường xuyên và lặp lại cùng một chuyển động với cổ tay trong thời gian dài như:
– Công nhân dây chuyền lắp ráp
– Tài xế
– Thợ thủ công, làm bánh, cắt tóc
– Thu ngân
– Người thường xuyên phải làm việc với máy tính
– Nhạc công
Không phải những người nào có các yếu tố này cũng mắc hội chứng đường hầm cổ tay nhưng nếu thuộc 1 trong các đối tượng này, bạn nên quan tâm đến cổ tay của mình, để cho cổ tay được thư giãn, nghỉ ngơi và đi khám định kỳ. Khi thấy có các biểu hiện bất thường như đau, tê ngứa ở cổ tay, hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hi vọng những thông tin như trên đây về hội chứng ống cổ tay sẽ giúp bạn nhận biết bệnh sớm và tìm kiếm trợ giúp y khoa phù hợp. Sự đồng hành của các bác sĩ và sự chủ động điều chỉnh các thói quen hàng ngày là rất quan trọng để cải thiện những triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra và cải thiện chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc.