Dịch đau mắt đỏ: Mối nguy tiềm ẩn lũ và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Mùa mưa lũ đến không chỉ mang theo những thiệt hại về tài sản mà còn là thời điểm các bệnh dịch dễ bùng phát, trong đó có dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Vì sao bạn dễ bị đau  mắt đỏ trong thời gian này, làm thế nào để phòng và điều trị hiệu quả? Dành ngay vài phút để khám phá câu trả lời chi tiết đã được giải đáp dưới đây.

1. Dịch đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là một bệnh lý về mắt phổ biến. Bệnh này gây ra tình trạng viêm nhiễm ở lớp màng mỏng bao phủ mặt trong mi mắt và bề mặt nhãn cầu, dẫn đến các triệu chứng như:

Vì sao dịch đau mắt đỏ dễ bùng phát vào mùa nước lũ

Vì sao dịch đau mắt đỏ dễ bùng phát vào mùa nước lũ?

– Bạn cảm thấy khó chịu, ngứa trong mắt và màu mắt bị đỏ.

– Nước mắt tự chảy, kèm theo đó, trong mắt có nhiều dịch nhầy, hoặc mủ được tiết ra.

– Bạn luôn cảm thấy như có bụi trong mắt nhưng không lấy ra được.

– Sáng ngủ dậy, bạn khó mở mắt vì hai bờ mi bị sưng và dính lại với nhau.

Theo các chuyên gia, dịch đau mắt đỏ có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Trong đó, đau mắt đỏ do virus là nguyên nhân phổ biến nhất của các đợt bùng phát dịch, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

2. Tại sao dịch đau mắt đỏ dễ bùng phát vào mùa mưa lũ?

Có nhiều lý do khiến bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch trong mùa mưa lũ:

2.1. Độ ẩm cao và điều kiện vệ sinh không đảm bảo

Trong mùa mưa lũ, nước lũ dâng cao nhiều ngày làm môi trường tự nhiên ẩm ướt. Trong điều kiện nhiệt độ của mùa Hè – Thu, vi khuẩn, virus gây bệnh rất dễ sinh sôi và phát triển.

Nước lũ cuốn đi khắp nơi, mang theo bụi bẩn và nhiều tác nhân gây bệnh, bao gồm cả vi sinh vật gây bệnh đau mắt đỏ.

Khi nước lũ rút đi, những vùng đất ẩm ướt còn sót lại trở thành môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh sinh sôi. Chúng tấn công vào cơ thể con người, làm khởi phát bệnh. Với thói quen hay dụi mắt, người bệnh vô tình tiếp tục đưa vi khuẩn, virus đến các vật dụng xung quanh. Khi người khác chạm vào, họ dễ dàng bị lây nhiễm nguồn bệnh.

Trong điều kiện môi trường nước bị nhiễm bẩn và lũ lụt vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sinh hoạt, mầm bệnh càng dễ lây lan khắp nơi, khiến bệnh khởi phát ở nhiều vùng. Nếu không được kiểm soát, bệnh rất dễ tạo thành dịch.

2.2. Suy giảm miễn dịch

Thời gian vừa qua, trận mưa lũ lịch sử đã gây bao tổn thất nặng nề cho người dân. Rất nhiều người mất đi sự sống, người ở lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn về thực phẩm, nước sạch, nơi ở bị tàn phá, nhiễm bẩn…

Không ít người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước lũ, hoặc bị nước bẩn bắn vào mắt, đem theo nhiều loại vi khuẩn, virus gây hại.

Những điều này có thể khiến cho nhiều người bị suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là các đối tượng người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. Chính vì vậy, họ dễ dàng bị các tác nhân gây bệnh tấn công, bao gồm cả virus viêm kết mạc.

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn có thể khiến bạn suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh về mắt

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn có thể khiến bạn suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh về mắt

Thêm vào đó, khi lũ lụt xảy ra, người dân thường phải di chuyển đến các khu vực sơ tán tập trung. Việc sống chung trong không gian hẹp, thiếu điều kiện vệ sinh cá nhân tốt có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ giữa những người sống cùng nhau.

3. Cách ngăn chặn dịch đau mắt đỏ hình thành mùa mưa lũ

Để phòng ngừa dịch đau mắt đỏ trong mùa mưa lũ, cần thực hiện các biện pháp sau:

– Vệ sinh cá nhân: Bạn nên chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, tiệt trùng để sử dụng trong những ngày mưa bão. Nếu không có nước sạch để rửa tay thường xuyên, đừng quên dùng dung dịch sát khuẩn và sau khi chạm vào mắt

– Hạn chế dùng chung đồ: Mỗi người nên có một khăn mặt, khăn tắm riêng. Đặc biệt, không dùng chung đồ với người đang bị đau mắt đỏ.

– Cách ly: Người bị đau mắt đỏ nên được cách ly tại khu riêng, tránh sinh hoạt cùng chỗ với những người khỏe mạnh.

– Bảo vệ mắt: Cần chú ý, không dịu mắt bằng tay bẩn. Nếu nước lũ bắn vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý ngay. Khi đi lại trong môi trường bụi bẩn, hãy đeo kính bảo hộ hoặc kính râm.

– Vệ sinh môi trường: Sau khi lũ rút, cần dọn dẹp và khử trùng nhà cửa, xử lý nguồn nước sinh hoạt an toàn. Chú ý loại bỏ các các vũng nước đọng xung quanh nhà để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và virus.

– Bổ sung miễn dịch: Nên nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng và ăn uống đủ dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng.

4. Cách nhận biết và xử lý khi mắc đau mắt đỏ

Để ngăn ngừa dịch đau mắt đỏ bùng phát trong mùa lũ, điều quan trọng đầu tiên là bạn phải nhận biết sớm các triệu chứng. Bên cạnh các dấu hiệu như đã nêu ở trên, đau mắt đỏ còn khiến bạn có cảm giác đau nhẹ trong mắt, gây khó chịu. Bạn khá nhạy cảm với ánh sáng và bị suy giảm thị lực nhẹ.

Nhận thấy những dấu hiệu này, bạn có thể xử lý tạm thời tại nhà trước bằng cách:

– Dùng muối sinh lý hoặc pha nước muối loãng tương đương tỷ lệ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.

– Lấy khăn ấm, sạch để lau nhẹ nhàng quanh mắt nhằm loại bỏ các chất tiết.

– Không chạm vào trong mắt.

Nên đi khám bác sĩ khi có triệu chứng đau mắt đỏ

Nên đi khám bác sĩ khi có triệu chứng đau mắt đỏ

Tiếp theo, nếu sau 2 – 3 ngày, biểu hiện bệnh không giảm hoặc tăng lên, thị lực của bạn giảm đáng kể, đặc biệt là trong trường hợp sốt cao, đau đầu dữ dội, bạn cần đi khám bác sĩ ngay.

Sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.

– Đau mắt đỏ do virus: Thường tự khỏi sau 1-2 tuần. Điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng bằng cách rửa mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, thuốc kháng virus

– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Cần sử dụng thuốc kháng sinh, diệt khuẩn gây đau mắt đỏ theo chỉ định của bác sĩ.

– Đau mắt đỏ do dị ứng: Điều trị bằng thuốc chống dị ứng và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Các thuốc kháng sinh, kháng virus và chống dị ứng cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự mua.

Dịch đau mắt đỏ là một mối nguy tiềm ẩn trong mùa mưa lũ, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, bảo vệ mắt và môi trường sống, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong trường hợp mắc bệnh, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế các biến chứng và nhanh chóng hồi phục. Hãy luôn cảnh giác và chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trong mùa mưa lũ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital