Dinh dưỡng cho người bệnh cường tuyến giáp rất quan trọng, vừa giúp tăng cường sức khỏe lại hạn chế bệnh tiến triển. Tuy nhiên, ít người biết được chế độ dinh dưỡng phù hợp khi bị bệnh.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân cường tuyến giáp
Cường giáp là một bệnh nội tiết thường gặp. Bệnh do yếu tố phản ứng tự miễn của cơ thể, gây nên sự tăng tiết của tế bào tuyến giáp mà sinh bệnh. Bệnh hay gặp ở độ tuổi trung niên từ 30 – 45 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam, tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1/4.
Bệnh phần lớn kèm theo to tuyến giáp, một số ít phát bệnh sau một chấn thương tinh thần mạnh. Bệnh nhân thường tính tình dễ nóng nảy, hồi hộp, ra nhiều mồ hôi, mau đói, người gầy, sút cân, ngón tay run giật, tuyến giáp to, mắt lồi.
Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh nhân cường tuyến giáp:
– Chú ý ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, hàm lượng protein cao, nhiều tinh bột…
– Người bệnh cường giáp nên tăng cường các thức ăn có chứa nhiều khoáng chất, hàm lượng vi chất cao.
– Nên ăn nhiều thức ăn có chứa hàm lượng kali cao và cũng nên ăn những thức ăn có chứa nhiều canxi và phốtpho.
– Điều đặc biệt cần lưu ý đó là khi đang điều trị bệnh cường giáp cần giảm hoặc kiêng những thức ăn có chứa hàm lượng i ốt cao, không ăn những thức ăn nóng, cay, khô như gừng sống, ớt, thịt dê…
Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh cường tuyến giáp cần tránh các thực phẩm sau:
– Kiêng ăn chế phẩm của sữa, kiêng uống nước ngọt có tính kích thích, kiêng uống cà phê, trà và các chất kích thích có chứa nicôtin, hút thuốc.
– Người bệnh phải kiêng ăn những thức ăn có hàm lượng iốt cao, trong ăn uống phải kiêng ăn thức ăn nóng, khô cay như ớt, gừng sống, thịt dê…
– Thực phẩm giàu i ốt. I ốt làm tăng hoạt động của tuyến giáp, do đó cần tránh các loại thực phẩm có chứa i ốt. Bạn nên tránh ăn rong biển, tảo bẹ và một số loại hải sản giàu i ốt khác.
– Cần tránh caffeine: Caffeine kích thích tuyến giáp tiết quá nhiều hormone thyroxin, làm bộ máy cơ thể chạy nhanh bất thường, dẫn đến tỏa nhiều nhiệt nên người lúc nào cũng nóng nảy, khó chịu. Thay thế đồ uống chứa caffeine bằng nước lọc hoặc nước ép trái cây.
– Các chế phẩm từ sữa: Ở một số người, bệnh cường giáp khiến cơ thể không dung nạp lactose hoặc không có khả năng tiêu hóa sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Hãy tránh các sản phẩm từ sữa nếu bạn hay bị khó tiêu, đầy hơi hoặc mệt mỏi sau khi uống sữa, ăn phô mai, kem và sữa chua.
– Bột: Bột chứa ít dưỡng chất và lại khó tiêu hóa hơn so với ngũ cốc nguyên hạt. Đây cũng là loại thực phẩm có đường huyết cao và có thể ảnh hưởng lượng đường cũng như hormone trong máu. Chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh nhân cường giáp bao gồm gạo lứt, lúa mạch, bánh từ lúa mì…
– Đường: Bạn cũng cần tránh đường mía, si rô bắp có đường fructose cao. Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng mức độ hồi hộp ở những người bị cường giáp. Tránh thực phẩm và đồ uống như nước ngọt, thạch mứt…
– Thịt đỏ: Thường có hàm lượng cao cholesterol và chất béo bão hòa nên bạn cần loại bớt. Ăn nhiều thịt đỏ khi bị cường giáp có thể gây bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2. Giảm lượng thịt đỏ có thể giúp giảm các triệu chứng của cường giáp.
Trên đây là chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cường tuyến giáp nên áp dụng hàng ngày. Bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện sớm tình trạng bệnh.