Ước tính còn khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ về bệnh lao phổi là gì, dấu hiệu nhận biết và các cách phòng ngừa bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lao phổi
Năm 2021, tại Việt Nam ghi nhận 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 trường hợp tử vong do lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ lây lan nhanh chóng ra cộng đồng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người bệnh.
1.1. Bệnh lao phổi là gì?
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều trên cơ thể, nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến phổi với tỷ lệ 80 – 85%. Ngoài ra, loại vi khuẩn này cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm hạch bạch huyết, xương, khớp, màng bụng và màng não,…
Bệnh lao phổi lây lan qua đường hô hấp khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói. Vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào phổi của người khỏe mạnh khi họ hít phải các hạt bụi hoặc nước bọt nhiễm bệnh.
1.2. Triệu chứng ở người bị bệnh lao phổi là gì?
Ở giai đoạn ủ bệnh, người bị lao phổi hầu như không có biểu hiện rõ ràng, khiến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này là rất khó. Đồng thời, người nhiễm vi khuẩn lao cũng chưa bài xuất mầm bệnh ra môi trường trong thời kỳ này. Khi bệnh đã tiến triển, một số triệu chứng sau có thể xuất hiện ở người bị lao phổi.
– Ho kéo dài hơn 2 tuần cho đến vài tháng. Có thể ho khan hoặc ho kèm theo đờm, ra máu.
– Sốt nhẹ, cảm thấy ớn lạnh về chiều tối.
– Đổ mồ hôi trộn vào ban đêm.
– Cơ thể mệt mỏi, đau khớp, cảm giác không có sức.
– Đau tức ngực, thỉnh thoảng cảm thấy khó thở.
– Chán ăn, cơ thể suy nhược và sụt cân.
– Mắc một số vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy,…
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, người bệnh cần lập tức đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Việc phát hiện ở giai đoạn sớm có thể giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đồng thời hạn chế nguy cơ lây lan cho những người xung quanh.
Hiện nay, có một số phương pháp chẩn đoán lao phổi là: Khám lâm sàng và chẩn đoán ban đầu dựa trên các triệu chứng đặc thù của bệnh, chụp X-quang phổi, chẩn đoán vi sinh, các xét nghiệm miễn dịch. Tùy vào tình trạng sức khỏe thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp phù hợp nhằm đưa ra kết luận chính xác.
1.3. Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc lao phổi, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây được cảnh báo nguy cơ cao mắc bệnh:
– Người bị suy giảm miễn dịch do mắc ung thư, HIV, đang điều trị hóa chất, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (corticoid),…
– Từng tiếp xúc với người mắc lao phổi ở khoảng cách gần. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch kém rất dễ bị nhiễm bệnh.
– Người có sẵn bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn,…
– Người nghiện ma túy, hút thuốc lá lâu năm hoặc thường xuyên lạm dụng rượu bia.
2. Lời khuyên trong quá trình điều trị bệnh
Trong quá khứ, bệnh lao phổi từng là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia vì tiên lượng thấp, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh lao phổi hiện nay đã có thể điều trị dễ dàng. Hầu hết người bị lao phổi đều có thể chữa khỏi bệnh nếu có phác đồ điều trị đúng đắn. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc trong thời gian điều trị, bao gồm uống thuốc đúng liều, đủ liều và đúng giờ.
Hiện nay, phương pháp điều trị lao phổi phổ biến nhất là sử dụng thuốc kháng sinh. Phác đồ điều trị thông thường kéo dài 6 – 9 tháng, hoặc lâu hơn tùy vào khả năng đáp ứng của mỗi người. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi thì điều quan trọng là phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn lao kháng thuốc.
Ngược lại, nếu không tuân thủ nguyên tắc điều trị dẫn đến trường hợp vi khuẩn lao kháng thuốc, thì quá trình chữa bệnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Người bệnh cũng cần theo dõi sức khỏe trong quá trình sử dụng kháng sinh trị lao phổi, vì loại thuốc này có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như: tổn thương gan, thận, mù màu, tăng axit uric máu, giảm bạch cầu/ tiểu cầu,…
3. Cách phòng bệnh lao phổi là gì?
Nguy hiểm là vậy, nhưng không phải trường hợp nào nhiễm vi khuẩn lao cũng sẽ bị lao phổi. Trong quá trình xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao phải vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể người. Đối với những người có sức đề kháng kém, thì vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập và sinh sôi nảy nở trong thời gian ngắn. Ngược lại, ở người có sức đề kháng khỏe thì bệnh sẽ tiến triển rất chậm, thậm chí không phát bệnh.
Có thể thấy dự phòng sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh lao phổi. Cho đến nay, tiêm vắc xin vẫn là phương pháp phòng ngừa lao phổi hiệu quả, nhằm tạo miễn dịch chủ động, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao.
Tại Việt Nam, các chuyên gia y tế khuyến cáo vắc xin ngừa lao phổi có thể áp dụng cho trẻ em và những người có nguy cơ cao mắc bệnh lao, người tiếp xúc gần với người bị lao phổi. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngăn ngừa bệnh lao phổi bằng cách:
– Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng tay để che mũi, miệng.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
– Tránh tiếp xúc gần với người bị lao phổi.
– Nếu bạn bị lao phổi, điều quan trọng là phải cách ly bản thân để ngăn ngừa lây lan bệnh cho người khác.
Có thể thấy, lao phổi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phác đồ. Để phòng ngừa bệnh, người dân cần chủ động tiêm vắc xin ngừa lao và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi và có cơ hội phát hiện bệnh kịp thời!