Đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần là phương pháp ứng dụng công nghệ cao trong điều trị u tuyến giáp lành tính. Thủ thuật đem lại hiệu quả giúp loại bỏ khối u, an toàn, thẩm mỹ.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về đốt sóng cao tần u tuyến giáp
Đốt sóng cao tần u tuyến giáp (hay đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần) là phương pháp sử dụng nhiệt tạo ra bởi sóng cao tần để tiêu diệt khối u.
Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một đầu kim nhỏ tác động trực tiếp vào khối u (qua da) dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Nhiệt lượng sinh ra từ dòng điện xoay chiều tần số cao của máy đốt sóng khi truyền đến đầu kim sẽ làm khô mô mục tiêu, mất nước trong tế bào, từ đó khiến khối u hoại tử dần và biến mất. Phần thân kim được làm mát liên tục nhờ công nghệ bơm nước, do đó không ảnh hưởng tới các mô lành và mô mềm nơi thân kim đi qua.
Trước đây, phẫu thuật là phương pháp tiêu chẩn để điều trị u tuyến giáp có triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra các biến chứng như chảy máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược, thiếu hụt hormone tuyến giáp sau mổ, để lại sẹo xấu. Với mổ nội soi, người bệnh có thể gặp phải hội chứng đường hầm nách…
Đốt sóng cao tần là phương pháp điều trị ứng dụng công nghệ cao giúp khắc phục các nhược điểm của phương pháp phẫu thuật nêu trên. Do đó. trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định đốt sóng cao tần điều trị u giáp lành tính thay vì mổ lấy u như thông thường.
2. Đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần có ưu, nhược điểm gì?
Đốt sóng cao tần u tuyến giáp được coi là bước đột phá trong điều trị nhân giáp lành tính nhờ các ưu điểm:
– Xâm lấn tối thiểu, không đau, không để lại sẹo dài vùng cổ (đảm bảo tính thẩm mỹ)
– Hiệu quả điều trị cao, giúp giảm kích thước u giáp, giảm triệu chứng, đồng thời bảo toàn tối đa mô lành, duy trì chức năng tuyến giáp.
– Không gây mê, chỉ gây tê tại chỗ, tránh được các biến chứng gây mê.
– Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh chỉ từ 30-45 phút, không cần lưu viện, tiết kiệm tối đa chi giường nằm và chăm sóc sau điều trị.
– Hạn chế các nguy cơ thường gặp trong phẫu thuật tuyến giáp liên quan đến tổn thương dây thần kinh quặt ngược, sốc, khàn tiếng…
– Người bệnh không cần kiêng khem, nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt, làm việc như bình thường.
– Đặc biệt, người bệnh không cần sử dụng thuốc hormone thay thế sau điều trị như đối với sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.
Đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp lành tính mang đến nhiều thuận lợi trong điều trị bệnh, song thủ thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn. Một số hạn chế khác khi điều trị bằng phương pháp này có thể bao gồm: chi phí thực hiện cao, kỹ thuật chưa thật sự phổ biến ở tất cả các cơ sở y tế… Do đó không phải tất cả các bệnh nhân đều có thể lựa chọn áp dụng phương pháp này để điều trị.
3. Đốt sóng cao tần u tuyến giáp được chỉ định trong trường hợp nào?
Như đã đề cập, không phải tất cả các bệnh nhân mắc u tuyến giáp đều có thể điều trị bằng đốt sóng cao tần. Bên cạnh những trở ngại về chi phí và trang thiết bị, cơ sở vật chất, đốt sóng cao tần u tuyến giáp chỉ được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể, bao gồm:
– Có khối u lồi vùng cổ, gây mất thẩm mỹ.
– Khối u to gây chèn ép thực quản, thanh quản, khiến người bệnh khó nuốt, nuốt nghẹn, ho khan, khó chịu…
– Nhân nóng tuyến giáp gây tình trạng cường giáp.
– Ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn sớm chưa di căn.
– Ung thư tuyến giáp tái phát tại chỗ sau mổ, hoặc di căn tại chỗ sau mổ.
Dù không có chống chỉ định tuyệt đối, đốt sóng cao tần u tuyến giáp vẫn được khuyến cáo không áp dụng đối với các trường hợp:
– Phụ nữ mang thai.
– Người mắc các bệnh lý tim mạch diễn tiến nghiêm trọng.
– Người bị liệt dây thanh quản quặt ngược.
4. Quy trình thực hiện
Đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp được thực hiện theo 3 bước chính bao gồm:
4.1. Chuẩn bị trước đốt sóng
Thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chức năng tuyến giáp là điều kiện cần để bác sĩ tiến hành chỉ định phương pháp đốt sóng cao tần cho người bệnh. Sau khi tư vấn cùng bác sĩ, hiểu được ưu – nhược điểm của phương pháp này, bệnh nhân sẽ ký cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.
4.2. Thực hiện đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí, kích thước u giáp và thể tích bướu giáp. Tiếp đến sử dụng kim nhỏ FNA chọc hút dịch bên trong khối u để tiến hành sinh thiết giải phẫu mô bệnh học, giúp chẩn đoán tính chất khối u là là hay ác tính.
Nếu thuộc trường hợp có chỉ định đốt sóng tuyến giáp, bác sĩ sẽ thực hiện vô khuẩn, gây tê vùng cổ người bệnh và tiến hành đốt sóng điều trị khối u. Dưới hướng dẫn của siêu âm và tác dụng của nhiệt lượng từ máy đốt sóng, các nhân giáp bị đốt dần thu nhỏ kích thước và biến mất.
Tuỳ thuộc vào số lượng nhân giáp, thời gian điều trị ở mỗi bệnh nhân là khác nhau, song trung bình thường diễn ra từ 30-45 phút. Người bệnh không gây mê, có thể tỉnh táo trao đồi với bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
4.3. Theo dõi sau thủ thuật đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Sau khi kết thúc quá trình đốt sóng, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, theo dõi tại viện từ 30-60 phút, sau đó có thể ra về. Do mức độ xâm lấn là tối thiểu, người bệnh không cần kiêng khem, có thể nhanh chóng sinh hoạt như thường ngày.
Thông thường, mất từ 9-12 tháng để khối u tuyến giáp giảm tối đa thể tích hoặc biến mất. Tuy nhiên trong trường hợp lần điều trị đầu tiên chưa đạt kết quả như mục tiêu đặt ra, người bệnh có thể thực hiện lần 2 mà ko cần lo lắng vể ảnh hưởng đến vết thương cũ như phẫu thuật truyền thống.
5. Lưu ý khi đốt u tuyến giáp bằng sóng cao tần
Đốt sóng u tuyến giáp bằng sóng cao tần là phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, mang đến nhiều thuận lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng cần một khoảng thời gian để thật sự thấy được kết quả chính xác nhất.
Do đó, sau điều trị, người bệnh cần tái khám đúng lịch (có thể là 1 tháng/ lần, 3 tháng/ lần, 6 tháng/ lần hoặc 12 tháng/ lần) tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu kết quả điều trị đạt mục tiêu phác đồ và các chỉ số xét nghiệm bình thường trở lại, lịch tái khám có thể giãn ra.
Khám định kỳ tuyến giáp cũng cần thực hiện ít nhất 1 năm/ lần trong 5 năm liên tục sau đốt sóng.