Hen phế quản có ảnh hưởng tới thai nhi không là lo lắng chung của nhiều thai phụ khi bị bệnh. Hen phế quản là bệnh nội khoa thường gặp, có thể gây ảnh hưởng và có khả năng nguy hiểm cho khoảng 4 – 8% phụ nữ mang thai. Khi mang thai nếu để bị lên cơn hen sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây thiếu oxy cho thai nhi.
Thông thường khi phụ nữ mang thai nếu bị hen phế quản sẽ có những dấu hiệu như: thở khò khè khi thở ra, co nặng ngực, ho và nói khó… Những triệu chứng này có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm.
Menu xem nhanh:
Hen phế quản có ảnh hưởng tới thai nhi?
Mức độ ảnh hưởng của hen phế quản trong thai kỳ tùy thuộc thể trạng của người bệnh.
Trong suốt thai kỳ, tình trạng bệnh hen phế quản xấu hơn ở khoảng 1/3 phụ nữ, cải thiện ở 1/3 và duy trì ổn định ở 1/3. Độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống như những lần mang thai tiếp theo.
Trong số phụ nữ có hen phế quản được cải thiện, sự cải thiện diễn tiến từ từ trong suốt thai kỳ. Hen phế quản thường ít nặng trong tháng cuối của thai kỳ. Nói chung, ở những người hen phế quản mức độ nhẹ, bệnh thường ít có những diễn biến đáng lo ngại trong thời kỳ mang thai.
Ngược lại, những trường hợp hen phế quản nặng, bệnh thường diễn biến xấu đi trong thời kỳ này. Một trong những lý do quan trọng làm cho tình trạng bệnh nặng lên trong thai kỳ là do người bệnh tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị do lo ngại về tính an toàn của thuốc.
Hầu hết các bệnh nhân hen phế quản có thể mang thai và sinh nở một cách bình thường như những người khỏe mạnh khác. Tuy nhiên, những trường hợp hen nặng, không được kiểm soát tốt có thể gây ra những tác động tiêu cực trên thai do tình trạng thiếu oxy máu kéo dài.
Phụ nữ mang thai bị hen phế quản có một sự gia tăng nhỏ nguy cơ gây một số biến chứng trong thai kỳ, làm tăng nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết…).
Điều trị và kiểm soát hen phế quản trong thai kỳ
Để điều trị và kiểm soát cơn hen phế quản khi mang thai, ngăn ngừa nguy cơ ản hưởng tới sức khỏe thai nhi, các bà bầu cần phải chú ý để thực hiện nghiêm ngặt các phương pháp điều trị ngăn chặn các cơn hen bất ngờ.
Cần kiểm soát chức năng hô hấp, tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen, tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường. Việc dùng thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Thai phụ cần tuân thủ theo đúng liều lượng sử dụng để ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng hơn hoặc ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, phụ nữ mang thai cần phải chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: khói thuốc lá, thuốc lào, lông súc vật chó, mèo…Các loại mùi hương mạnh như: phấn hoa, nước hoa, thuốc xịt côn trùng; Tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng; Luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô. Phụ nữ mang thai không được hút thuốc hay cho người khác hút thuốc trong nhà. Khói thuốc là yếu tố dễ kích thích các cơn hen cấp.
Chế độ dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Phụ nữ mang thai nên ăn đồ ấm, hạn chế tối đa đồ để lâu trong tủ lạnh. Đồng thời cũng phải giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm cúm, cảm lạnh thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh các tác nhân bất ngờ gây các cơn hen.
Nhiều phụ nữ lo lắng hen phế quản có ảnh hưởng tới thai nhi không? Khi được điều trị hen phế quản thích hợp thì phần lớn phụ nữ có thể dễ thở, có một thai kỳ bình thường và sinh con khỏe mạnh.