Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối(hay giai đoạn IV) là giai đoạn nặng nhất của căn bệnh này khi các tế bào ác tính đã lan ra ngoài phạm vi cổ tử cung đến bàng quang, trực tràng, phổi, xương, gan…
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu và phân loại ung thư cổ tử cung trong giai đoạn IV
1.1 Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung trong giai đoạn cuối
Dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường nhận diện dễ dàng. Bởi ngoài những biểu hiện ung thư thông thường, người bệnh có thể cảm nhận được những dấu hiệu khi tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác, cụ thể:
– Những dấu hiệu ung thư thường gặp có thể kể đến như: xuất huyết trong âm đạo, đau nhức vùng chậu.
– Nếu tế bào ung thư di căn đến xương, người bệnh có thể đau nhức xương khớp
– Ngoài ra cũng có thể gặp phải tình trạng rò phân qua âm đạo, đi tiểu khó do khối u chèn ép cơ thể
– Khi khối u di căn lên não, người bệnh có thể bị đau đầu.
Những triệu chứng ung thư cũng sẽ nặng hơn khi đến giai đoạn cuối ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Do đó, điều trị giảm nhẹ là một trong số những yếu tố cần thiết để cải thiện cuộc sống hàng ngày cho bệnh nhân.
1.2 Phân loại ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối
Dựa theo hệ thống phân loại của Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO), ung thư cổ tử cung giai đoạn IV được chia nhỏ hơn thành 2 giai đoạn IVA và IVB, cụ thể như sau:
– Giai đoạn IVA: ung thư đã xâm lấn tới các cơ quan như bàng quang, trực tràng…
– Giai đoạn IVBl: ung thư di căn đến các cơ quan như gan, phổi, xương…
2. Tiên lượng bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối
Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường khá thấp. Những yếu tố có thể tác động đến thời gian sống của bệnh nhân bao gồm:
– Tuổi tác: Khi tuổi tác lớn, sức đề kháng và khả năng đáp ứng điều trị thường kém hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân tuổi cao thường có một số bệnh lý nền, khả năng hấp thụ dinh dưỡng và tuân thủ điều trị cũng kém hiệu quả hơn. Do đó, cần xây dựng phác đồ cân bằng hiệu quả và đảm bảo an toàn.
– Tình trạng sức khỏe tổng thể và bệnh lý đi kèm: Những bệnh lý nền như tim mạch, gan, thận… là một trong số các yếu tố khiến bác sĩ cân nhắc để lựa chọn phác đồ điều trị. Thể trạng tốt sẽ giúp tăng tiên lượng sống và đáp ứng điều trị tốt hơn. Những phương pháp điều trị cũng sẽ được cân nhắc tỉ mỉ để phù hợp với mỗi bệnh nhân. Người bệnh cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng và tuân thủ theo những lưu ý của bác sĩ.
– Phác đồ điều trị và phương pháp điều trị lựa chọn: Không phải tất cả bệnh nhân trong cùng giai đoạn đều có thể đáp ứng điều trị giống nhau và có phác đồ điều trị giống nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ phù hợp với phương pháp điều trị khác nhau và mức độ đáp ứng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
3. Điều trị bệnh ung thư cổ tử cung trong giai đoạn cuối
3.1 Điều trị ung thư cổ tử cung trong giai đoạn IVA
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA hiện nay thường được chỉ định điều trị kết hợp xạ trị và hóa trị.
Xạ trị sẽ sử dụng những tia X với năng lượng lớn để loại bỏ tế bào ung thư. Xạ trị trong điều trị ung thư cổ tử cung sẽ kết hợp chiếu ngoài và xạ trị áp sát. Riêng xạ trị áp sát có thể được bắt đầu vào tuần cuối của xạ trị chiếu ngoài hoặc đã xạ trị chiếu ngoài xong.
Việc thực hiện song song hóa trị và xạ trị và một bước tiến trong điều trị ung thư cổ tử cung và mang lại nhiều kết quả tốt cho những trường hợp bệnh nhân sau này.
3.2 Điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IV
Ung thư cổ tử cung một khi đã di căn đến các cơ quan xa thường rất khó để điều trị bởi bệnh thường được coi là khó chữa khỏi và thường điều trị với mục đích kéo dài sự sống kết hợp với giảm nhẹ triệu chứng. Các bệnh nhân có thể được điều trị toàn thân với những phương pháp như: miễn dịch, hóa chất, liệu pháp nhắm trúng đích… đơn lẻ hay phối kết hợp với nhau nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
4. Chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 4
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối cùng là cung cấp và hỗ trợ y tế, tình cảm, tinh thần và về mặt xã hội cho bệnh nhân. Đây cũng là cách để bệnh nhân được cải thiện cuộc sống hàng ngày và giảm đau đớn trong quá trình sinh hoạt, đồng thời cũng là cách người nhà bệnh nhân đồng hành cùng với người bệnh chống lại nỗi đau bệnh tật.
Mục đích của hình thức này là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình trong thời điểm tính mạng bị đe dọa. Đồng thời giúp nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho người bệnh và người thân từ đó giúp bệnh nhân giải thoát những suy nghĩ tiêu cực.
Chăm sóc giảm nhẹ sẽ bao gồm phòng ngừa cùng với quản lý những triệu chứng, làm giảm đau đớn và hỗ trợ bệnh nhân khi cần. Một ví dụ điển hình của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung là giảm kích thước của khối u, giảm dịch tiết âm đạo, lỗ rò, giảm chảy máu âm đạo, xử lí những vấn đề về dinh dưỡng, giảm đau đớn…
Trên đây là những thông tin quan trọng bệnh nhân cần biết về bệnh lý ung thư cổ tử cung trong giai đoạn cuối cùng. Để tăng cơ hội điều trị thành công bệnh cùng với có một sức khỏe tốt, người bệnh nên điều trị với những cơ sở y tế uy tín có đội ngũ bác sĩ giỏi và thường xuyên thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe hiện tại.