Quyết định tiêm vắc xin 6 trong 1 và vắc xin phế cầu cùng một lúc cho trẻ em có được hay không là chủ đề nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Bài viết này sẽ giúp bố mẹ giải đáp có nên tiêm 6 trong 1 và phế cầu cùng lúc không, giúp bạn đưa ra quyết định an toàn và hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe con em mình.
Menu xem nhanh:
1. Giới thiệu về vắc xin 6 trong 1 và vắc xin phế cầu
1.1. Vắc xin 6 trong 1
Tiêm vắc xin 6 trong 1 là một biện pháp phòng bệnh tiên tiến, cung cấp sự bảo vệ để chống lại 6 bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ đó là bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.
– Bệnh bạch hầu (Diphteria): Bệnh truyền nhiễm cấp tính gây viêm giả mạc có màu trắng ngà hoặc xám ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận và viêm cơ tim nếu không được điều trị kịp thời.
– Ho gà (Pertussis): Là bệnh đường hô hấp cấp tính với biểu hiện là các cơn ho kéo dài và mệt mỏi, thậm chí dẫn đến tình trạng suy hô hấp và tử vong.
– Bệnh uốn ván (Tetanus): Bệnh này là một bệnh cấp tính do vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra. Triệu chứng của bệnh là gây co cứng cơ, đau nhức ở cơ, và có thể dẫn đến biến chứng tử vong.
– Bệnh bại liệt (Poliomyelitis): Bệnh lây truyền qua đường ruột, gây chân, tay, lưng mất vận động, liệt tủy sống, và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
– Viêm gan B (Hepatitis B): Bệnh viêm gan B là một căn bệnh lây truyền do virus HBV gây ra, thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng.
– Viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib: Các bệnh này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về hô hấp (bao gồm: ho, thở dốc hoặc khó thở,ở giai đoạn tiến triển nặng có thể gây suy hô hấp nặng, tràn dịch màng phooit, nhiễm trùng huyết,…) và thần kinh (bao gồm: điếc, mất khả năng học tập, khó khăn về vận động).
Hiện nay có hai loại vắc xin 6 trong 1 phổ biến là vắc xin Infanrix Hexa và vắc xin Hexaxim. Lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 thường tuân theo hướng dẫn như sau:
– Mũi tiêm 1: Thường tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2: Thường được tiêm khi trẻ đạt 3 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 3: Mũi tiêm thứ 3 thường được tiêm khi trẻ đạt 4 tháng tuổi.
– Mũi tiêm nhắc lại: Một mũi tiêm nhắc lại thường được thực hiện khi trẻ đạt 16 đến 18 tháng tuổi, trước 24 tháng tuổi.
1.2. Vắc xin Phế cầu
Tiêm vắc xin phế cầu là một biện pháp dùng để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae, một loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như là viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Tiêm vắc xin là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ em và người lớn, đặc biệt là những người yếu thế và có bệnh nền như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc béo phì.
Hiện nay trên thế giới có 3 loại vắc xin phế cầu là Synflorix, Prevenar 13 và Pneumo 23. Tại Việt Nam hiện đang phổ biến hai loại vắc xin là Synflorix và Prevenar 13.
– Vắc xin phế cầu Prevenar 13: Loại này bảo vệ cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn khỏi 13 chủng vi khuẩn phế cầu.
– Vắc xin phế cầu Synflorix: Loại này bảo vệ con người khỏi 10 chủng vi khuẩn phế cầu. Được sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi tuổi trở lên cho đến trước sinh nhật lần thứ 5.
– Vắc xin phế cầu Pneumo 23: Đây là một loại vắc xin polysaccharide bảo vệ con người khỏi 23 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau, thường được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Lịch tiêm vắc xin phế cầu phụ thuộc vào lứa tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu tiên. Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên khi đủ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, lịch tiêm sẽ bao gồm 4 mũi:
– Mũi 1: Là lần đầu tiên tiêm.
– Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.
– Mũi 3: 01 tháng sau mũi 2.
– Mũi 4 (mũi nhắc): 06 tháng sau mũi 3.
Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên khi đủ 07 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi, lịch tiêm sẽ bao gồm 3 mũi:
– Mũi 1: Là lần đầu tiên tiêm.
– Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.
– Mũi 3 (mũi nhắc): 06 tháng sau mũi 2.
Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên khi đủ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi, lịch tiêm sẽ bao gồm 2 mũi:
– Mũi 1: Là lần đầu tiên tiêm.
– Mũi 2: 02 tháng sau mũi 1.
Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên khi đủ 24 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi, lịch tiêm sẽ bao gồm 1 hoặc 2 mũi tùy loại vắc xin:
– Tiêm 02 mũi cách nhau ít nhất 2 tháng đối với vắc xin Synfflorix.
– Tiêm 01 mũi duy nhất với vắc xin Prevenar 13.
Nếu trẻ tiêm mũi đầu tiên khi đủ 5 tuổi, lịch tiêm sẽ bao gồm 1 mũi duy nhất vắc xin Prevenar 13. Vắc xin Synfflorix không sử dụng cho trẻ em lớn hơn 5 tuổi.
2. Có nên tiêm vắc xin 6 trong 1 và phế cầu cùng lúc không?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc tiêm cùng lúc hai loại vắc xin này hoàn toàn có thể và bố mẹ không cần quá lo lắng.
Lý do là cả vắc xin 6 trong 1 và vắc xin phòng phế cầu đều là vắc xin cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin này thường không gây ra xung đột hoặc tương tác có hại khi tiêm cùng lúc. Mặt khác, việc tiêm cùng lúc giúp giảm thiểu số lần phải đến trung tâm tiêm chủng mà vẫn đảm bảo rằng trẻ em nhận được bảo vệ đầy đủ trước khi tiếp xúc với các nguy cơ bệnh lý.
Tuy nhiên, khi quyết định bố mẹ vẫn nên thảo luận với bác sĩ tiêm chủng. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe cụ thể của người được tiêm, tuổi tác, lịch tiêm chủng hiện tại để đưa ra lời khuyên và quyết định phù hợp dựa trên tình hình cụ thể.
Ngoài ra, khi quyết định tiêm phòng cùng lúc cho con, bố mẹ cần quan tâm đến một số điều dưới đây:
– Nếu con đã tiêm phòng phế cầu trước đó, có thể tiêm vắc xin 6 trong 1 mà không cần phải tạo khoảng cách thời gian.
– Nếu con tiêm phế cầu sau và tiêm vắc xin Prevenar 13, thì nên tạo khoảng cách ít nhất 1 tháng trước khi tiêm 6 trong 1. Tuy nhiên, nếu chọn tiêm vắc xin Synflorix cho con, thì con có thể tiêm cùng lúc với 6 trong 1 mà không cần tạo khoảng cách thời gian.
Quan trọng nhất là đảm bảo rằng trẻ em được tiêm đúng lịch và đầy đủ các vắc xin quan trọng để bảo vệ sức khỏe khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
3. Lưu ý khi gặp phản ứng phụ sau tiêm chủng
Gặp phản ứng phụ sau tiêm chủng là điều có thể xảy ra, nhưng hầu hết các phản ứng này thường là nhẹ và tạm thời. Nếu sau tiêm chủng vắc xin phế cầu và vắc xin 6in 1 trẻ gặp phản ứng phụ, bố mẹ nên chú ý đến một số lưu ý sau:
– Nếu trẻ gặp phản ứng phụ thường gặp bao gồm sưng, đỏ, và đau tại vùng tiêm, sốt nhẹ, buồn nôn, và mệt mỏi. Những phản ứng này thường tự giảm đi sau một thời gian ngắn nên bố mẹ không cần lo lắng và làm gì, hãy tiếp tục theo dõi các phải ứng của con.
– Nếu trẻ gặp sốt hoặc đau tại vùng tiêm, bố mẹ có thể sử dụng paracetamol cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng.
– Giữ vùng tiêm sạch sẽ để đảm bảo vùng tiêm không bị nhiễm trùng. Nếu bạn thấy dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đỏ, đau tăng lên sau một thời gian, hoặc nước mủ, hãy liên hệ với bác sĩ.
– Mặc dù hiếm nhưng một số phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng nặng, sốc phản vệ vẫn có nguy cơ xảy ra. Nếu trẻ có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, phát ban, bạn nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
Trên đây là những thông tin hữu ích về vắc xin 6 trong 1, vắc xin phế cầu và lịch tiêm chủng phù hợp đối với hai loại vắc xin này. Để được tư vấn chi tiết về lịch tiêm 6 trong 1 và phế cầu phù hợp với tình trạng của trẻ, bố mẹ có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm.