Điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em: 3 lưu ý quan trọng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tiêu chảy cấp là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị tiêu chảy cấp hiệu quả? Bài viết này của Thu Cúc TCI sẽ cung cấp cho bố mẹ những thông tin cần thiết đó, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!

1. Nhận biết tiêu chảy cấp như thế nào?

Tiêu chảy cấp thường được nhận biết qua các dấu hiệu như đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân có thể chứa nước hoặc mất tính liên kết thông thường. Ngoài hai dấu hiệu đó, trẻ em bị tiêu chảy cấp còn có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như sốt, buồn nôn, nôn và đau bụng… Những dấu hiệu này thường xuất hiện đột ngột gây khó chịu đáng kể cho trẻ:

– Tần suất đi ngoài tăng đột ngột: Trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên một ngày, tần suất này thay đổi đáng kể so với tần suất đi vệ sinh bình thường của trẻ.

– Phân lỏng: Phân lỏng (phân chứa nước hoặc mất tính liên kết thông thường), có thể có màu và mùi bất thường.

– Mất nước: Trẻ tiêu chảy cấp có thể mất nước, biểu hiện qua các dấu hiệu như khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, da khô và kém đàn hồi.

– Sốt và buồn nôn, nôn: Trong một số trường hợp, trẻ tiêu chảy cấp có thể sốt và nôn, làm tăng nguy cơ mất nước và các biến chứng khác.

Trong một số trường hợp, trẻ tiêu chảy cấp có thể sốt và nôn, làm tăng nguy cơ mất nước và các biến chứng khác.

Trẻ tiêu chảy cấp có thể sốt và nôn.

– Đau bụng: Trẻ cũng có thể đau bụng do co thắt hoặc do kích thích ruột.

– Chán ăn: Trẻ tiêu chảy cấp thường chán ăn do buồn nôn hoặc đau bụng.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây tiêu chảy cấp ở trẻ, bao gồm:

– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp ở trẻ em. Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng như E. coli, Salmonella, Rotavirus, Norovirus và Giardia có thể gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy cấp.

– Ngộ độc thực phẩm: Tiêu thụ thực phẩm hư hỏng cũng có thể gây tiêu chảy cấp.

– Dị ứng và không dung nạp thực phẩm: Một số trẻ có thể phản ứng với các thành phần nhất định trong thực phẩm, như lactose trong sữa bò hay gluten trong các sản phẩm chứa lúa mì, dẫn đến tiêu chảy cấp.

– Thay đổi chế độ ăn: Sự thay đổi đột ngột trong chế độ ăn của trẻ, như chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc từ sữa mẹ sang thức ăn dặm, cũng có thể gây tiêu chảy cấp.

– Sử dụng thuốc kháng sinh: Trẻ em dùng thuốc kháng sinh có thể mất cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy cấp.

– Các vấn đề y tế khác: Các tình trạng y tế khác như viêm ruột, bệnh celiac hoặc các rối loạn tiêu hóa khác cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em.

Trẻ em dùng thuốc kháng sinh có thể mất cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy cấp.

Trẻ em dùng thuốc kháng sinh có thể bị tiêu chảy cấp.

2. Chuyên gia hướng dẫn điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ

Tiêu chảy cấp có thể trở nên rất nguy hiểm đối với trẻ em vì những lý do sau:

– Mất nước, mất chất điện giải nghiêm trọng: Tiêu chảy cấp có thể gây mất nước, mất chất điện giải nghiêm trọng qua phân. Nước và chất điện giải như natri, kali và clorua rất thiết yếu cho hoạt động của cơ bắp và các truyền dẫn thần kinh.

– Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy cấp có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

– Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch: Một hệ thống miễn dịch yếu có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác cũng như giảm khả năng phục hồi của cơ thể sau khi mắc các bệnh lý đó.

– Biến chứng nghiêm trọng: Trong trường hợp nghiêm trọng, tiêu chảy cấp có thể dẫn đến sốc, hôn mê và thậm chí là tử vong, nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở các khu vực thiếu cơ sở y tế đầy đủ.

Do đó, nhận biết sớm và điều trị kịp thời tiêu chảy cấp ở trẻ em là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các hậu quả nghiêm trọng.

Khi điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em, mục tiêu chính là dự phòng mất nước, mất chất điện giải và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Dưới đây là các bước cơ bản và quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em:

2.1. Bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ để điều trị tiêu chảy cấp

Nếu trẻ đang bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ không chỉ cung cấp nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng mà còn chứa các kháng thể giúp trẻ chống lại nhiễm trùng.

Nếu trẻ đã ăn dặm, bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol như sau:

Bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ để điều trị tiêu chảy cấp

Nếu trẻ đã ăn dặm, bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol.

– Bước 1, chuẩn bị dung dịch oresol: Bố mẹ có thể mua các gói oresol tại nhà thuốc haowcj các trung tâm y tế. Mỗi gói thường chứa đầy đủ các chất điện giải cần thiết theo tỷ lệ đã được tính toán để giúp bù nước, bù chất điện giải hiệu quả. Pha oresol theo hướng dẫn được in trên bao bì. Đảm bảo nước dùng để pha là nước sạch. Tránh sử dụng nước nóng và nước trái cây, nước ngọt để pha.

– Bước 2, cho trẻ uống dung dịch oresol: Khuyến cáo chung là sau mỗi lần đi ngoài, cho trẻ uống khoảng 50 – 100ml đối với trẻ dưới 2 tuổi và 100 – 200ml đối với trẻ trên 2 tuổi. Dùng thìa để cho trẻ uống từ từ.

– Bước 3, theo dõi và điều chỉnh: Theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống dung dịch oresol. Nếu tình trạng đi ngoài phân lỏng không giảm hoặc trẻ có dấu hiệu mất nước, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị thêm.

Bố mẹ lưu ý: Không cho trẻ uống dung dịch oresol quá liều lượng khuyến cáo mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dung dịch oresol đã pha nên sử dụng trong 24 giờ và bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh. Đổ bỏ dung dịch còn lại sau 24 giờ.

2.2. Thực hành chế độ ăn uống phù hợp để điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ

Khi trẻ không còn đi ngoài phân lỏng nhiều lần một ngày, có thể từ từ giới thiệu lại thức ăn cho trẻ. Bắt đầu với thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp… Các sản phẩm từ sữa (ngoại trừ sữa mẹ), đồ ăn chua, cay, mặn, ngọt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy, tránh cho trẻ ăn chúng.

2.3. Khi nào cần đến bác sĩ

Bố mẹ cần thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu mất nước như khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, da khô và kém đàn hồi cũng như thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ xem có sốt hay không, vì sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng. Khi có các dấu hiệu dưới đây, cần cho trẻ đến bác sĩ ngay:

– Trẻ tiêu chảy cấp kéo dài hơn 24 giờ.

– Trẻ có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng đã được liệt kê phía trên.

– Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi nhiều hoặc kích động.

– Trẻ đi ngoài phân lẫn máu hoặc mủ.

– Trẻ không ăn hoặc uống được.

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em đòi hỏi sự chú ý đặc biệt để đảm bảo trẻ không mắc các biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, bổ sung nước và các chất điện giải kịp thời cùng với theo dõi sức khỏe chặt chẽ là chìa khóa để đảm bảo trẻ nhanh chóng phục hồi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital