Nói nhiều, nói to, la hét, sử dụng dây thanh quá mức dẫn đến tổn thương dạng các hạt xơ của dây thanh quản . Vậy hạt xơ dây thanh quản có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Hạt xơ dây thanh là gì?
Hạt xơ dây thanh là tổn thương dạng khối nhỏ ở dây thanh là hậu quả của những “chấn thương” trong quá trình phát âm. Khi có hạt dây thanh sẽ làm người bệnh phát âm nặng nề, tình trạng giọng nói ngày càng khàn, hay hụt hơi, nói gắng sức, đau ngực khi nói.
Hạt dây thanh thường xuất hiện ở bệnh nhân nữ trẻ hoặc nam ở độ tuổi vị thành niên. Hạt dây thanh cũng rất thường gặp ở những người có nghề nghiệp phải nói nhiều hoặc nói lớn như giáo viên, ca sĩ. Các nhà khoa học cũng thấy rằng có sự liên hệ trực tiếp giữa tần suất nói (nhiều), tần số âm thanh với hạt dây thanh.
2. Hạt xơ dây thanh có nguy hiểm không?
Hạt xơ dây thanh không phải là căn bệnh ác tính và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh hạt xơ dây thanh quản lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói của bệnh nhân. Khi hạt xơ dây thanh phát triển tương đối to, giọng nói sẽ bị thay đổi rõ rệt, từ khàn giọng gián đoạn chuyển sang tính liên tục. Người bệnh khó có thể hát, nói to hay lên cao giọng. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, đặc biệt là những người thường phải dùng giọng nói như ca sĩ, diễn giả, người dẫn chương trình…
Khi bệnh hạt xơ dây thanh phát triển tương đối nặng, tình trạng khàn giọng kéo dài có khả năng khiến người bệnh bị mất giọng nói. Bệnh nhân không thể nói chuyện, giao tiếp hay giao lưu với người khác.
Hạt xơ dây thanh càng phát triển to thì họng càng sưng to, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống. Khi người bệnh nuốt thức ăn sẽ thấy đau rõ rệt, nuốt vướng. Nếu trẻ nhỏ bị hạt xơ dây thanh sẽ dẫn đến biếng ăn, chán ăn, khiến trẻ bị suy nhược, suy dinh dưỡng, phát triển kém.
3. Hạt xơ dây thanh làm sao để chữa trị?
Khi có triệu chứng bị hạt xơ dây thanh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán chính xác và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Trường hợp kích thước hạt xơ dây thanh còn nhỏ, không gây tác hại nhiều, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng viêm giúp giảm sưng viêm, bên cạnh đó cũng được yêu cầu luyện âm giúp làm giảm kích thước hạt xơ và giúp cải thiện chất lượng giọng nói. Ngoài ra, súc họng bằng nước muối sinh lý, kết hợp tránh nói to, uống nước lạnh, khói thuốc, rượu và hóa chất, đề phòng khô họng,… cũng cần thực hiện lúc này.
Tuy nhiên, trường hợp hạt xơ dây thanh có kích thước lớn, điều trị nội khoa không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thủ thuật cắt bỏ hạt xơ dây thanh giúp giải quyết tận gốc triệu chứng khàn tiếng, trả lại sự rung động mềm mại cho dây thanh.