Polyp mũi là một khối u lành tính thường gây ra các triệu chứng giống như viêm mũi xoang như: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác,… có thể gây biến chứng và làm nặng thêm các bệnh viêm mũi, xoang khác. Để điều trị polyp mũi hiệu quả người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để có phác đồ chữa trị hợp lý.
Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang – là 4 khoang trống trên và sau mũi, thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm.
Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi.
Hiện nay, có nhiều cách điều trị polyp mũi như:
Menu xem nhanh:
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Nếu có một hoặc nhiều polyp mũi nhỏ, có thể dùng thuốc xịt mũi chứa corticosteroid như fluticasone (Flonase), triamcinolone (Nasacort), budesonide (Rhinocort), flunisolide (Nasarel) hoặc mometasone (Nasonex). Các thuốc này giảm phản ứng viêm, tăng luồng không khí qua mũi và có thể làm teo nhỏ polyp.
Các thuốc khác dùng điều trị polyp mũi bao gồm:
– Corticosteroids uống. Đôi khi cần dùng đến corticosteroid uống, đơn độc hoặc kết hợp với thuốc xịt mũi. Do steroid uống có thể gây những tác dụng phụ nghiêm trọng, thường chỉ nên dùng ngắn hạn – không lâu hơn vài tuần.
– Các thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng. Ngoài việc điều trị polyp mũi, cần phải kiểm soát thêm tình trạng dị ứng và nhiễm trùng. Dùng thuốc kháng histamine, để kháng lại tình trạng dị ứng do cơ thể tiếp xúc với dị ứng nguyên. Các thuốc kháng histamine làm bớt nghẹt mũi, dù không loại trừ được polyp. Ngoài ra, cần dùng thêm kháng sinh đối với những trường hợp nhiễm trùng cấp ở xoang.
– Thuốc kháng nấm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số trường hợp viêm xoang mãn có thể là hậu quả của phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với vi nấm ở môi trường xung quanh. Vì lý do đó, thuốc kháng nấm là cần thiết dù vẫn phải cùng lúc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ những mảnh vi nấm.
Điều trị polyp mũi bằng phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, thì người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt polyp. Đối với bệnh nhân xơ nang phổi có polyp mũi đề kháng với corticoide, đây chính là lựa chọn duy nhất. Cách phẫu thuật tùy thuộc vào số lượng và vị trí của polyp. Các lựa chọn cho phẫu thuật cắt polyp bao gồm:
– Cắt polyp: Polyp nhỏ và đơn độc được cắt bỏ dễ dàng bằng cách dùng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc một máy vi cắt lọc. Sau khi cắt polyp, phải điều trị tình trạng viêm, thường sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid và đôi khi cần dùng đến thuốc kháng sinh và thuốc corticosteroid đường uống.
– Phẫu thuật nội soi xoang. Đây là một phẫu thuật rộng hơn, không những cắt polyp mà còn mở cả phần xoang nơi polyp thường hình thành. Nếu xoang nghẹt và viêm, cần mở rộng thêm hốc xoang. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ dùng một ống cứng, mỏng có gắn camera gọi là ống nội soi. Do phẫu thuật nội soi chỉ rạch những đường rất nhỏ nên vết mổ sẽ lành nhanh và ít đau đớn khó chịu hơn các kiểu phẫu thuật khác.
Việc điều trị polyp mũi bằng phương pháp nào cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.