Hen phế quản còn được gọi là hen suyễn, là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm đường thở tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt khi thời tiết giao mùa, trời chuyển lạnh đột ngột. Bệnh thường diễn biến nhanh nên việc điều trị hen phế quản cần được thực hiện kịp thời, đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu tống quan về hen phế quản
Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm đường dẫn khí mạn tính. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản người bệnh vốn nhạy cảm sẽ phản ứng dữ dội, biểu hiện bằng một loạt các triệu chứng bao gồm:
– Khó thở
– Thờ khò khè
– Nặng ngực
– Ho
Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản cũng như cơ địa từng người mà cơn hen phế quản sẽ biểu hiện các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Một số thông tin đáng lưu ý liên quan đến bệnh hen phế quản như sau:
– Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tính đến năm 2025 số trường hợp bị hen phế quản có thể đạt ngưỡng 400 triệu người. Mỗi năm có khoảng 250.000 người tử vong do hen phế quản trên toàn cầu.
– Theo thống kê, chi phí dành cho điều trị bệnh hen phế quản chiếm từ 1-3% trên tổng chi phí y tế tại hầu hết các nước.
– Bệnh lý này hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được điều trị phù hợp triệu chứng của bệnh có thể cải thiện đáng kể.
2. Thông tin các nguyên nhân khởi phát cơn hen
Các yếu tố khởi phát khiến cơ thể phản ứng lại từ đó gây nên một số bất thường ở đường hô hấp như viêm phế quản, tăng tiết dịch nhầy, co thắt phế quản, …
Một số yếu tố gây hen khác có thể kể đến bao gồm:
– Người bị căng thẳng, cảm xúc mạnh như bất ngờ, shock, …
– Virus, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn đường hô hấp
– Tập luyện thể lực hoặc lao động quá sức
– Không khí lạnh
– Do hạt bụi, hóa chất độc hại, khói thuốc lá xuất hiện trong không khí
– Người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen, ức chế beta, naproxen
– Thực phẩm người bệnh ăn vào cũng có thể là nguyên nhân gây phản ứng hen như đồ uống có cồn, hải sản, …
Đối với những người đã được chẩn đoán hen phế quản, khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích trên có thể khởi phát cơn hen cấp.
3. Triệu chứng
Mỗi người sẽ gặp các triệu chứng hen phế quản khác nhau. Người bệnh có thể khởi phát cơn hen phế quản không thường xuyên, triệu chứng chỉ xuất hiện vào một số thời điểm nhất định hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên. Sau khi dứt cơn hen, người bệnh có thể trở lại trạng thái bình thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen phế quản thường như sau:
– Ho nhiều về đêm: bệnh viêm xoang, cúm, cảm lạnh, … cũng khiến người bệnh ho. Tuy nhiên, ho do hen phế quản thường kéo dài, ho nhiều về đêm do đường thở bị thu hẹp.
– Khó thở: ở người bệnh hen phế quản, đường thở bị thu hẹp gây nên tình trạng khó thở.
– Thở khò khè: đây là dấu hiệu điển hình mà người bệnh không nên bỏ qua. Nguyên nhân do không khí đi qua phổi bị cản trở bởi tình trạng phù nề ống phế quản. Do đó, âm thanh khò khè xuất hiện. Tình trạng khò khè trở nên nghiêm trọng hơn khi trời lạnh.
– Thở nhanh, gấp
– Đau thắt ngực
– Nhợt nhạt
4. Chẩn đoán và điều trị hen phế quản như thế nào?
4.1. Chẩn đoán
Bạn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám trong các trường hợp sau:
– Ho, khò khè, khó thở kéo dài nhiều ngày đến 1 tuần mà không có dấu hiệu cải thiện.
– Bạn có tiền sử hen phế quản và cần theo dõi bệnh thường xuyên.
– Bạn mắc bệnh hen phế quản và các triệu chứng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
– Bạn đang áp dụng các biện pháp điều trị nhưng tình trạng bệnh không cải thiện.
Quy trình thăm khám và chẩn đoán hen phế quản như sau:
Lâm sàng
Bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ thông qua việc hỏi han, quan sát triệu chứng và thông tin tiền sử bệnh của người bệnh.
Cận lâm sàng
– Đo chức năng hô hấp
– X-quang phổi
– Chụp CT lồng ngực
4.2. Phương pháp điều trị hen phế quản bằng thuốc
Để điều trị hen phế quản, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc như sau:
– Sử dụng thuốc kiểm soát
Đây là loại thuốc được sử dụng hàng ngày giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa cơn hen trở nặng.
– Sử dụng thuốc cắt cơn
Nhóm thuốc này có công dụng giảm nhanh, kịp thời các triệu chứng trong bệnh hen phế quả ngay lập tức.
– Thuốc điều trị phối hợp với trường hợp bị hen nặng
Loại thuốc này được cân nhắc khi người bệnh có triệu chứng hen dai dẳng và đợt hen cấp vẫn xuất hiện dù đã được điều trị bằng liều cao.
Lưu ý rằng những loại thuốc trên đây cần do bác sĩ chuyên khoa chỉ định loại thuốc và liều lượng, thời gian uống. Người bệnh không được tự ý uống vì có thể khiến các đợt hen cấp xuất hiện, gây nguy hiểm.
4.3. Cải thiện, điều trị hen phế quản bằng cách thay đổi lối sống
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý một số điều sau để kết quả điều trị khả quan nhất:
– Tập thể dục đều đặn, vừa sức, tuyệt đối không được tập nặng.
– Ăn uống hợp lý, tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh.
– Phòng tránh các yếu tố nguy cơ cao làm khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi; vệ sinh nhà ở, văn phòng làm việc sạch sẽ, …
– Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho phù hợp, tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sự lựa chọn phương pháp điều trị hen phế quản còn phải phụ thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát cũng như yếu tố kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám đúng lịch để bác sĩ đánh giá mức độ kiểm soát hen. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp về phương pháp điều trị cũng như cách sinh hoạt, ăn uống.
Tóm lại, hen phế quản là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, không lây lan từ người sang người. Bệnh liên quan đến cơ địa của từng người và có tính di truyền. Mỗi người cần nâng cao nhận thức của mình về bệnh để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.