“Điểm danh” các phương pháp điều trị loãng xương hiệu quả

Bệnh loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, có thể dẫn tới teo cơ, bại liệt thậm chí tàn tật. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc thực hiện các phương pháp điều trị loãng xương hiện nay chỉ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ gãy xương.

1.Tổng quan về bệnh loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương bị rối loạn chuyển hóa, từ đó làm suy giảm sức mạnh của xương, tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương phụ thuộc vào 2 yếu tố: chất lượng và khối lượng xương. Để biết được lượng khoáng chất tại 1 đơn vị diện tích, người bệnh cần tiến hành đo mật độ xương. Còn chất lượng xương được đánh giá qua tốc độ chuyển hóa xương, cấu trúc xương, mức độ tổn thương tích lũy, độ khoáng hóa…

Loãng xương diễn biến thầm lặng, nhiều trường hợp chỉ khi bị gãy xương người bệnh mới phát hiện ra. Bệnh có thể gây tê mỏi chân tay, thoái hóa khớp, đau nhức, ê buốt xương. Thậm chí, loãng xương còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây teo cơ, bại liệt và tàn tật.

Theo thống kê, ở Việt Nam triệu chứng loãng xương thường xuất hiện ở phụ nữ trên 60 tuổi, tỷ lệ khoảng 20%. Ước tính mỗi năm, số ca gãy cơ xương đùi ở nam giới là 6300 ca, phụ nữ là 17000 ca. Số người mắc bệnh được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 20 năm tới.

Phương pháp điều trị loãng xương nào hiệu quả nhất?

Bệnh loãng xương phổ biến ở người cao tuổi.

2. Dấu hiệu của loãng xương

Bệnh loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Chỉ khi xương yếu, gãy hoặc bị trẹo chân, va đập… bệnh mới được phát hiện.

Những dấu hiệu thường xuất hiện khi có biến chứng hoặc biểu hiện của gãy xương thứ phát. Cụ thể là:

– Mật độ xương giảm: Giảm mật độ xương khiến xương cột sống có thể gãy lún hoặc xẹp. Người bệnh thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau lưng cấp, chiều cao giảm, đi lom khom và gù lưng.

– Đầu xương đau nhức: Là triệu chứng dễ nhận thấy nhất. Bệnh nhân bị mỏi dọc các xương dài, cũng có thể gặp tình trạng đau nhức toàn thân như kim chích.

– Các vùng xương chịu trọng lực cơ thể bị đau: Bao gồm xương cột sống, xương chậu, xương thắt lưng, xương hông, xương đầu gối. Sau chấn thương, cơn đau thường tái phát nhiều, đau âm ỉ kéo dài. Đặc biệt, cơn đau có dấu hiệu tăng dần khi di chuyển, đứng hoặc ngồi lâu và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

– Đau hai bên liên sườn, đau thắt lưng, cột sống: Cơn đau ảnh hưởng tới dây thần kinh đùi, dây thần kinh tọa và dây thần kinh liên sườn. Nếu bệnh nhân vận động mạnh, thay đổi tư thế đột ngột sẽ khiến cơn đau ở lưng trở nặng. Việc thực hiện tư thế gập, cúi, xoay ở người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Ở tuổi trung niên, tình trạng giảm mật độ xương có thể xuất hiện thêm triệu chứng của bệnh cao huyết áp, giãn tĩnh mạch hoặc thoái hóa khớp.

3. Nguyên nhân nào gây loãng xương?

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương, đặc biệt người từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tỷ lệ phụ nữ bị loãng xương cũng cao hơn so với nam giới.

Ngoài ra, loãng xương xuất hiện còn do các nguyên nhân sau:

– Di truyền: Người sinh ra trong gia đình có tiền sử cha, mẹ bị loãng xương, gãy xương sớm.

– Thể trạng cơ thể nhỏ: BMI <19, người bị suy dinh dưỡng, thể chất kém phát triển ngay khi còn nhỏ.

– Không hoạt động thể lực, cơ thể bất động lâu ngày.

– Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.

– Sử dụng corticosteroid, thuốc đái tháo đường, chống ung thư… trong thời gian dài.

