Đột quỵ thân não có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và phát hiện kịp thời. Các triệu chứng có thể trở nặng nhanh chóng trong vài giờ gây nguy hiểm đến tính mạng. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này và cách chẩn đoán, điều trị, phòng tránh qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thân não và đột quỵ thân não là gì?
Thân não là phần não nằm sâu trong não và kéo dài xuống phía sau đầu, ngay nơi giao thoa giữa hộp sọ và cột sống, nơi kết nối não với tủy sống. Tuy có kích thước tương đối nhỏ nhưng vùng thân não có vai trò quan trọng trong việc điều khiển chuyển động cho đôi mắt, kiểm soát việc nuốt, hít thở và nghe của cơ thể. Ngoài ra, đây là trung tâm điều khiển một số chức năng quan trọng như hô hấp, điều hòa tim, kiểm soát tuần hoàn máu và tiêu hóa của cơ thể.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não vùng thân não là loại đột quỵ xảy ra khi các động mạch nhỏ phía sau cổ và não (bao gồm động mạch nền, động mạch tiểu não dưới bên trái và phải, động mạch đốt sống trái và phải) bị tắc nghẽn khiến việc lưu thông máu trong não bị gián đoạn.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ thân não
Nguyên nhân gây đột quỵ ở vùng thân não nhìn chung tương tự với các nguyên nhân gây đột quỵ nói chung, bao gồm các bệnh lý não, bệnh tim mạch và một số bệnh lý mạn tính khác. Cụ thể:
2.1 Đột quỵ thân não do các bệnh lý về não
Phình động mạch não, dị dạng động mạch, co thắt mạch máu não là những bất thường ở não khiến người bệnh dễ bị loại đột quỵ này. Tình trạng thiếu máu cục bộ, rối loạn dòng chảy của máu, co thắt mạch là những căn nguyên gây ra các bệnh lý kể trên.
2.2 Đột quỵ thân não liên quan đến các bệnh lý về tim
Rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch cảnh, bệnh van tim… là những bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến mà nếu không được điều trị sớm có thể tạo điều kiện cho sự hình thành cục máu đông gây tắc mạch, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
Những bệnh nhân lên cơn đau tim có thể bị thiếu máu não đột ngột dẫn đến đột quỵ. Người bị tăng huyết áp quá lâu hoặc bị tăng đột ngột rất dễ gặp các bệnh lý về não, tim và động mạch cảnh mà hậu quả cuối cùng là đột quỵ.
2.3 Các bệnh lý mạn tính khác gây đột quỵ vùng thân não
Bên cạnh những người mắc bệnh lý về tim, não, các bệnh nhân mắc bị tiểu đường, mỡ máu, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, các chứng viêm,… cũng rất dễ bị đột quỵ. Khi bị nhiễm trùng nặng, khả năng đông máu hoặc chảy máu của cơ thể thay đổi, có thể dẫn đến tắc mạch hoặc xuất huyết làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Một số loại thuốc điều trị bệnh mạn tính nếu dùng với liều lượng cao cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu, chảy máu và thay đổi huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ ở thân não.
3. Biểu hiện tai biến mạch máu não vùng thân não
Khi vùng thân não xảy ra đột quỵ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
– Liệt, yếu hoặc mất cảm giác bên cơ thể đối diện với bên thân não bị thương tổn.
– Nhìn đôi, một bên mắt không thể cử động được.
– Đồng tử 2 bên không đều, bệnh nhân chóng mặt, quay cuồng, không giữ được thăng bằng.
– Sụp mí mắt, méo miệng một bên, cùng với bên thân não bị đột quỵ. Điều này ngược lại với đột quỵ ở vỏ não.
– Lưỡi cử động kém linh hoạt, người bệnh nói lắp, khó nuốt.
– Một bên vai bị yếu, khó nâng lên.
– Nấc cụt.
– Thay đổi tri giác, hôn mê.
4. Chẩn đoán và điều trị tai biến mạch máu não vùng thân não
Việc chẩn đoán tai biến mạch máu não vùng thân não bao gồm thăm khám lâm sàng một cách kỹ lưỡng, kết hợp chẩn đoán hình ảnh trong một khoảng thời gian (từ vài ngày đến vài tuần).
Việc khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ phân biệt triệu chứng giữa đột quỵ ở vùng thân não với vùng vỏ não, giữa đột quỵ và các căn bệnh khác có triệu chứng tương tự. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng xác định nguyên nhân đột quỵ.
So với đột quỵ ở những vùng khác của não, hình ảnh tai biến vùng thân não trên phim chụp CT hoặc MRI thường không rõ nét bằng, do vùng này tương đối nhỏ và bị che khuất bởi các xương lân cận của hộp sọ và phần thân trên của cột sống. Do vậy, để chẩn đoán được tổn thương này đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ cao và am hiểu cặn kẽ cũng như kinh nghiệm lâu năm.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, các bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp bằng thuốc hoặc can thiệp.
5. Phòng tránh đột quỵ thân não bằng cách nào?
Tai biến thân não rất nguy hiểm vì phần não này liên quan đến rất nhiều chức năng hô hấp, tuần hoàn trong cơ thể. Nếu vùng não này bị tổn thương, khả năng tử vong và gặp di chứng của bệnh nhân sẽ rất cao.
Để tránh nguy cơ bị mắc đột quỵ vùng thân não cũng như các loại đột quỵ nào khác, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen xấu như ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, ăn nhiều đường, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thức khuya, căng thẳng,… Bên cạnh đó thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện tầm soát sớm nguy cơ đột ở các trung tâm – bệnh viện uy tín. Bởi đột quỵ xảy ra đột ngột nhưng thường là hậu quả của các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu. Càng thăm khám và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ thì việc kiểm soát càng trở nên dễ dàng.
Trên đây là những thông tin về bệnh đột quỵ thân não, hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn và biết cách nhận diện bệnh. Nếu có nhu cầu thăm khám các vấn đề liên quan đến đột quỵ, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ và đặt lịch.