– Hội chứng Cushing, thiểu năng sinh dục nam nữ, mãn kinh sớm.

– Mắc các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus, viêm cột sống dính khớp.

– Mắc những bệnh lý có nguy cơ mất xương cao như cường giáp, suy thận mạn, bệnh lý huyết học, ung thư phổi

– Chế độ dinh dưỡng hàng ngày, tập luyện không khoa học.

Phương pháp điều trị loãng xương nằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ gãy xương.

Loãng xương không có dấu hiệu rõ ràng mà chỉ được phát hiện khi người bệnh bị gãy xương, va đập.

4. Các phương pháp điều trị loãng xương hiện nay

Tùy thuộc vào sức khỏe và tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ có cáchđiều trị loãng xương khác nhau. Mục đích của việc thực hiện phương pháp này là nhằm ngăn chặn tình trạng gãy xương. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường khối lượng xương trong thời kỳ phát triển của xương. Ngoài ra điều trị loãng xương còn giúp ngăn chặn sự mất xương, phục hồi cấu trúc của xương và vô cơ hóa xương.

4.1 Phương pháp điều trị loãng xương không dùng thuốc

– Chế độ sinh hoạt

Tập luyện thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể nói chung và xương khớp nói riêng. Ngoài ra, người bệnh nên tập chịu sức nặng cơ thể bằng việc chạy bộ, đi bộ, khiêu vũ. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần cẩn trọng để tránh vấp ngã.

– Chế độ ăn uống

Người bị loãng xương cần được bổ sung thực phẩm giàu canxi trong thực đơn hàng ngày và có thể sử dụng thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ.  Đồng thời, người bệnh nên hạn chế đồ uống có cồn như rượu bia, không hút thuốc lá. Việc kiểm soát tốt cân nặng cũng giúp ngăn ngừa loãng xương.

– Dùng nẹp chỉnh hình và dụng cụ khác để làm giảm sự tì đè lên các vùng xương.

4.2 Phương pháp điều trị loãng xương bằng thuốc

Với phương pháp điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần nạp đủ lượng vitamin D (800-1000 IU/ngày) và canxi (1000-1200mg/ngày). Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm thuốc chống hủy xương như:

– Alendronate: Fosamax 5600 hoặc Fosamax plus. Dùng 1 viên/tuần.

– Zoledronic acid: Thực hiện truyền tĩnh mạch, liều lượng 5mg/100ml/năm. Lưu ý, người bị suy thận nặng, rối loạn nhịp tim không sử dụng thuốc này.

– Calcitonin: Calcitoninn được chỉ định cho người bị gãy xương, đau vì loãng xương, liều lượng 50 – 100 IU/ngày. Nên dùng kết hợp với nhóm bisphosphonate.

– Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs), Raloxifen (Evista). Phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh được chỉ định dùng loại thuốc này. Liều lượng 60mg/ngày, sử dụng không quá 2 năm.

Ngoài ra, thuốc Strontium ranelate (Protelos), Deca-Durabolin và Durabolin cũng được sử dụng trong điều trị loãng xương.

Người bệnh cần thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học để ngăn ngừa bệnh.

Bổ sung thực phẩm giàu canxi trong thực đơn hàng ngày.

4.3 Điều trị biến chứng

– Điều trị đau: Tiến hành theo bậc thang giảm đau của Tổ chức y tế thế giới (WHO), kết hợp Calcitonine.

– Điều trị gãy xương: Thay đốt sống nhân tạo, đeo nẹp hoặc thay khớp nếu được chỉ định.

4.4 Điều trị lâu dài

– Bác sĩ đánh giá kết quả điều trị loãng xương bằng việc đo lại mật độ xương cho bệnh nhân sau 1- 2 năm.

– Người bệnh thực hiện phương pháp điều trị bệnh loãng xương trong 3 – 5 năm. Sau khoảng thời gian đó, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tổng thể tình trạng bệnh để đưa ra phương hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh.

Loãng xương là bệnh khó điều trị nhưng có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động theo dõi sức khỏe và tới ngay cơ sở y tế uy tín thăm khám khi thấy dấu hiệu bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital